Ô nhiễm sông Nhuệ vượt quá 11 lần so với quy chuẩn

author 15:57 08/04/2024

(VietQ.vn) - Hệ thống sông ở Hà Nội, một phần quan trọng của di sản lịch sử và văn hóa của thủ đô, đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Trong số đó, dòng sông Nhuệ đang có mức độ ô nhiễm vượt quá 11 lần so với quy chuẩn.

Sông Nhuệ oằn mình hứng chịu chất thải của Thủ đô

Theo kết quả quan trắc chất lượng nguồn nước trên sông Nhuệ của Viện Quy hoạch thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) công bố ngày 4 tháng 4 năm 2024, không có vị trí nào trên dòng sông Nhuệ đạt chất lượng nước theo quy chuẩn Việt Nam (QCVN 08:2023). Các vị trí đo có hàm lượng chất hữu cơ trong nước vượt giới hạn từ 2 đến 9 lần; hàm lượng amoni vượt giới hạn 11 lần.

Đoạn ngã ba sông Tô Lịch giao với sông Nhuệ, cả 2 dòng sông đều trong tình trạng ô nhiễm nặng. Ảnh: Vietnamnet.

Lý giải về nguyên nhân khiến hệ thống sông Nhuệ bị ô nhiễm nghiêm trọng, ông Ngô Thanh Sơn - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thủy lợi Sông Nhuệ cho biết, hệ thống sông Nhuệ có hơn 30km đi qua khu đô thị và ven đô thị. Trục chính con sông là nơi tiếp nhận chủ yếu lượng nước xả thải từ hoạt động của các nhà máy, khu công nghiệp, bệnh viện, cơ sở sản xuất và dịch vụ, nước thải từ các làng nghề, hóa chất sử dụng trong nông nghiệp và nước thải sinh hoạt. Nước thải của các hoạt động này đa phần đều chưa qua xử lý mà đổ trực tiếp xuống sông.

Đặc biệt, dọc hai bờ sông Nhuệ có nhiều làng nghề truyền thống chuyên sản xuất vải, lụa, dây thừng, chế biến bún, miến, bánh đa, dong, sắn… với các công cụ thô sơ, thủ công. Hóa chất sử dụng bữa bãi. Rác bã, xỉ than không được thu gom. Nước thải không được xử lý, chảy tùy tiện xuống cống rãnh, xuống sông gây ô nhiễm môi trường, nhất là môi trường nước.

Không chỉ vậy, các hóa chất dùng trong nông nghiệp như: Thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, phân hóa học chỉ hấp thụ một phần; phần còn lại thấm vào đất hoặc theo nước mặt chảy trở lại kênh mương, ao, hồ, sông suối… Nước thải sinh hoạt đem theo các chất tẩy rửa chưa được xử lý chảy theo các kênh dẫn một phần thấm xuống đất; phần còn lại chảy ra các dòng sông.

Thống kê của Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thủy lợi Sông Nhuệ cũng chỉ ra, tổng số điểm xả vào hệ thống công trình thủy lợi sông Nhuệ là 790 điểm. Trong đó, các điểm xả thải phát sinh từ hoạt động sản xuất công nghiệp, dịch vụ, khu đô thị, bệnh viện, làng nghề, trang trại chăn nuôi là 310 điểm. Còn lại 480 điểm xả thải là các cống tiêu dân sinh.

Ngoài ra, hằng năm, sông Nhuệ không được bổ sung nguồn nước từ sông Hồng nên không thể rửa trôi các chất gây ô nhiễm. Những dòng sông khác như: Kim Ngưu, Lừ, Sét, Tô Lịch, Đáy... cũng trở thành nơi chứa nước thải, lắng đọng bùn đất, rác thải, ô nhiễm hàng chục năm nay.

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, trung bình mỗi ngày, sông Tô Lịch - dòng sông có chiều dài hơn 14km, bắt nguồn từ phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy), đổ ra sông Nhuệ - đoạn xã Hữu Hòa (huyện Thanh Trì) phải tiếp nhận khoảng 160.000m3 nước thải sinh hoạt. Hầu hết lượng nước thải này không được xử lý hoặc xử lý chưa đạt quy chuẩn đã xả trực tiếp ra sông.

Cần các giải pháp cấp bách để cứu dòng sông Nhuệ

Theo PGS.TS Đào Trọng Tứ - Trưởng ban Điều hành mạng lưới sông ngòi Việt Nam, để có thể “hồi sinh” các sông trên địa bàn thành phố, trước tiên, cần xác định căn nguyên gây ô nhiễm và lượng nước thải để có giải pháp khả thi, phù hợp từng giai đoạn.

Còn một số chuyên gia môi trường cho rằng, Hà Nội cần có cách tiếp cận tổng hợp, đồng bộ trên các lĩnh vực như: Điều chỉnh quy hoạch thoát nước phù hợp chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2050; xây dựng hệ thống hạ tầng quản lý nước thải đô thị đủ năng lực đáp ứng nhu cầu thu gom, xử lý nước thải của thành phố nhằm kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường nước mặt sông.

Song hành, thành phố cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các trạm, nhà máy xử lý nước thải quy mô lớn, hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt, làng nghề vào khu xử lý đạt quy chuẩn trước khi xả ra môi trường; đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý hành vi vi phạm của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; kiên quyết di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Minh Tấn cho biết, việc phục hồi chất lượng nước, môi trường và cảnh quan các dòng sông được thành phố Hà Nội xác định là nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn 2020-2025. Những năm qua, các sở, ngành tích cực vào cuộc, tham mưu với thành phố triển khai nhiều giải pháp hạn chế ô nhiễm môi trường nói chung và cải thiện chất lượng nước mặt các dòng sông nói riêng.

Trong đó, thành phố chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng Đề án “Phục hồi chất lượng môi trường và phát triển hệ thống 4 sông: Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét”, phối hợp các bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất giải pháp “hồi sinh” sông Nhuệ, sông Đáy.

Đặc biệt, trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được HĐND thành phố thông qua cũng nhấn mạnh đến vấn đề bảo vệ môi trường, giải quyết triệt để ô nhiễm sông Tô Lịch, trả lại hình ảnh dòng sông xanh, sạch, gắn liền với văn hóa, lịch sử Thủ đô; xử lý ô nhiễm môi trường các sông: Nhuệ, Đáy, Lừ, Sét... nhằm bảo đảm nguồn nước tưới an toàn cho nông nghiệp, tạo không gian xanh cho phát triển đô thị.

Để thực hiện những mục tiêu trên, ngoài các giải pháp đang triển khai, nhiều chuyên gia đề xuất, thành phố Hà Nội xây dựng đập dâng trên hệ thống sông Hồng, sông Đuống để nâng mực nước các sông lên cao trình nhất định nhằm cải thiện khả năng lấy nước vào hệ thống thủy lợi, làm sống lại các dòng sông.

Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp nhận định, khi nước sông Hồng dâng lên sẽ giúp sông Nhuệ, sông Đáy, thậm chí sông Tô Lịch cũng có dòng chảy thường xuyên, khắc phục tình trạng suy kiệt nguồn nước, trả lại khả năng tự làm sạch chất gây ô nhiễm của các dòng sông.

Duy Trinh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang