Cứu sống bệnh nhân 73 tuổi bị nhồi máu não cấp bằng phương pháp tiêu sợi huyết

author 06:11 18/05/2022

(VietQ.vn) - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn vừa cứu sống bệnh nhân Đinh Thị A. (73 tuổi, trú tại xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) bị nhồi máu não cấp hôn mê, liệt nửa người nhờ ứng dụng kỹ thuật tiêu sợi huyết.

Cụ thể, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê, liệt nửa người trái trước vào viện khoảng 1 tiếng. Ngay sau khi tiếp nhận, kíp trực đã tiến hành cấp cứu ban đầu. Kết quả chụp cắt lớp sọ não cho thấy hình ảnh nhồi máu não, nguy cơ tử vong cao. Ngoài ra, bệnh nhân còn mắc bệnh tăng huyết áp và suy tim.

Ngay lập tức, bác sĩ đã chỉ định dùng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch cho bệnh nhân. Sau khi tiêm thuốc khoảng 40 phút, bệnh nhân tỉnh, vận động đã được cải thiện, có thể cử động tay và chân trái. Hiện tại, bệnh nhân đã hồi phục sức khỏe gần như hoàn toàn, không còn bị liệt người trái, có thể sinh hoạt, nói chuyện bình thường.

Bệnh viện cho biết, trước đây, khi chưa triển khai phương pháp tiêu sợi huyết, bệnh nhân nhồi máu não có tỷ lệ tử vong khá cao hoặc phải chịu di chứng nặng nề. Với kỹ thuật tiêu sợi huyết, người bệnh sử dụng thuốc trong vòng 4,5 giờ sau khi có các dấu hiệu đột quỵ nhồi máu (nói khó, méo miệng, tê bì tay chân, yếu liệt nửa người) sẽ làm tan cục máu đông gây tắc mạch máu não, giúp bệnh nhân thoát khỏi tình trạng nguy kịch và hồi phục nhanh chóng.

 Cứu sống bệnh nhân 73 tuổi bằng phương pháp tiêu sợi huyết. 

Phương pháp tiêu sợi huyết chỉ thực hiện được đối với các bệnh nhân đến viện trước 4, 5 giờ và hiệu quả càng cao khi người bệnh đến BV sớm khi có các dấu hiệu nhồi máu não. Vì vậy, ngay khi xuất hiện các dấu hiệu của tai biến mạch máu não như nói khó, méo miệng, yếu liệt tay chân, rối loạn ý thức… người thân cần nhanh chóng đưa người bệnh đến BV để được điều trị hiệu quả.

ThS. BS Lê Quỳnh Sơn - Chuyên khoa Chẩn đoán hình ảnh của PKĐK MEDLATEC Trích Sài cho biết: Nhồi máu não là một dạng của đột quỵ não hay còn gọi là tai biến mạch máu não do cục máu đông làm tắc mạch máu, cản trở quá trình cung cấp máu và oxy lên não khiến tổn thương mô hoặc chết các tế bào não. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế tại các nước phát triển và là nguyên nhân đứng thứ 3 gây tử vong sau bệnh tim mạch, ung thư, nếu may mắn qua khỏi cũng thường để lại di chứng nặng nề và là gánh nặng cho gia đình, xã hội.

ThS. BS Sơn cảnh báo những dấu hiệu người dân tuyệt đối không được chủ quan như: Xuất hiện đột ngột, đặc biệt khi vừa ngủ dậy; Tê/yếu mặt, chi, đặc biệt một bên cơ thể (nửa người); Nói ngọng hay mất ngôn ngữ, khó giao tiếp, méo miệng; Mất thị giác 1 hay 2 bên; Chóng mặt, choáng váng, mất thăng bằng; Đau đầu dữ dội không rõ nguyên nhân; Giảm nhận biết; Nặng có thể hôn mê hoặc thay đổi tri giác.

Triệu chứng của từng bệnh nhân phụ thuộc vào vị trí, khu vực não bị tổn thương, nếu được phát hiện sớm chưa có các tổn thương nghiêm trọng thì việc điều trị và hồi phục rất khả quan.

 An Nguyên (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang