Tại sao các sản phẩm điện, điện tử gia dụng phải công bố chứng nhận hợp quy?

author 06:23 06/10/2023

(VietQ.vn) - Hiện nay thị trường các thiết bị điện, điện tử gia dụng tồn tại nhiều hàng trôi nổi, chất lượng khó được kiểm soát gây mất an toàn đòi hỏi các doanh nghiệp cần phải công bố chứng nhận hợp quy trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.

Thiết bị điện, điện tử gia dụng kém chất lượng tiềm ẩn nhiều rủi ro

Ngày nay các thiết bị điện, điện tử gia dụng được sản xuất, nhập khẩu vào Việt Nam ngày càng nhiều. Song song đó vẫn tồn tại các mặt hàng có nguồn gốc trôi nổi, chất lượng khó được kiểm soát, nếu sử dụng một sản phẩm chưa được kiểm tra thử nghiệm chứng nhận rất dễ gây các tai nạn cháy nổ làm hư hỏng về của cải vật chất, ảnh hưởng sức khỏe thể chất và tinh thần, nguy hiểm hơn nữa có thể gây thiệt hại về tính mạng con người.

Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực này cho biết, đa số các mặt hàng, không rõ nguồn gốc này được nhập khẩu trôi nổi hoặc do một số cơ sở tư nhân mua linh kiện về tự lắp ráp thủ công với chất lượng linh phụ kiện rất kém, độ chính xác không cao nên không được đảm bảo tính an toàn về điện cũng như gây nhiễu đến các thiết bị lân cận trong gia đình.

Các thiết bị gia dụng có khả năng gây mất an toàn về điện đối với con người như dụng cụ đun nước nóng, máy sấy tóc và các thiết bị chăm sóc tóc, ấm siêu tốc, nồi cơm điện, bàn là, lò nướng điện, máy pha cà phê, máy sấy kho tay... Trong khi đó, một số sản phẩm khác khi hoạt động có thể gây nhiễu sóng điện từ sang các thiết bị lân cận như tủ lạnh, tủ đông, máy giặt, máy hút bụi, các máy khoan cầm tay, máy xay sinh tố, máy ép trái cây…

 Thiết bị điện, điện tử gia dụng cần phải đảm bảo quy chuẩn và công bố hợp quy. Ảnh minh họa

Theo thông tin từ Cục cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, trong 6 tháng đầu năm 2023, trên cả nước đã xảy ra 881 vụ cháy, làm chết 45 người, bị thương 43 người, thiệt hại về tài sản ước tính sơ bộ khoảng 87,15 tỉ đồng. Thời gian qua, các trường hợp cháy, nổ diễn biến phức tạp, khó lường có tần suất ngày càng tăng cao, nhất là các vụ cháy tại các khu dân cư, chung cư cao tầng, khu công nghiệp, chợ, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, kinh doanh…

Một trong những nguyên nhân cháy nổ có thể do sử dụng các loại thiết bị điện kém chất lượng. Ổ cắm, phích cắm kém chất lượng thường do sử dụng nguyên vật liệu đồng tạp tái sinh, khả năng đàn hồi kém khiến khả năng tiếp xúc lẫn lực bám cho phích cắm kém. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp nhà sản xuất ăn gian giảm bớt tiết diện dây dẫn, sử dụng các loại nhựa chất lượng kém khi làm ổ hoặc phích cắm. Khi sử dụng sẽ tạo ra hồ quang điện, gây ra việc phát nhiệt mạch đế ổ cắm khiến nhựa chảy ra dễ gây ra hỏa hoạn.

Ông Vũ Thế Anh - phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Tập đoàn Điện Quang cho biết: "Người tiêu dùng không nên chọn các sản phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng hoặc các sản phẩm có giá thành quá rẻ và có độ chênh lệch cao so với thị trường, để tránh hàng nhái, kém chất lượng. Đề phòng sự cố về điện, các gia đình nên chọn các loại ổ cắm có công tắc bảo vệ quá tải, giúp an toàn hơn khi sử dụng. Gia đình có trẻ nhỏ nên sử dụng các loại ổ cắm có nắp che an toàn, hạn chế rò rỉ điện".

Các thiết bị điện, điện tử gia dụng cần phải công bố hợp quy

Để hạn chế những rủi ro trên, các doanh nghiệp cần làm thủ tục Công bố hợp quy cũng như thử nghiệm chất lượng hàng hóa sản phẩm trước khi lưu hành sản phẩm ra thị trường.

Tại Việt Nam, từ năm 2009, 13 loại sản phẩm điện, điện tử gia dụng đã được Bộ Khoa học và Công nghệ đưa vào Danh mục hàng hóa có nguy cơ gây mất an toàn (hàng hóa nhóm 2) cần phải quản lý theo Quy chuẩn QCVN 4:2009/BKHCN. Đến năm 2012, danh mục hàng hóa Nhóm 2 này được bổ sung thêm 07 loại sản phẩm điện, điện tử cần phải quản lý về an toàn tương thích điện từ theo QCVN 9:2012/BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ và từ ngày 01/09/2019 đến ngày 01/07/2021 sẽ có thêm 04 loại sản phẩm điện, điện tử được quản lý về tương thích điện từ theo Sửa đổi 1:2018 QCVN 9:2012/BKHCN.

Cụ thể, theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 04:2008/BKHCN, QCVN 09:2012/BKHCN về Tương thích điện từ đối với thiết bị điện và điện tử gia dụng, các thiết bị gia dụng bắt buộc phải Chứng nhận hợp quy An toàn điện như: Dụng cụ đun nước nóng tức thời; Dụng cụ đun nước nóng và chứa nước nóng; Máy sấy tóc và dụng cụ làm đầu; Ấm đun nước (ẩm điện); Nồi cơm điện; Quạt điện; Bàn là điện; Lò vi sóng; Lò nướng điện và vỉ nướng điện loại di động; Dây cáp điện hạ áp; Dụng cụ đun nước nóng kiểu nhúng; Dụng cụ pha chè, cà phê; Máy sấy khô tay.

Các thiết bị gia dụng bắt buộc phải chứng nhận hợp quy tương thích điện từ theo QCVN 9:2012/BKHCN: Dụng cụ điện đun nước nóng tức thời; Máy khoan cầm tay hoạt động bằng động cơ điện; Bóng đèn có balat lắp liền; Máy hút bụi gia dụng; Máy giặt gia dụng; Tủ lạnh, tủ đá gia dụng và thương mại; Điều hòa không khí sử dụng trong gia đình; Máy sấy tóc; Lò vi sóng sử dụng trong gia đình; Máy xay sinh tố, máy ép trái cây, máy xay thịt máy đánh trứng.

Việc công bố hợp quy phải dựa vào kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận đã đăng ký lĩnh vực hoạt động theo quy định tại Nghị định số 107/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp hoặc được thừa nhận theo quy định của Thông tư số 27/2007/TT-BKHCN ngày 31/10/2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn việc ký kết và thực hiện các Hiệp định và Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau kết quả đánh giá sự phù hợp.

Phạm vi thử nghiệm của tổ chức thử nghiệm phải đáp ứng các yêu cầu quy định của Quy chuẩn này. Hiệu lực của Giấy chứng nhận hợp quy có giá trị không quá 3 năm. Dấu hợp quy phải tuân thủ theo Khoản 2 Điều 4 của “Quy định về chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy và công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy” ban hành kèm theo Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN.

Doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thiết bị điện và điện tử phải bảo đảm chất lượng theo quy định có liên quan của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu thiết bị điện, điện tử phải bảo đảm giới hạn nhiễu điện từ theo quy định kỹ thuật tại Điều 2, thực hiện các quy định về quản lý tại Điều 3 của Quy chuẩn này. Doanh nghiệp phải có trách nhiệm cung cấp các bằng chứng khi có yêu cầu hoặc được kiểm tra theo các quy định đối với hàng hóa lưu thông trên thị trường.

Trong thời gian hiệu lực của giấy chứng nhận hợp quy, doanh nghiệp có thiết bị điện và điện tử đã được chứng nhận hợp quy phải kịp thời thông báo bằng văn bản đến tổ chức chứng nhận hợp quy về những thay đổi của các bộ phận liên quan đến EMC của các thiết bị điện và điện tử đã được chứng nhận hợp quy.

Doanh nghiệp phải lưu trữ hồ sơ không ít hơn 6 năm kể từ ngày sản phẩm cuối cùng của kiểu, loại đã công bố hợp quy được xuất xưởng (đối với thiết bị điện, điện tử sản xuất trong nước) hoặc được nhập khẩu (đối với thiết bị điện, điện tử nhập khẩu).

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang