Bảo đảm an toàn thông tin một cách trọn vẹn doanh nghiệp cần nhiều nỗ lực

author 11:17 25/11/2024

(VietQ.vn) - Theo các chuyên gia, hiện nay tình trạng các doanh nghiệp bị tấn công mạng ngày càng gia tăng gây thiệt hại không nhỏ do đó cần có những giải pháp hữu hiệu để đảm bảo an toàn thông tin một cách trọn vẹn.

Sự kiện: AN TOÀN THÔNG TIN

Do đặc thù về vị trí địa lý và nguồn lực đưa Đông Nam Á trở thành trung tâm tài chính và công nghệ của khu vực. Trong bối cảnh nền kinh tế số đang ngày càng phát triển, cùng sự khác biệt về mức độ hạ tầng an ninh mạng của các quốc gia thành viên, khu vực này hiện vẫn là điểm nóng cho các cuộc tấn công mạng. Theo đó, các tổ chức lớn và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) tiếp tục là mục tiêu của tội phạm mạng.

Ông Adrian Hia, Giám đốc Điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Kaspersky cho biết: "Nhìn chung, tội phạm mạng, bao gồm cả các nhóm ransomware, đang nhắm đến các cơ sở hạ tầng quan trọng và những ngành dễ bị tấn công như tài chính, dịch vụ công, sản xuất và chăm sóc sức khỏe. Đáng chú ý, nhiều kẻ tấn công nhắm vào các mục tiêu lớn về tài chính".

Theo báo cáo, Indonesia là quốc gia bị tấn công ransomware nhiều nhất tại Đông Nam Á, với 32.803 sự cố đã bị Kaspersky ngăn chặn. Tiếp theo là Philippines với 15.208 cuộc tấn công ransomware và Thái Lan với 4.841 trường hợp. Malaysia đứng thứ tư với 3.920 cuộc tấn công độc hại, tiếp đến là Việt Nam với 692 vụ và Singapore với 107 cuộc tấn công.

Ông Hia chia sẻ thêm: "Một cuộc tấn công ransomware (phần mềm độc hại) có thể gây ra tác động vô cùng nghiêm trọng cả về mặt tài chính lẫn danh tiếng. Các tổ chức vừa phải tiêu hao nguồn lực lớn để xử lý hậu quả, vừa phải đối mặt với tình trạng gián đoạn hoạt động và thời gian ngưng hoạt động nhưng vẫn tiêu tốn chi phí, sau đó phải mất thêm thời gian để khôi phục hệ thống. Không tổ chức nào mong muốn xảy ra những tình huống như vậy, đặc biệt là những cơ sở hạ tầng trọng điểm và nhà cung cấp dịch vụ".

Tình trạng các doanh nghiệp ngày càng là đối tượng bị tấn công, lừa đảo gây mất an toàn thông tin. Ảnh minh họa

Tại Việt Nam, nhấn mạnh tình trạng này đại diện Cục An toàn thông tin, Quyền Cục trưởng Trần Quang Hưng cho biết, tấn công mạng vào các hệ thống thông tin quan trọng và tấn công mạng, lừa đảo trực tuyến nhắm vào doanh nghiệp đang là vấn đề chính công tác đảm bảo an toàn thông tin luôn phải đối mặt.

Trong đó, về bảo vệ hệ thống thông tin, ông Trần Quang Hưng chỉ ra một số vấn đề dẫn đến nhiều hệ thống bị tấn công mạng thời gian qua như mức độ quan tâm và trách nhiệm của người đứng đầu còn hạn chế; hơn 50% chủ quản hệ thống thông tin không biết cần phải tuân thủ quy định về đảm bảo an toàn theo cấp độ; đầu tư, sự quan tâm đến an toàn thông tin vừa thừa vừa thiếu.

“Thực tế, qua kiểm tra cho thấy, nhiều đơn vị có triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hệ thống nhưng chưa đủ và chưa đúng; chưa biết đâu mới là nguy cơ, rủi ro cần quan tâm nhất. Thậm chí, có đơn vị khi gặp sự cố vẫn không áp dụng được công nghệ, quy trình và kế hoạch ứng phó đã xây dựng”, ông Trần Quang Hưng phân tích.

Về tấn công, lừa đảo người dân, đại diện Cục An toàn thông tin cho hay, các hình thức lừa đảo trên mạng liên tục gia tăng không ngừng và mục tiêu cuối cùng của các đối tượng nhắm đến là “tài sản”. Theo thống kê, lừa đảo tài chính chiếm tới 73% trong tổng số vụ lừa đảo, và 27% là lừa đảo đánh cắp thông tin cá nhân.

Theo Giám đốc công nghệ Công ty Công nghệ an ninh mạng quốc gia Việt Nam (NCS) Vũ Ngọc Sơn, doanh nghiệp Việt Nam cung cấp tương đối đủ về số lượng giải pháp, nhưng "tuổi đời" còn non trẻ so với các sản phẩm của thế giới. Trong khi đó, các sản phẩm an toàn, an ninh mạng cần phải trải qua quá trình người dùng sử dụng, phát sinh tình huống trong thực tế; sau đó, doanh nghiệp cải tiến, nâng cấp rồi phát hành phiên bản mới có chất lượng. Với các tổ chức lớn như ngân hàng, thường đòi hỏi mức độ "trưởng thành" của sản phẩm cao, nên họ sẽ chọn sản phẩm nước ngoài. Lợi thế của giải pháp, sản phẩm an ninh mạng của doanh nghiệp trong nước là rẻ hơn, thậm chí có giải pháp chỉ bằng 1/3 so với nước ngoài, do vậy sẽ có cơ hội cung cấp sản phẩm cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây là cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam và là điều kiện để phát triển sản phẩm an ninh mạng Make in Viet Nam.

Ở góc độ là nhà cung cấp giải pháp an ninh mạng có thị phần lớn nhất, bà Bùi Thị Hòa cho rằng, các doanh nghiệp trong nước có cơ hội trong việc cung cấp dịch vụ an toàn thông tin tại Việt Nam vì các vụ tấn công mạng đòi hỏi việc xử lý sự cố tại chỗ và nhân sự an toàn thông tin có tri thức và kinh nghiệm nội địa, điều mà các nhà cung cấp nước ngoài khó có thể đáp ứng được. Thêm nữa, để bảo đảm an toàn thông tin một cách trọn vẹn, đòi hỏi không chỉ ở giải pháp cài đặt, còn yêu cầu giám sát và đưa ra cảnh báo kịp thời trước khi các cuộc tấn công xảy ra.

An Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang