"Cuộc chiến" phẩm màu E102 chưa chấm dứt

author 12:11 26/09/2012

Từ giữa năm ngoái, châu Âu đã yêu cầu tất cả các sản phẩm có phẩm màu Tartrazine (E102) phải ghi nhãn “Có thể có ảnh hưởng xấu lên hoạt động và sự chú ý của trẻ”. Nhật, Hàn Quốc cũng hạn chế sử dụng phẩm màu này. Còn Việt Nam vẫn chấp nhận.

Thời gian gần đây, clíp quảng cáo mì Tiến Vua bò cải chua của Công ty Masan gây xôn xao dư luận khi đề cập đến phẩm màu tổng hợp E102 hay Tartrazine được công ty cho là độc hại. Nhiều người không khỏi giật mình khi xem những thành phần in trên nhãn mác của rất nhiều loại mỳ tôm, bánh, kẹo… vì hầu hết chúng đều có sự hiện diện của phẩm màu này, dù là của các hãng có tiếng trong nước

Khảo sát sơ bộ của VnExpress.net cũng cho thấy sự hiện diện của E102 trên nhiều sản phẩm bánh, kẹo, mì tôm, bim bim...

Nhiều loại mì, bim bim, bánh… trên thị trường có sử dụng phẩm màu E102. Ảnh minh họa:P.N.
Nhiều loại mì, bim bim, bánh… trên thị trường có sử dụng phẩm màu E102. Ảnh minh họa: P.N

Rất nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra. Điều này khiến người tiêu dùng lo lắng, một số bà nội trợ bắt đầu có tâm lý không lựa chọn sản phẩm có dòng chữ “màu tổng hợp E102 hay Tartrazine”.

Cũng vì thế, ngày 6/7, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) có thông báo chính thức trên trang web của mình rằng: “Ở Việt Nam việc sử dụng phẩm màu E102 đã quy định có tính pháp lý (quyết định 3742). Cục An toàn vệ sinh thực phẩm nhận thấy cho đến thời điểm hiện nay nếu phẩm màu này được sử dụng đúng hàm lượng theo quy định thì vẫn bảo đảm an toàn”.

Tuy nhiên quyết định 3742 của Bộ Y tế lại được xây dựng từ cách đây 10 năm. Đặc biệt trong danh mục 26 nhóm thực phẩm được phép dùng E102 lại không hề có từ mì, mì tôm, mì ăn liền hay mì gói.

Ngày 15/7, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm tổ chức một cuộc họp lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học về vấn đề phẩm màu E102. Tuy nhiên, Cục không đưa ra kết luận chính thức nào về vụ việc cho đến ngày 22/7, khi Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm Việt Nam (Codex) có thông báo “cho đến nay các nước châu Âu… vẫn cho phép sử dụng E102 trong chế biến thực phẩm”.

Thế nhưng Ủy ban Codex Việt Nam đã “lờ đi” thực tế là Luật phụ gia thực phẩm của Nghị viện và Hội đồng châu Âu ban hành 2008 có quy định cụ thể: Thực phẩm chứa Tartrazine (E102) phải ghi nhãn “Có thể có ảnh hưởng xấu lên hoạt động và sự chú ý của trẻ”. Quy định này bắt đầu có hiệu lực trên toàn châu Âu từ 7/2010.

Cũng theo Codex Việt Nam thì “người tiêu dùng có thể yên tâm sử dụng các loại thực phẩm có E102 đúng hàm lượng”. Điều này bao gồm cả sản phẩm mì gói. Trong khi đó, trong danh sách 46 loại thực phẩm (từ năm 2004) không nên sử dụng phẩm màu vàng tổng hợp này của Hàn Quốc gồm sữa, nước uống hoa quả, tiêu, ớt, mayonnaise, bơ… thì mì ăn liền đứng đầu danh sách khuyến cáo này. Tương tự tại Nhật, Tartrazine cũng không được phép sử dụng trong mì.

Không chỉ bị hạn chế sử dụng ở Nhật, Hàn Quốc, E102 còn bị cấm ở Na Uy, Áo và Phần Lan, bị hạn chế sử dụng ở Thụy Điển và Đức.

E102 không chỉ gây dị ứng thức ăn

Nhiều chuyên gia lo ngại về ảnh hưởng lâu dài của phẩm màu vàng này lên sức khỏe người tiêu dùng như kích thích cơn hen suyễn, gây lupus ban đỏ, hiếu động thái quá ở trẻ… Tuy nhiên, tác hại của phẩm màu này được nhắc đến trong khuyến cáo của ngành y tế Việt Nam mới chỉ là “lo ngại vấn đề dị ứng thức ăn vốn ở một tỷ lệ cao trong cộng đồng dân cư mà khó phân biệt dị ứng có thể do E102 hay do bản thân thực phẩm”.

Trong khi thực tế, vào năm 2008, theo tờ The Independent (Anh), một nghiên cứu trị giá 750.000 bảng Anh do Đại học Southampton thực hiện đã kết luận rằng, 6 phẩm màu nhân tạo (trong đó có E102) có liên quan đến chứng hiếu động thái quá, khiến trẻ bị phân tâm.

Các nhà nghiên cứu ước tính có khoảng 30% các trường hợp bị tăng động giảm chú ý có thể được dự phòng nếu các công ty loại bỏ 6 phẩm màu này trên toàn cầu. Ngoài E102, 5 phẩm màu còn lại được khuyến cáo là vàng Quinolin E104, vàng sunset FCF E110, carmoisine E122, đỏ Ponceau 4R E124 và đỏ Allura AC E129 – những phẩm màu này cũng nằm trong danh mục phụ gia được phép sử dụng tại Việt Nam.

Cũng vì lo ngại này, Hiệp hội tiêu chuẩn thực phẩm Anh từng có đề xuất không sử dụng 6 loại phẩm màu nhân tạo gồm cả E102 vào cuối năm 2009 trên toàn châu Âu, tuy nhiên chưa được chấp thuận. Đồng thời họ cũng khuyên các bậc cha mẹ nếu thấy con cái có các biểu hiện thái quá thì không nên sử dụng các loại thực phẩm có chứa màu tổng hợp.

Tại nước ta, đến thời điểm này, cơ quan chức năng đã khẳng định phẩm màu E102 an toàn nếu đúng liều. Tuy nhiên, điều nhiều người băn khoăn là phẩm màu này được dùng trong thực phẩm như thế nào là đúng liều lượng?

Theo tiêu chuẩn do Codex Việt Nam mới đưa ra, ngưỡng ăn vào cho phép hằng ngày là từ 0 đến 7,5 mg trên mỗi kg thể trọng, có nghĩa là mức tiêu thụ hằng ngày tốt nhất nên là 0. Thế nhưng hiện nay, các sản phẩm có sử dụng phẩm màu tổng hợp E102 tại nước ta mới chỉ ghi chung chung có Tartrazine mà không ghi rõ hàm lượng của nó trong sản phẩm là bao nhiêu.

Theo VnExpress

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang