Đảm bảo an toàn khi bơm lốp xe cần lưu ý những gì?

author 06:05 25/04/2022

(VietQ.vn) - Bơm lốp ô tô là việc hết sức đơn giản nhưng cần phải được thực hiện chuẩn xác, tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra.

1. Sử dụng đồng hồ đo áp suất lốp đúng chuẩn

Nếu bạn sử dụng một đồng hồ áp suất lốp không được chuẩn sẽ khiến việc đo áp suất bị sai lệch khá nhiều, dẫn tới những tình huống nguy hiểm. Do đó, việc có một chiếc đồng hồ áp suất chất lượng cao là một việc rất cần thiết.

Thế nhưng, trên thực tế lại khá ít người sử dụng loại dụng cụ này. Thay vào đó, nhiều người sử dụng tay để cảm nhận độ mềm và quyết định khi nào là cần bơm lốp ô tô. Việc này hoàn toàn không tốt. Bởi sử dụng tay để cảm nhận độ non của lốp thì khi nào lốp đã thực sự quá mềm hơn mức quy định mới cảm nhận được.

Do đó, tài xế cần trang bị cho mình một đồng hồ đo bơm hơi lốp xe ô tô để kiểm tra áp suất được chính xác nhất, hoặc thường xuyên đến các gara uy tín để có thể theo dõi tình trạng lốp của mình.

Tài xế cần lưu ý bơm lốp đúng chuẩn để đảm bảo an toàn cho lốp xe 

2. Không nên bơm lốp ô tô quá căng hoặc quá non

Khi phải di chuyển trong những ngày nắng nóng, bạn không nên bơm quá căng lốp vì có thể sẽ ảnh hưởng xấu đến lốp. Nếu nhiệt độ đường quá lớn và lực ma sát lớn sẽ làm lốp nóng lên nhanh. Việc ấy sẽ tạo một áp suất lớn ảnh hưởng trực tiếp lên lốp. Nếu lốp còn mới có thể di chuyển bình thường. Nhưng nếu lốp đã cũ có thể xảy ra trường hợp ô tô bị nổ lốp bất ngờ.

Ngược lại, với trường hợp lốp xe non hơi, xe sẽ tiếp xúc nhiều hơn với mặt đường và làm tăng độ ma sát và không tối ưu việc tiết kiệm nhiên liệu. Bên cạnh đó, nếu để lốp quá non, lốp có thể bị méo hoặc mòn không đều.

3. Cách đọc thông số lốp ô tô

Trên các lốp đều có ghi đầy đủ thông số bơm lốp ô tô để tài xế biết nhằm có mức độ bơm xe an toàn nhất. Ví dụ như số P185/75R14 82S, thì các thông số lần lượt mà nhà sản xuất đưa ra là:

P – Chữ cái đầu đại diện cho loại xe sử dụng lốp. “P” tức là các loại xe chở khách như xe 5 chỗ và xe 7 chỗ. Ngoài ra, các loại lốp khác như “T” là lốp thay thế và “LT” là lốp cho xe tải nhẹ.

185 – Con số đại diện cho chiều rộng cua lốp xe, tức là bề mặt tiếp xúc trực tiếp với mặt đường. Chiều rộng lốp sẽ được đo bằng đơn vị mm.

75 – Đây là số đại diện cho tỷ lệ độ dày thành lốp và độ rộng bề mặt lốp. Nếu ta có số 75 tức là bề dày lốp bằng 75% so với chiều rộng lốp.

Trên các lốp đều có ghi đầy đủ thông số bơm lốp ô tô  

R – Thể hiện cấu trúc lốp xe. Nếu xe có chữ “R” tức là xe có cấu trúc Radial. Ngoài ra, lốp xe còn có các ký hiệu như B, D và E.

14 – Đây là đại diện cho đường kính la-zăng. Nếu lốp xe có kí hiệu là 14 tức là đường kính la-zăng của xe tương đương 14 inch.

82S – Số hiệu tải trọng và tốc độ tối đa cho phép, nếu bạn chạy vượt ngưỡng thì có thể xảy ra nổ lốp.

760 kPs (110 psi) – Là áp suất lốp tiêu chuẩn

Ngoài ra, bảng áp suất lốp xe ô tô còn thường được in trên bệ cửa xe. Tuy nhiên, áp suất thực tế nên bù trừ dao động trong mức 10 – 15% tuỳ theo trọng tải thực tế của xe bao gồm hành khách và hàng hoá.

4. Kiểm tra áp suất lốp xe ô tô thường xuyên

Nhiều người có thể bỏ qua kiểm tra áp suất lốp xe ô tô thường xuyên. Nhưng đây lại là việc rất quan trọng giúp đảm bảo việc lưu thông luôn an toàn, lại tiết kiệm nhiên liệu ở mức tối ưu nhất. Theo nhiều nhà sản xuất khuyến cáo, bạn nên kiểm tra áp suất lốp xe ô tô 1 lần/tháng. Tuy nhiên, nếu bạn đi một hành trình dài hơi, người lái xe sẽ cần kiểm tra thường xuyên hơn.

Bảo Linh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang