Cửa hàng sim thẻ "thờ ơ" với quy định mới
Theo quy định của Thông tư 04, khách hàng của các nhà mạng di động khi mua sim, thẻ trả trước sẽ phải xuất trình chứng minh thư và tự đăng ký hoặc người bán sẽ phải thực hiện thủ tục đăng ký chính chủ cho các sim thẻ mà họ mua để kích hoạt sử dụng.
Việc siết chặt quản lý sim trả trước và sim khuyến mại được đưa ra khi có tình trạng các nhà mạng để cho các dịch vụ nhắn tin, tin rác phát triển bừa bãi, không quản lý hết được, ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên số của thị trường viễn thông…
Đặc biệt, trong những nội dung tin nhắn, có không ít các tin mang những thông tin nhạy cảm, thiếu văn hóa, tuyên truyền những thông tin dung tục, mê tín dị đoan. Thậm chí, có không ít thông tin mang tính lừa đảo, mạo danh hòng kiếm lời bất chính.
Thị trường sim số trả trước vẫn ngoài luồn quản lý của Thông tư 04 về quản lý thuê bao trả trước. Ảnh: internet |
Hơn nữa, việc phát triển tùy tiện các sim, thẻ trả trước, không được khai báo thông tin đầy đủ đang diễn ra tình trạng quá tải về đầu số. Một người có thể dùng quá nhiều sim, thậm chí dùng trong một thời gian ngắn rồi bỏ đi, làm ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên số của các nhà mạng điện thoại.
Thông tư 04 về quản lý thuê bao trả trước có hiệu lực đang được kỳ vọng là “liều thuốc kháng sinh đặc trị” đối với việc sử dụng nội dung và sim số một cách tùy tiện hiện nay.
Một trong những nội dung quan trọng mà thông tư nói trên đưa ra là các đại lý sẽ không được sử dụng sim đa năng để dăng ký cho khách hàng, thế nhưng thực tế diễn ra đang có chiều hướng ngược hẳn với các quy định của cơ quan chức năng.
Vào lúc 9 giờ sáng ngày 6/6/2012, trong vai một khách hàng đi mua sim thẻ trả trước, PV Chất lượng Việt Nam vẫn bắt gặp tình trạng người bán vẫn thoải mái bán và người mua thì tùy kích hoạt sử dụng.
Tại một đại lý sim, thẻ trên phố Lê Trọng Tấn (Hà Nội), chỉ trong diện tích chưa đầy 10m2 thế nhưng đại lý này đã có dánh sách của hơn 500 số tự chọn của 4 nhà mạng có số lượng khách hàng lớn nhất hiện nay là Viettel, Mobifone, Vinaphone và Vietnammobile.
Theo như Chị Hà - chủ đại lý sim, thẻ nói trên, đại lý của chị quy mô nhỏ, nên chưa biết có chủ trương của Nhà nước là cấm mua bán sim thẻ trả trước mà không được đăng ký chính chủ. Chính vì thế, nếu khách hàng mua và có nhu cầu chị vẫn dùng sim đa năng để đăng ký cho khách hàng.
Chị Nguyễn Thị An - Khu Đô thị Đại Kim (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, do nhu cầu sử dụng và để tiết kiệm, nên chị vẫn mua các sim thẻ trả trước, giá chỉ vài chục ngàn nhưng trong tài khoản có hơn 100 ngàn đồng.
“Mua sim trả trước khi nào dùng hết tiền chị sẽ thải để mua sim khác. Dùng như vậy dẻ hơn và tiện hơn rất nhiều mà lại không sợ bị mất thông tin cá nhân như báo đài nói thời gian qua. Muốn có giá cước rẻ, dễ mua, không quan trọng lắm về số nên khoảng 1 tháng sử dụng hết 2 sim trả trước”, chị An cho biết.
Tại khu vực thành phố Hồ Chí Minh, ghi nhận được cho thấy, vẫn có tình trạng tràn ngập sim khuyến mại, bán tràn lan cho khách hàng. Tại các tuyến đường điểm như đường 3/2 thuộc Quận 10; đường Trường Chinh, Thăng Long, thuộc quận Tân Bình; khu vực quận Thủ Đức, tình trạng bán sim khuyến mại vẫn không hề giảm. Thậm chí, khách hàng có thể mua được rất nhiều sim có giá trị khuyến mại rất “khủng” với giá chỉ vài chục ngàn đồng.
Tại một số cửa hàng như Hải Nam Sơn, Kỳ Duyên, Kmobile, Chiến Thắng… nằm trên đường 3/2, khách hàng có thể mua được sim Viettel 45.000 đồng - tài khoản trị giá 100.000 đồng, sim Viettel 65.000 đồng - tài khoản 200.000 đồng hay “khủng” hơn mua sim MobiFone 70.000 đồng có tài khoản trị giá lên tới 248.000 đồng, sim MobiFone 130.000 - tài khoản lên tới 363.000 đồng, sim VinaPhone 75.000 - tài khoản 235.000 đồng…
Điều đáng nói là các chủ cửa hàng vô tư bán và kích hoạt sim khuyến mại cho khách hàng, mà không màng đến những quy định về quản lý thuê bao trả trước.
Chị Bùi Thanh Hòa, chủ một cửa hàng trên đường 3/2 (TP. HCM) cho biết, các sim chị bày bán đã được lấy từ các đại lý lớn hơn, còn việc đăng ký thế nào thì không biết vì sim cứ bán ra là khách hàng có thể bỏ vào điện thoại gọi được, mà cũng chả thấy ai khi mua SIM lại hỏi về vấn đề đăng ký cả.
Đối với các đại lý chuyên kinh doanh sim VIP, số đẹp, nắm bắt trước được việc sẽ có các quy định đối với kinh doanh buôn bán sim số. Các đại lý đã “đi trước” Thông tư 04, đi trước các ý định của cơ quan quản lý bằng việc đăng ký và kích hoạt hàng loạt các sim số đẹp. Để giữa các số đó trong thời gian nhất định, các đại lý để một lượng tiền vừa đủ trong tài khoản sim số đó, để đối phó với việc quy định thời hạn sử dụng thẻ sim.
Anh Tuấn Anh - đại lý kinh doanh sim số đẹp tại Đội Cấn - Ba Đình - Hà Nội cho biết, có những số điện thoại anh bán được từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Việc bỏ ra vài chục ngàn hoặc vài trăm ngàn để giữ số là điều anh sẵn sàng làm. Khi gặp khách, bán được sim, số tiền có trong tài khoản coi như “lại quả” cho khách.
Tuy nhiên, anh Tuấn Anh cũng cho rằng, việc quản lý của nhà nước không có gì sai, bảo vệ người dùng tốt hơn và làm cho thị trường viễn thông nước ta lành mạng hơn. Thế nhưng, việc quản lý như vậy cũng sẽ tác động tới nhu cầu của người dùng, họ có ít cơ hội lựa chọn sim số hơn. Việc bắt buộc đăng ký thông tin cá nhân cũng làm cho không ít người lo ngại, thông tin riêng tư, thậm chí cần bảo mật của mình lại bị các nhà mạng khai thác một cách vô tội vạ. Cụ thể như tình trạng lộ các thông tin cá nhân, bán thông tin cá nhân như một số nhà mạng đã làm thời gian qua.
Thảo Lê