Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Lad Việt Nam: Bếp từ Benza không gắn hợp quy, liệu có an toàn?
Cửa hàng điện thoại Thịnh Cường: Nhiều thiết bị không được chứng nhận, gắn dấu hợp quy
Hệ thống cửa hàng Minizon Kids: Đồ chơi trẻ em không gắn dấu hợp quy, chất lượng có đảm bảo?
Hệ thống cửa hàng Minizon Kids: Sản phẩm quần áo không dấu chứng nhận hợp quy (Bài 2)
Tại sao các sản phẩm điện, điện tử gia dụng phải công bố chứng nhận hợp quy?
Trước sự phát triển của thị trường, để quản lý chất lượng bếp điện, bếp điện từ... Bộ KH&CN đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 9:2012/BKHCN về tương thích điện từ đối với thiết bị điện và điện tử gia dụng. Tới năm 2018, phần sửa đổi 1 của quy chuẩn bổ sung thêm sản phẩm bếp điện từ vào danh mục sản phẩm bắt buộc phải chứng nhận phù hợp QCVN 9:2012/BKHCN trước khi đưa ra thị trường. Quy định về chứng nhận, công bố và gắn dấu hợp quy cho sản phẩm bếp từ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2021.
QCVN 9:2012/BKHCN đã nêu rõ trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc thực hiện quy chuẩn. Cụ thể, doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thiết bị điện và điện tử phải bảo đảm chất lượng theo quy định có liên quan của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu thiết bị điện, điện tử phải bảo đảm giới hạn nhiễu điện từ theo quy định kỹ thuật của quy chuẩn này.
Trụ sở Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Lad Việt Nam cũng là nơi lưu trữ các sản phẩm bếp từ Benza.
Doanh nghiệp phải có trách nhiệm cung cấp bằng chứng khi có yêu cầu hoặc được kiểm tra theo quy định đối với hàng hóa lưu thông trên thị trường. Trong thời gian hiệu lực của giấy chứng nhận hợp quy, doanh nghiệp có thiết bị điện và điện tử đã được chứng nhận hợp quy phải kịp thời thông báo bằng văn bản đến tổ chức chứng nhận hợp quy về những thay đổi các bộ phận liên quan đến EMC của thiết bị điện và điện tử đã được chứng nhận hợp quy. Doanh nghiệp phải lưu trữ hồ sơ không ít hơn 6 năm kể từ ngày sản phẩm cuối cùng của kiểu, loại đã công bố hợp quy được xuất xưởng (đối với thiết bị điện, điện tử sản xuất trong nước) hoặc được nhập khẩu (đối với thiết bị điện, điện tử nhập khẩu).
Mặc dù quy định về chứng nhận, công bố và gắn dấu hợp quy cho sản phẩm bếp điện từ đã có từ lâu, tuy nhiên, trên thị trường bếp từ hiện vẫn có những doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh dòng sản phẩm này chưa thực hiện đúng quy định về chứng nhận chất lượng sản phẩm theo QCVN 9:2012/BKHCN. Điển hình như trường hợp Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Lad Việt Nam (địa chỉ tại 54 Nguyễn Khuyến, Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội). Được biết, người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Lad Việt Nam là bà Nguyễn Thị Thu Hằng.
Trong vai khách hàng, phóng viên được một nam nhân viên Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Lad Việt Nam tư vấn nhiều sản phẩm bếp từ với mẫu mã, giá cả khác nhau. Các sản phẩm đều mang thương hiệu Benza. Theo giới thiệu của nhân viên công ty, các sản phẩm bếp từ của công ty là hàng nhập khẩu có đầy đủ giấy tờ pháp lý, chứng nhận chất lượng. Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, sản phẩm bếp từ mà nhân viên công ty giới thiệu chưa được gắn dấu hợp quy (dấu CR) theo quy định.
Nhân viên Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Lad Việt Nam thậm chí còn trực tiếp bóc hộp hai sản phẩm mới cho phóng viên xem. Tuy nhiên, theo quan sát, toàn bộ sản phẩm từ vỏ hộp, tài liệu hướng dẫn đến phần thân, đáy sản phẩm không có dấu hợp quy (dấu CR) theo quy định pháp luật.
Trong khi đó, QCVN 9:2012/BKHCN của Bộ KH&CN đã quy định rõ, các thiết bị điện và điện tử sản xuất trong nước, kinh doanh và nhập khẩu khi lưu thông trên thị trường phải có nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa; phải thực hiện công bố hợp quy, mang dấu hợp quy (dấu CR) và chịu sự kiểm tra trên thị trường của cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Sản phẩm bếp điện từ Benza của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Lad Việt Nam không gắn dấu hợp quy theo quy định.
Vậy vì sao nhiều sản phẩm bếp từ do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Lad Việt Nam phân phối không gắn dấu hợp quy theo quy định? Phải chăng sản phẩm này chưa được chứng nhận và công bố hợp quy? Những sản phẩm chưa được chứng nhận có an toàn cho người sử dụng? Nếu sản phẩm của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Lad Việt Nam không đảm bảo theo quy chuẩn, người tiêu dùng có được bồi thường hay hoàn trả lại tiền khi xảy ra vấn đề?
Để đảm bảo quyền lợi và an toàn cho người dùng, đề nghị Tổng cục Quản lý thị trường, Thanh tra Bộ KH&CN vào cuộc xác minh, xử lý vi phạm (nếu có).
Sản phẩm bếp từ không chứng nhận hợp quy có thể bị thu hồi
Nghị định 119/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hoá và Nghị định 126/2021/NĐ-CP quy định về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ; năng lượng nguyên tử quy định rõ:
Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong sản xuất sản phẩm, hàng hóa là đối tượng phải công bố hợp quy theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật tương ứng:
- Không thực hiện công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa thuộc đối tượng phải công bố hợp quy;
- Không đăng ký hồ sơ công bố hợp quy tại cơ quan có thẩm quyền;
- Không sử dụng dấu hợp quy, sử dụng dấu hợp quy không đúng quy định đối với sản phẩm, hàng hóa đã được công bố hợp quy theo quy định khi đưa ra lưu thông trên thị trường;
- Không tự thực hiện các biện pháp ngăn chặn kịp thời khi phát hiện hàng hóa của mình đang lưu thông hoặc đã đưa vào sử dụng có chất lượng không phù hợp công bố hợp quy hoặc quy chuẩn kỹ thuật tương ứng;
- Không thực hiện lại việc công bố khi có sự thay đổi về nội dung của hồ sơ công bố hợp quy đã đăng ký hoặc có sự thay đổi về tính năng, công dụng, đặc điểm sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã công bố hợp quy;
- Sử dụng chất phụ gia, hóa chất, kháng sinh bị cấm sử dụng hoặc chưa được phép sử dụng trong sản xuất sản phẩm, hàng hóa, trừ trường hợp trong sản xuất, pha chế thực phẩm;
Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa là đối tượng phải công bố hợp quy theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật tương ứng:
- Không thực hiện đánh giá sự phù hợp quy chuẩn kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng phải áp dụng một trong các biện pháp sau: Chứng nhận hoặc giám định của tổ chức chứng nhận, tổ chức giám định đã đăng ký hoặc thừa nhận theo quy định pháp luật; tự đánh giá sự phù hợp của tổ chức, cá nhân;
- Không thực hiện chứng nhận hợp quy trong sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa là đối tượng phải chứng nhận hợp quy bởi tổ chức chứng nhận, tổ chức giám định được chỉ định theo quy định pháp luật hoặc sử dụng giấy chứng nhận hợp quy, dấu hợp quy đã hết hiệu lực.
Phạt tiền từ 02 lần đến 03 lần giá trị sản phẩm, hàng hóa vi phạm đã tiêu thụ đối với hành vi sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng hoặc quy định của cơ quan có thẩm quyền.
Biện pháp khắc phục hậu quả theo thứ tự ưu tiên như sau:
- Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc buộc tái xuất đối với hàng hóa nhập khẩu;
- Buộc thu hồi và tái chế hoặc thay đổi mục đích sử dụng;
- Buộc thu hồi và tiêu hủy sản phẩm, hàng hóa vi phạm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, thủy sản nuôi, cây trồng và môi trường.
Phong Lâm