Công ty Minh Trí Hải Thịnh sản xuất nước sát khuẩn giả bị khởi tố hình sự

author 11:14 20/08/2020

(VietQ.vn) - Sản xuất nước sát khuẩn giả số lượng lớn, Công ty Cổ phần liên doanh Minh Trí Hải Thịnh bị khởi tố hình sự.

Ngày 23/7/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Nam đã ra Quyết định khởi vụ án hình sự “Sản xuất hàng giả” xảy ra ngày 17/3/2020 tại Công ty Cổ phần liên doanh Minh Trí Hải Thịnh; Khởi tố bị can đối với Phạm Thị Hoài, sinh năm 24/8/1984, là Giám đốc Công ty cổ phần liên doanh Minh Trí Hải Thịnh về tội “Sản xuất hàng giả” quy định tại khoản 2, điều 192, Bộ luật hình sự.

Trước đó, ngày 17/3/2020, Đội QLTT số 1, Cục QLTT Hà Nam phối hợp với Đội 2 - Phòng PC03 - Công an tỉnh Hà Nam tiến hành kiểm tra đối với Công ty Cổ phần liên doanh Minh Trí Hải Thịnh, địa chỉ: Xóm 5, xã Liêm Chung, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.

Kết quả kiểm tra: Tại thời điểm kiểm tra Công ty đang sản xuất các sản phẩm: Gel sát khuẩn trà xanh, xịt khuẩn khô thảo dược, nước rửa tay khô thảo dược các loại.

 Các chai nước rửa tay khô kháng khuẩn giả mạo

Đại diện công ty không xuất trình được hồ sơ liên quan đến hoạt động sản xuất; hóa đơn, chứng từ của nguyên liệu dùng để sản xuất; hồ sơ công bố của sản phẩm; hàng hóa thành phẩm do Công ty sản xuất có dấu hiệu vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa.

Tang vật tạm giữ gồm 9.273 chai xịt sát khuẩn các loại, 68.500 chiếc nhãn thành phẩm các loại chưa dán, 24.000 chiếc tem bảo hành (chống hàng giả) của sản phẩm.

Căn cứ Quy chế phối hợp số 02/2018/QCPH-LN ngày 30/11/2018 ký giữa Viện kiểm sát nhân dân tỉnh và Cục Quản lý thị trường về phối hợp liên ngành trong công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố trên địa bàn tỉnh Hà Nam, xét thấy vụ việc có nhiều dấu hiệu vi phạm, Cục QLTT Hà Nam đã chỉ đạo Đội QLTT số 1 thực hiện chuyển giao toàn bộ hồ sơ, tang vật tạm giữ đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền thuộc Công an tỉnh để điều tra, xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.

Bước đầu điều tra xác định, Phạm Thị Hoài đã có hành vi chỉ đạo, điều hành Công ty cổ phần liên doanh Minh Trí Hải Thịnh sản xuất hơn 9.000 chai nước rửa tay khô kháng khuẩn giả mạo số công bố hàng hóa; dán nhãn hàng hóa giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất; giả mạo hàng hóa của thương nhân khác. Tổng giá trị hàng hóa giả được định giá tương đương với giá trị hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng là 466.150.000 đồng.

Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Nam đang tập trung điều tra mở rộng vụ án.

Liên quan đến các sản phẩm sát khuẩn giả, BSCK II. Bùi Quang Hào – Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, BV Da liễu TW cảnh báo, sử dụng nước sát khuẩn “giả” không những không sạch mà còn làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh.

BS. Hào cảnh báo, khi người dân sử dụng phải dung dịch sát khuẩn không rõ nguồn gốc (rởm) thì tiềm ẩn 2 nguy cơ thường gặp đó là: Dung dịch sát khuẩn nhưng không có tác dụng sát khuẩn, diệt khuẩn (do thành phần hoạt chất, nồng độ... không đảm bảo quy chuẩn) và như vậy rất dễ làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh.

Ngoài ra, với nước sát khuẩn “rởm” dễ gây ra phản ứng phụ tại chỗ (như viêm da kích ứng hoặc dị ứng) hoặc gây độc hại khi dung dịch bay vào mắt, mũi, miệng hoặc thức ăn.

Để có thể sử dụng các loại dung dịch sát khuẩn đảm bảo chất lượng, có tác dụng phòng chống dịch bệnh nói chung và dịch bệnh Covid-19 nói riêng, BS. Hào khuyến cáo người dân nên chọn mua dung dịch sát khuẩn, nước rửa tay ở những cơ sở sản xuất có địa chỉ, nhãn mác rõ ràng (đã được Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cấp phép) và thực hiện rửa tay nhiều lần trong ngày. Chú ý lau chùi bằng dung dịch sát khuẩn các vật dụng như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, bàn phím máy tính, điện thoại...

Với nhân viên y tế, học sinh, sinh viên đang công tác, học tập tại các cơ sở y tế cần thực hiện nghiêm túc 5 thời điểm rửa tay, 6 bước rửa tay thường quy theo hướng dẫn của WHO, Bộ Y tế.

"Cần lưu ý, chỉ nên chà tay bằng dung dịch cồn sát khuẩn nhanh khi không nhìn thấy vết bẩn bằng mắt thường. Trường hợp nếu có vết bẩn nhìn thấy bằng mắt thường thì rửa tay bằng dung dịch rửa tay, xà phòng diệt khuẩn sẽ mang lại hiệu quả hơn – chuyên gia kiểm soát nhiễm khuẩn chia sẻ.

Về tình trạng hàng giả, theo thống kê từ Tổng cục Quản lý thị trường, trong 7 tháng đầu năm 2020, lực lượng Quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý 41.940 vụ vi phạm. Trong đó có 15.207 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu; 13.394 vụ gian lận thương mại; 13.339 vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả). Tổng số tiền thu ngân sách nhà nước ước đạt 158 tỷ 100 triệu đồng (trong đó phạt vi phạm hành chính 127 tỷ 800 triệu đồng; bán hàng tịch thu 30 tỷ 300 triệu đồng).

Cũng trong khoảng thời gian 7 tháng đầu năm, Tổng cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội (Facebook, Zalo...).

Hiện cơ quan chức năng đang đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm đến hết năm 2020. Xây dựng, hoàn thiện phần mềm hàng thật, hàng giả; phần mềm chứng từ điện tử; phần mềm xử lý vi phạm hành chính. Tiếp tục tổ chức công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại trên thị trường tham gia đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; thực hiện ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng và kiểm tra đối với những cơ sở kinh doanh đã ký cam kết, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Thu Hà

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang