Cụ bà 80 tuổi thay chồng đi viếng Đại tướng

author 22:15 12/10/2013

(VietQ.vn) - Sau khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, cả gia đình bà Phan Thị Quế (80 tuổi, Lò Đúc, Hà Nội) lặng người đi. Hôm nay, bà có mặt và bắt đầu đứng xếp hàng ở phố Hàn Thuyên để viếng Đại tướng, đồng thời gửi gắm tấm lòng và câu tiễn biệt mà người chồng bộ đội của mình dặn dò.

Chồng bà Quế đi bộ đội từ năm 16 tuổi, đến năm 57 tuổi thì ông về hưu. 41 năm phục vụ trong quân ngũ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp với sự tài ba và lòng yêu thương quân dân vô hạn luôn là người mà ông rất  tôn kính. Sau khi thông tin Đại tướng qua đời được công bố trên các phương tiện truyền thông, không khí của cả gia đình bà Quế trầm lắng hẳn, đặc biệt là ông nhà bà cứ lặng người đi.

Trong khoảng thời gian người dân được tới tư gia của Đại tướng thăm viếng, bà cũng rất muốn tới đến từ biệt Người nhưng vì tuổi cao lại đang vướng trận ốm nên niềm mong ước ấy của bà tạm bị gác lại. Hàng ngày bà đều chăm chỉ đọc báo, xem truyền hình để cập nhật tình hình tang lễ của Đại tướng và khung thời gian người dân được phép vào viếng tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông. Khi biết từ 3h chiều nay, người dân có thể đến viếng để tỏ lòng thành kính với vị Tổng Tư lệnh của QĐND,  thấy sức khỏe đã đỡ hơn, bà quyết định đến viếng Người.

Bà Quế đến viếng Đại tướng mang theo cả lời nhắn gửi của người chồng bộ đội đang có bệnh phải nằm ở nhà

Nước mắt nhoèn trên đôi mắt đỏ au rặt các vệt chân chim, bà kể: “Ông nhà tôi đã từng có thời gian dài phục vụ trong quân ngũ nên tôn thờ Đại tướng lắm, mấy hôm nay, ngày nào ông ấy cũng nhắc tới Người, bảo rằng đây là vị Tướng tài ba, rất có lòng với nhân dân đất nước. Ông nhà tôi bị bệnh tim lâu rồi, bình thường tôi ở nhà chăm sóc ông ấy, trước khi có mặt ở đây hôm nay tôi cũng có hỏi ý kiến chồng, ông ấy bảo: “Tôi sẽ cố gắng ở nhà một mình, bà yên tâm tới viếng Người đi, không phải lo cho tôi đâu. Bà giúp tôi gửi tới Người lời tiễn biệt là nhân dân, đất nước này đời đời nhớ ơn công lao to lớn của Người”.

Theo lời kể, hiện nay nhà bà đang treo một bức ảnh ông nhà chụp chung cùng tướng Giáp. Cơ duyên để có bức ảnh đó là trong lần mừng thọ Đại tướng 90 tuổi, ông nhà bà theo Hội Cựu Chiến Binh của phường Đồng Nhân tới chúc sức khỏe Đại tướng, sau đó tất cả đứng xếp hàng để chụp một bức ảnh lưu niệm với người. Ông nhà bà may mắn được đứng ngay sát bên Đại tướng nên ông tự hào lắm, bức ảnh được in ra và được ông cẩn thận đóng khung treo ở một nơi trịnh trọng trong nhà. “Tướng Giáp đi rồi nhưng bức ảnh đó sẽ được gia đình tôi lưu giữ như một kỷ vật thiêng liêng”, bà nghẹn ngào chia sẻ.

3 người cháu của bà Quế biết ý định đến xếp hàng viếng của bà hôm nay nên xung phong tới đây trước từ sớm để xếp hàng thay. 2h bà Quế tới nơi nhưng giữa đoàn người đông nghìn nghịt đang đứng xếp hàng ngay ngắn trật tự, bà không thể kiếm tìm được những đứa cháu của mình. Và như bao người khác, bà lặng lẽ nối đuôi vào đoàn người đang nhích từng bước một ở đầu phố Hàn Thuyên, đợi cho tới lượt mình. Khóe mắt hoe đỏ, bà tâm sự: “Đứng đây, được hòa mình trong không khí này tôi xúc động và tự hào lắm. Xúc động vì tấm lòng mà toàn thể nhân dân ta đối với Đại tướng, tự hào vì đất nước ta đã sản sinh ra một vị tướng tài ba như thế, tôi còn thêm tự hào khi thấy trình độ dân trí của nhân dân Việt Nam ngày càng cao, người đến đông, xếp hàng kín mít nhưng biết nhường nhịn nhau, không chen lấn xô đẩy”.

Bà Nguyễn Thị Huyền Trinh (78 tuổi, Láng Hạ, Hà Nội) thì cùng 5 người con cháu của mình đến xếp hàng từ lúc 1h chiều. Bà chia sẻ: "Tôi từng là thanh niên xung phong, các cháu cũng đi bộ đội nhiều, tất cả gia đình tôi đều rất yêu quý, biết ơn tướng Giáp. Nghe thông tin thì thấy 3h người dân mới được vào viếng tại Nhà tang lễ quốc gia nhưng tôi và các con cháu quyết định đi sớm hơn để viếng người sớm nhất có thể. Thế nhưng khi tôi tới thì người dân cũng đổ tới chật cả đường rồi".

Những mái đầu bạc trắng ẩn hiện trong dòng người xếp hàng kéo dài hàng ki-lo-met

Trong đoàn người ngày càng đông đổ về khắp các nẻo đường dẫn tới số 5 Trần Thánh Tông, không thiếu những mái đầu bạc trắng như bà Quế, bà Trinh. Các ông cụ, bà cụ tuổi đã bảy tám mươi tuổi không quản nắng nôi mệt mỏi đứng xếp hàng và nhích từng bước một, có người đi cùng con cháu, có người theo đoàn nhưng cũng có những người chỉ đi một mình. Các cụ bà phe phẩy quạt giấy, các cụ ông đưa đôi tay nhăn nheo quẹt quẹt mấy giọt mồ hôi lẳng lặng bước. Họ có thể đến từ những vùng đất khác nhau nhưng khi tất cả có mặt ở đây, họ có chung một điểm: lòng yêu kính, tôn thờ đối với vị Đại tướng lẫy lừng của cả dân tộc Việt.

Thanh Thu

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang