Công ty Cổ phần Công nghệ Bảo Lộc (BLT.cert) quảng cáo sai sự thật về năng lực chứng nhận

author 08:34 17/01/2023

(VietQ.vn) - Công ty Cổ phần Công nghệ Bảo Lộc (BLT.cert) quảng cáo sai sự thật về năng lực chứng nhận, có dấu hiệu lừa dối khách hàng.

Ngang nhiên quảng cáo sai sự thật dù không được cấp phép

Đối với doanh nghiệp, việc áp dụng ISO mang lại nhiều lợi ích như giúp lãnh đạo quản lý hoạt động khoa học và hiệu quả, củng cố uy tín lãnh đạo; Cải thiện hiệu quả kinh doanh, tăng lợi nhuận nhờ sử dụng hợp lý nguồn lực, tiết kiệm chi phí; Kiểm soát chặt chẽ các công đoạn sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; Sản phẩm có chất lượng ổn định hơn, nâng cao năng suất, giảm phế phẩm và chi phí không cần thiết; Tăng sản lượng do kiểm soát thời gian trong quá trình sản xuất; Kiểm soát chất lượng nguyên vật liệu đầu vào do kiểm soát được nhà cung cấp...

Chứng chỉ ISO còn góp phần nâng cao hình ảnh doanh nghiệp trong mắt khách hàng, nhân viên và cổ đông công ty, cung cấp lợi thế cạnh tranh của một tổ chức trong thương mại. Nhận thức được lợi ích thiết thực từ việc áp dụng cũng như phấn đấu đạt chứng nhận ISO, thời gian qua, không ít doanh nghiệp đã nỗ lực thay đổi, cải tiến quá trình sản xuất để đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn ISO. Sau thành công của quá trình đổi mới chính mình, nhiều doanh nghiệp đã nhận được chứng nhận ISO từ các tổ chức chứng nhận được cấp phép.

Website của Công ty Cổ phần Công nghệ Bảo Lộc (BLT.cert).

Trong quá trình này, không ít doanh nghiệp đã tìm đến các công ty có chức năng chứng nhận ISO để hỗ trợ quá trình thực hiện dự án ISO từ khâu khảo sát, đánh giá đến khi đạt được chứng nhận. Đáp ứng nhu cầu này, tại Việt Nam, nhiều tổ chức chứng nhận ISO đã ra đời.

Tuy nhiên, do chứng nhận là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên các tổ chức, doanh nghiệp trước khi kinh doanh dịch vụ chứng nhận bắt buộc phải đăng ký hoạt động theo Nghị định 107/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp. Sau khi nộp và hoàn thiện hồ sơ theo quy định pháp luật, tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chứng nhận sẽ được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chứng nhận. Kèm theo đó là danh mục sản phẩm hàng hoá đăng ký lĩnh vực hoạt động chứng nhận. Giấy chứng nhận do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cấp thể hiện rõ tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chứng nhận được phép chứng nhận những loại sản phẩm, hàng hoá nào.

Tại Việt Nam, đa phần doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chứng nhận đã đảm bảo thực hiện đầy đủ quy định tại Nghị định 107/2016/NĐ-CP. Tuy nhiên, thời gian qua, có hiện tượng một số tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chứng nhận chưa tuân thủ quy định này. Cá biệt có trường hợp chưa đăng ký lĩnh vực hoạt động chứng nhận theo Nghị định 107 nhưng đã tiến hành chứng nhận hoặc không trung thực về năng lực chứng nhận. Điều này khiến khách hàng, người tiêu dùng và dư luận không khỏi bức xúc.

Thông qua đường dây nóng, toà soạn Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) nhận được phản ánh về trường hợp Công ty Cổ phần Công nghệ Bảo Lộc (BLT.cert) cố tình quảng cáo dịch vụ sai sự thật, lừa dối khách hàng. Công ty Cổ phần Công nghệ Bảo Lộc có địa chỉ đăng ký kinh doanh tại số 09, BT5, Khu đô thị Văn Phú, Phường Phú La, Quận Hà Đông, Hà Nội. Doanh nghiệp này hoạt động từ năm 2021, người đại diện là bà Đặng Ngọc Hiên (chức vụ Giám đốc Công ty).

Theo Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chứng nhận, Công ty Cổ phần Công nghệ Bảo Lộc (BLT.cert) đã đăng ký hoạt động chứng nhận đối với tổng hợp đa ngành trong lĩnh vực chứng nhận hệ thống quản lý theo TCVN 9001/ISO 9001, TCVN 14001/ISO 14001. Điều này có nghĩa là đối với hoạt động chứng nhận theo hệ thống quản lý, BLT.cert chỉ được phép cấp chứng nhận ISO 9001 hoặc ISO 14001.

Tuy nhiên, thời gian qua, trên các nền tảng mạng xã hội đặc biệt là website chính thức của Công ty lại quảng cáo sai sự thật về việc công ty này có khả năng chứng nhận nhiều loại ISO khác không có trong danh mục được cấp phép như ISO 22000, ISO 45001, ISO 13485... 

Dù chỉ được cấp phép chứng nhận ISO 9001, ISO 14001 nhưng Công ty Cổ phần Bảo Lộc vẫn tự nhận có khả năng cung cấp chứng nhận ISO 45001: 2018, ISO 13485, ISO 22000.

Chiêu trò lừa dối khách hàng 

Với mong muốn có thêm thông tin khách quan, trong vai khách hàng, phóng viên Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) đã liên hệ tới số hotline của Công ty Cổ phần Công nghệ Bảo Lộc. Ở đầu dây bên kia, một người phụ nữ bắt máy và tự xưng là nhân viên trực đường dây nóng của công ty này. Sau khi nghe phóng viên (trong vai khách hàng) trình bày nguyện vọng muốn làm chứng nhận ISO 45001: 2018, nhân viên trực tổng đài nói BLT.cert làm được chứng nhận này. Đồng thời, người này dặn sẽ cho một nhân viên khác liên hệ trực tiếp để tư vấn kỹ hơn.

Chỉ vài phút sau, một nhân viên khác tên Yến liên hệ với phóng viên. Sau một hồi tư vấn, hỏi thêm thông tin về doanh nghiệp, nhân viên tên Yến gửi báo giá và dự thảo hợp đồng cấp chứng nhận ISO 45001:2018 cho phóng viên. Bản dự thảo hợp đồng có đầy đủ thông tin của Công ty Cổ phần Công nghệ Bảo Lộc, thông tin về việc công ty này cung cấp dịch vụ chứng nhận ISO 45001: 2018 cho phóng viên (trong vai khách hàng).

Phóng viên tiếp tục hỏi về mẫu giấy chứng nhận ISO 45001: 2018 của BLT.cert và nhân viên của BLT.cert cũng gửi cho phóng viên một bản giấy chứng nhận mẫu. Tuy nhiên, công ty chứng nhận ghi trong bản mẫu không phải là Công ty Cổ phần Công nghệ Bảo Lộc mà là một đơn vị khác. Đơn vị này có tên là Viện Nghiên cứu Phát triển Tiêu chuẩn chất lượng (ISSQ).

Khi phóng viên thắc mắc tại sao phóng viên yêu cầu gửi mẫu chứng nhận ISO 45001: 2018 của BLT.cert mà nhân viên lại gửi của một đơn vị khác thì nhân viên tên Yến nói với phóng viên rằng: "Bên em gồm nhiều đơn vị hợp tác với nhau. Trong đó có đơn vị tổ chức chứng nhận ISSQ là một đối tác về đánh giá tiêu chuẩn ISO 45001 cho các khách hàng bên em ạ. Các đơn vị đánh giá và tư vấn sẽ cần là các đơn vị độc lập chứ không thể cùng của 1 đơn vị (theo quy định nhà nước).

Do đó, bên em sẽ đứng ra thực hiện tư vấn hỗ trợ bên mình hoàn thiện hồ sơ và chuẩn bị cho buổi đánh giá, sau khi đánh giá bên em cũng sẽ hỗ trợ bên mình khắc phục các điểm không phù hợp để đạt giấy chứng nhận...". Nhân viên này còn khẳng định, BLT.cert hỗ trợ làm trọn gói cho các công ty, ISSQ là nhà thầu phụ. BLT.cert sẽ đứng ra là nhà thầu chính và ký hợp đồng với phóng viên (trong vai khách hàng). 

 Hợp đồng chứng nhận ISO 45001:2018 ký với Công ty Cổ phần Công nghệ Bảo Lộc (BLT.cert) nhưng đơn vị cấp chứng nhận lại là ISSQ.

Đến đây, phóng viên mới ngã ngửa ra rằng, Công ty Cổ phần Công nghệ Bảo Lộc (BLT.cert) không được phép cấp chứng nhận ISO 45001:2018. Việc công ty quảng cáo cấp chứng nhận ISO 45001:2018, thậm chí nhân viên công ty này cũng nhận làm được chứng nhận là sai sự thật.

Thực chất sau khi nhận yêu cầu làm ISO 45001:2018 từ khách hàng, BLT.cert sẽ chuyển qua một đơn vị khác. Nếu khách hàng nào không hiểu rõ bản chất vấn đề thì khi ký hợp đồng và cấp chứng nhận sẽ là hai đơn vị khác nhau. Khách hàng cũng không thể biết được liệu khi qua hai đơn vị như vậy, chi phí có bị tăng lên? Tổ chức chứng nhận do BLT.cert giới thiệu liệu có uy tín? Nếu xảy ra rủi ro, khách hàng tìm ai để đòi quyền lợi? Vì sao BLT.cert lại cố tình tung "hoả mù" để lừa dối khách hàng sử dụng dịch vụ trong khi bản thân doanh nghiệp không được phép cấp chứng nhận?

Không chỉ quảng cáo cung cấp dịch vụ chứng nhận ISO 45001: 2018, Công ty Cổ phần Công nghệ Bảo Lộc còn giới thiệu cung cấp các dịch vụ chứng nhận ISO 22000, ISO 13485. Trong khi đó, trên thực tế, công ty này không được phép thực hiện chứng nhận các loại ISO đã nêu. Vậy vì sao BLT.cert lại mập mờ thông tin cung cấp dịch vụ chứng nhận? Liệu có phải công ty này đang trục lợi dựa trên niềm tin, sự thiếu hiểu biết của khách hàng?

Phong Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang