Dạ dày Lalipharm: Gắn mác người nổi tiếng, quảng cáo đánh tráo bản chất

author 09:18 10/04/2020

(VietQ.vn) - Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Dạ dày Lalipharm gắn mác người nổi tiếng, sử dụng nhiều chiêu trò quảng cáo quá đà để lừa dối người tiêu dùng về công dụng sản phẩm.

Đủ chiêu trò quảng cáo

Sản phẩm Dạ dày Lalipharm là thực phẩm bảo vệ sức khỏe do Công ty TNHH Thương mại và Thiết bị y tế LaLiPharm (huyện Thạch Thất, TP.Hà Nội) phân phối theo giấy Tiếp nhận đăng ký bản công bố số 6289/2018/ĐKSP do Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế cấp. Tuy nhiên, trên thị trường sản phẩm này đang được quảng cáo trá hình với nhiều hình thức từ hình dáng, kiểu mẫu cũng như công dụng.

 Sản phẩm Dạ dày Lalipharm là thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhưng quảng như thuốc trị bệnh, lừa dối người tiêu dùng.

Trước tiên, trong rất nhiều quảng cáo, sản phẩm này được giới thiệu với những công dụng chính là: Đặc trị đau dạ dày, khuẩn HP..., LALIPHARM còn được mọi người sử dụng như 1 loại thuốc chuyên chữa các vấn đề tiêu hóa như ợ chua, sôi bụng, đau hang vị”.

Thậm chí còn nổ: “LALIPHARM" ĐANG LÀM MƯA LÀM GIÓ VÀ TIÊN PHONG ĐI ĐẦU TRONG VIỆC ĐẶC TRỊ ĐAU DẠ DÀY, TÁ TRÀNG, TRÀO NGƯỢC, KHUẨN HP...”.

Sự lố lăng còn được đẩy lên cao trào khi những lời quảng cáo khẳng định: “Các chuyên gia Khoa Tiêu hóa ở Bệnh viện Nội tiết Trung ương hôm qua đã mở cuộc họp khẩn cấp để nghiên cứu về loại thuốc có tên là "LALIPHARM" chuyên đặc trị đau dạ dày, tá tràng, khuẩn HP được mọi người rất tin dùng hiện nay”, đính kèm là tấm ảnh với rất nhiều y, bác sỹ đang lắng nghe trong một cuộc hội thảo để minh họa.

Thậm chí, quảng cáo gắn mác được tư vấn bởi Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam nhằm mục đích “sái hơi” một sản phẩm tương tự của Viện này nhằm lấy niềm tin và uy tín để quảng bá lừa dối người tiêu dùng.

Sản phẩm Dạ dày Lilapharm quảng cáo gắn mác được tư vấn bởi Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam nhằm mục đích “sái hơi”. 
 

Đã thiếu trung thực về tên gọi, nguồn gốc xuất xứ cũng như công dụng đăng ký cấp phép, sản phẩm này còn không ngần ngại gắn luôn hình ảnh của các lãnh đạo để quảng cáo cho sản phẩm. 

Ngoài ra, hình ảnh bác sỹ tư vấn, hội thảo, bài báo viết mô tả về công dụng của sản phẩm Dạ dày Lilapharm được sử dụng nhan nhản như cố tính lấy lòng tin người tiêu dùng.

Rất nhiều tin nhắn, hình ảnh của khách hàng được công khai sử dụng chia sẻ về câu chuyện, kết quả sử dụng sản phẩm: “Rất nhiều bà con và dược sĩ đã sử dụng và phản hồi tích cực thừa nhận rằng LALIPHARM là sản phẩm chữa đặc trị dạ dày, tá tràng, khuẩn HP… tốt nhất hiện nay”.

Sản phẩm Dạ dày Lilapharm chia sẻ hình ảnh của khách hàng, nhằm tạo độ tin cậy lừa dối người tiêu dùng.

Vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật

Thực chất thực phẩm bảo vệ sức khỏe Dạ dày Lilapharm không thể điều trị các bệnh dạ dày. Sản phẩm này chỉ có chức năng hỗ trợ, phòng ngừa, làm giảm các triệu chứng của bệnh. Hiện sản phẩm đang được quảng cáo tràn lan trên các trang mạng xã hội, cố tình “thêm” nhiều tác dụng so với bản công bố.

Theo Cục An toàn thực phẩm, việc quảng cáo TPCN phải tuân thủ Luật Quảng cáo 2012, Nghị định 181/NĐ-CP hướng dẫn thi hành chi tiết một số điều của Luật Quảng cáo, Thông tư số 09/2015 của Bộ Y tế về hướng dẫn quảng cáo các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế.

Theo đó, các tổ chức, cá nhân không quảng cáo TPCN có tác dụng chữa bệnh. Không dùng hình ảnh, thư cảm ơn của bác sĩ, nhân viên y tế, bệnh nhân để quảng cáo cho sản phẩm.

Hành vi cố ý quảng cáo TPCN có tác dụng điều trị bệnh được đánh giá thuộc mức nghiêm trọng và cần xử lý nghiêm minh, thậm chí thu hồi giấy phép.

Ngoài ra, Luật Bảo vệ người tiêu dùng cũng quy định: Tổ chức, cá nhân không được phép quảng cáo sản phẩm sai so với tác dụng thực tế. Đối với cá nhân quảng cáo sai sự thật và ở mức nghiêm trọng có thể xử lý hình sự.

Theo các chuyên gia pháp lý, trong trường hợp y, bác sĩ bị mạo danh có thể làm đơn yêu cầu cơ quan chức năng như Sở Thông tin và Truyền thông, công an xử lý hành vi vi phạm. Đồng thời, những người bị mạo danh có thể khởi kiện người vi phạm ra tòa án có thẩm quyền để yêu cầu tòa án ra quyết định buộc họ chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại (nếu có).

Để “dẹp loạn” quảng cáo TPCN, theo Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong, thời gian tới, cơ quan quản lý sẽ xử phạt với khung cao nhất, thường xuyên lấy mẫu kiểm nghiệm; thanh, kiểm tra với tần suất lớn nhằm phát hiện sai phạm (nếu có) để ngăn chặn nguy cơ sản phẩm kém chất lượng tới tay người tiêu dùng. “Cục sẽ tiếp tục đẩy mạnh rà soát việc quảng cáo TPCN nhằm đưa ra cảnh báo kịp thời cho người tiêu dùng, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm. Và trong khi thị trường TPCN vẫn “vàng thau lẫn lộn”, người tiêu dùng cần sáng suốt khi lựa chọn, tuyệt đối không sử dụng các mặt hàng không rõ nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường để bảo vệ chính mình”, ông Phong nói.

Chúng tôi sẽ tiếp tục làm rõ thông tin!

 An Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang