Công ty cổ phần Dệt công nghiệp Hà Nội xả khí thải gây ô nhiễm môi trường

(VietQ.vn) - Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội đã yêu cầu Công ty cổ phần Dệt công nghiệp Hà Nội triển khai các biện pháp xử lý điểm rò rỉ khí thải ra môi trường và cam kết xây dựng lộ trình dừng hoạt động, di dời phân xưởng sản xuất gây ô nhiễm.
Kiên Giang: Xả thải vượt quy chuẩn, 4 nhà hàng bị phạt hơn 500 triệu đồng
Công ty Thực Phẩm Xanh (Đồng Nai) xả thải vượt quy chuẩn bị xử phạt
Xử phạt Công ty Gia Lộc do xả thải vượt quy chuẩn
Công ty May Nghi Xuân bị xử phạt do xả thải vượt quy chuẩn ra môi trường
Dệt công nghiệp Hà Nội xả khí thải gây ô nhiễm môi trường
Theo đó, sau khi nhận được phản ánh từ người dân, Đoàn kiểm tra của Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội đã tiến hành kiểm tra đối với Công ty cổ phần Dệt công nghiệp Hà Nội có địa chỉ tại 91 phố Lĩnh Nam, phường Mai Động, quận Hoàng Mai. Công ty chuyên sản xuất vải mành lốp và sản xuất vải địa kỹ thuật không dệt phục vụ công trình giao thông, xây dựng; có quy mô sản xuất 6.000 tấn vải mành lốp/năm và 4.800 tấn vải địa kỹ thuật không dệt/năm. Đoàn kiểm tra nhận thấy, sau nhiều năm hoạt động, công ty này bộc lộ một số hạn chế, xả khói, khí thải có mùi khó chịu ra môi trường và ảnh hưởng đến cuộc sống của cư dân xung quanh nhà máy.
Trước vấn đề này, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội kiểm tra xác minh làm rõ thông tin phản ánh, tham mưu lãnh đạo thành phố hướng xử lý.
Khí thải công nghiệp gây ô nhiễm môi trường sống của người dân xung quanh. Ảnh minh họa
Trưởng phòng Quản lý môi trường (Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội) Nguyễn Trọng Nhất cho biết, khi đến làm việc, phía Công ty cổ phần Dệt công nghiệp Hà Nội cung cấp cho đoàn một số hồ sơ pháp lý về môi trường, như: Quyết định số 589/QĐ-STNMT ngày 3 tháng 6 năm 2015 của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội về việc phê duyệt đề án bảo vệ môi trường, giấy phép xả nước thải vào nguồn nước của UBND thành phố Hà Nội, kết quả quan trắc nước thải sinh hoạt năm 2024 tần suất 4 lần/năm và khí thải tần suất 2 lần/năm.
Theo đó, công ty có 2 lò khí hóa đốt biomass (1 hoạt động, 1 dự phòng) công suất đốt 7 tấn biomass/ngày. Các lò khí này xử lý bụi bằng cách đưa dòng khí, bụi vào thiết bị và dựa theo nguyên tắc ly tâm để tách bụi ra khỏi hỗn hợp khí sau xử lý thoát qua ống khói cao khoảng 30m ra môi trường. Đoàn kiểm tra đã tiến hành đo nhanh các thông số SO2, Nox và CO tại ống khói của lò khí hóa đốt biomass và đều đạt giới hạn cho phép theo quy chuẩn môi trường.
Tuy nhiên, tại khu vực buồng sấy gia nhiệt vải mành, đoàn kiểm tra phát hiện khói, khí thải phát ra mùi khó chịu qua đường ống hoen gỉ và các cửa sổ. Hơn nữa, tại dây chuyền sản xuất mành lốp có sử dụng keo, có công đoạn nhúng cao su nhân tạo, nhưng chưa có biện pháp thu khí từ quá trình sản xuất. Dó đó, nội dung phản ánh của cư dân phường Mai Động là có căn cứ.
Lý giải về vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dệt công nghiệp Hà Nội Nguyễn Đức Sỹ cho biết, nguyên nhân chính phát sinh mùi khó chịu là do nắp bầu quạt thải bị hỏng, dẫn đến khí thải thoát ra ngoài. Sau khi xảy ra sự việc, công ty đã khắc phục ngay sự cố, giảm thấp nhất tác động xấu đến môi trường và cuộc sống cư dân xung quanh. Ngoài ra, để không phát sinh thêm khí thải ra môi trường, công ty đã có phương án di chuyển nhà máy về Khu công nghiệp Phố Nối A, huyện Văn Lâm (tỉnh Hưng Yên). Dự kiến, từ tháng 4 đến tháng 8 năm 2025, công ty giảm dần sản lượng sản xuất vải mành lốp và sản xuất vải địa kỹ thuật không dệt tại 93 Lĩnh Nam để di dời dây chuyền sản xuất. Đến ngày 30/8, công ty phải hoàn thành công tác di dời để báo cáo UBND TP Hà Nội.
Ô nhiễm không khí tại Hà Nội ngày càng trầm trọng
Từ cuối năm 2024 đến nay, thủ đô Hà Nội liên tiếp trải qua "mùa" ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Nhiều thời điểm, chỉ số chất lượng không khí AQI ở mức 272, đưa Hà Nội trở lại đứng đầu trong danh sách các thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới, với chất lượng không khí ở mức tím - mức nguy hại tới sức khỏe con người. Nồng độ PM2.5 tại Hà Nội cao gấp 32 lần giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hàng năm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Người dân được khuyến cáo giảm vận động ngoài trời, nên đeo khẩu trang khi ra ngoài. Đó là lý do vì sao trong những ngày trời xuân thời tiết đẹp nhất năm nhưng trên khắp các tuyến phố, con đường đều thấy người dân ra đường bịt khẩu trang kín mít. Thậm chí nhiều người lớn tuổi đi tập thể dục buổi sáng cũng đeo khẩu trang. Nhiều nhóm khách du lịch ngồi trên xe điện tham quan quanh hồ Hoàn Kiếm cũng "nhập gia tùy tục", không thoát khỏi "khiên chống bụi mịn".
Về khí thải công nghiệp, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 19:2024/BTNMT khí thải công nghiệp quy định giá trị giới hạn cho phép của các thông số ô nhiễm trong khí thải công nghiệp khi xả thải ra môi trường không khí.
Khí thải công nghiệp bao gồm các loại khí và bụi độc hại như CO2, CO, SOx, NOx... được thải ra từ các khu công nghiệp, nhà máy chế biến và dịch vụ công nghiệp, gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và sức khỏe con người.
Khí thải công nghiệp không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của con người, mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe. Hít phải khí thải độc hại trong thời gian dài có thể tăng nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp và ung thư phổi. Sự nhiễm độc từ khí thải có thể lan truyền trong cơ thể, gây rối loạn thần kinh và suy nhược cơ thể.
Nguy cơ mắc các bệnh như hen suyễn, viêm mũi dị ứng, viêm phế quản tăng cao khi tiếp xúc thường xuyên với bụi bẩn. Bụi cũng được xem là tác hại của khí thải công nghiệp, có thể gây đau nhức mắt, giảm thị lực nếu nó vào mắt. Sinh sống trong môi trường ô nhiễm có thể ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, sức đề kháng và thậm chí là tuổi thọ.
Duy Trinh (t/h)