Đảm bảo an ninh mạng là yêu cầu cấp bách đòi hỏi phải tự chủ hoàn toàn về công nghệ

(VietQ.vn) - Theo chuyên gia an ninh mạng, xu hướng tấn công mạng hiện nay đang đặt ra yêu cầu cấp bách về việc nâng cao nhận thức, đầu tư vào các giải pháp an ninh mạng tiên tiến.
Sự kiện: AN TOÀN THÔNG TIN
Tấn công mạng ngành Hàng không liên tiếp xảy ra
Hải Phòng đào tạo và diễn tập phòng, chống tấn công mạng năm 2024
Ứng dụng công nghệ AI: 'Vũ khí sắc bén' giúp ngăn chặn các cuộc tấn công mạng bảo vệ chủ quyền
Những thành tựu to lớn của khoa học công nghệ đang là cơ hội để các quốc gia trên thế giới thực hiện "đi tắt, đón đầu," đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Có thể thấy, những lợi ích to lớn mà mạng xã hội đem lại cho con người là không thể phủ nhận. Thông tin trên mạng xã hội có tốc độ lan truyền nhanh, tiếp cận đến từng cá nhân, người dùng, là công cụ tốt để tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Mạng xã hội cũng cung cấp thông tin quan trọng và kịp thời cho nhân dân khi xảy ra các sự việc phức tạp; là phương tiện hữu hiệu góp phần xây dựng và hoàn thiện mối quan hệ giữa nhà nước và công dân. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và các dịch vụ mạng đang đặt ra nhiều thách thức về an ninh mạng cho Chính phủ Việt Nam.
Các mối đe dọa an ninh trên mạng xã hội xuất phát từ những nội dung có người dùng tự sáng tạo ra, với khả năng cập nhật nhanh và ít bị kiểm duyệt, khiến thông tin có tốc độ lan tỏa nhanh chóng, tạo hiệu ứng hoặc xu thế có tác động lớn đến tâm lý của người dân.

Tăng cường sự hợp tác chặt chẽ giữa Chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng công nghệ để đảm bảo an toàn thông tin. Ảnh minh họa
Nói về tình trạng các tổ chức, doanh nghiệp đang trở thành đích ngắm ngày càng ưa thích của tin tặc, Giám đốc Kỹ thuật Công ty CP Công nghệ An ninh mạng Quốc gia (NCS) Vũ Ngọc Sơn cho rằng, xu hướng tấn công mạng hiện nay đang đặt ra yêu cầu cấp bách về việc nâng cao nhận thức, đầu tư vào các giải pháp an ninh mạng tiên tiến.
Nhất thiết cần tăng cường sự hợp tác chặt chẽ giữa Chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng công nghệ, nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý và chia sẻ thông tin kịp thời. Đây là những yếu tố quyết định để bảo vệ không gian mạng quốc gia và tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển trong kỷ nguyên số.
Cũng theo ông Vũ Ngọc Sơn, một trong những điểm yếu lớn nhất về an ninh mạng của các đơn vị, doanh nghiệp trong nước là tình trạng thiếu hụt trầm trọng về nhân lực cho lĩnh vực này. Đáng chú ý, theo một cuộc khảo sát của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, có tới hơn 20,06% đơn vị cho biết hiện chưa có nhân sự chuyên trách về an ninh mạng, 35,56% cơ quan, doanh nghiệp chỉ bố trí được không quá 5 người phụ trách, con số này là rất nhỏ so với yêu cầu thực tế hiện nay.
Để giải quyết vấn đề an ninh trên không gian mạng, nhiều chuyên gia, nhà khoa học cho rằng cần sớm hoàn thiện hệ thống hạ tầng thông tin, thiết bị công nghệ thông tin bảo đảm an toàn, an ninh mạng và thông tin mạng quốc gia cho các cơ quan trung ương và địa phương; các công trình hạ tầng trọng yếu, các tập đoàn kinh tế quan trọng có kết nối mạng. Đặc biệt, các hệ thống thông tin quan trọng quốc gia cần được xác định, áp dụng các biện pháp bảo vệ tương xứng, liên tục từ giai đoạn thiết kế, xây dựng, phát triển, vận hành và sử dụng.
Trong khi đó, hiện nay Việt Nam chưa tự chủ hoàn toàn về công nghệ, nhiều công ty cung cấp dịch vụ người dùng hoặc vận hành công nghệ cho Việt Nam đều do phía nước ngoài nắm giữ cổ phần chi phối, tiềm ẩn những nguy cơ gây mất chủ quyền an ninh thông tin.
Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, trước đó Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh, phải đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển tự chủ về công nghệ, sản phẩm, dịch vụ an toàn, an ninh mạng Việt Nam; tăng cường chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong chuyển đổi số của đất nước, gắn với triển khai nhiệm vụ theo Đề án 06; tập trung thu hút nguồn lực trong triển khai nhiệm vụ này.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng yêu cầu chủ động hội nhập quốc tế trong lĩnh vực an toàn, an ninh mạng trên tinh thần làm bạn, đối tác tin cậy, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, tuân thủ luật pháp quốc tế và các hiệp ước đa phương, song phương mà Việt Nam tham gia; tham khảo kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo và mô hình an toàn, an ninh mạng trên thế giới.
Cần có chiến lược quốc gia về an ninh dữ liệu, đồng thời phải có kế hoạch tích hợp, khai thác, chia sẻ, phân tích, xử lý thông tin, dữ liệu phục vụ công tác phát triển kinh tế, xã hội; tăng cường triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh mạng và đấu tranh phòng, chống tội phạm trên không gian mạng; đấu tranh ngăn chặn sớm hoạt động tấn công mạng, âm mưu, hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước trên không gian mạng. Tổ chức tốt diễn tập về phòng, chống tấn công mạng cấp quốc gia.
An Dương