Đảm bảo chất lượng cá tra: Yếu tố quan trọng hướng đến xuất khẩu bền vững

author 15:03 02/03/2022

(VietQ.vn) - Để nâng cao hiệu quả, phát triển chuỗi ngành hàng cá tra, cần tập trung vào vận hành chuỗi khép kín từ nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ; áp dụng nhiều tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất và chế biến, giảm giá thành và nâng giá trị gia tăng.

Dự báo của Hiệp hội Xuất khẩu và Chế biến thủy sản (VASEP) cho biết, năm 2022, giá cá tra và kim ngạch xuất khẩu cá tra ở các thị trường sẽ tăng khoảng 20 - 25% so với năm 2021 và cả năm dự kiến sản xuất khoảng 1,6 triệu đến 1,7 triệu tấn cá tra thương phẩm, kim ngạch đạt hơn 1,6 tỷ USD. Ðây là cơ hội tốt để các địa phương có thế mạnh tiếp tục đầu tư nuôi trồng, xuất khẩu cá tra và xa hơn là tiếp tục xây dựng chuỗi giá trị cá tra bền vững.

Tuy nhiên, giá cá tra tăng cao cũng tiềm ẩn nhiều hệ lụy như tình trạng ồ ạt nuôi trồng khiến chất lượng sản phẩm có thể bị giảm sút, gây mất ổn định ngành hàng vốn đã bị ảnh hưởng khá lớn từ dịch Covid-19 trong năm qua.

Việc đảm bảo ổn định chất lượng cá tra là yếu tố quan trọng hướng đến xuất khẩu bền vững. Ảnh minh họa. 

Đơn cử như Ðồng Tháp, địa phương có diện tích nuôi cá tra lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long, năm 2021 toàn tỉnh sản xuất được 18.700 triệu con cá tra bột và 1.123 triệu con cá tra giống. Diện tích thả nuôi cá tra thương phẩm là 2.100 ha, sản lượng trên 486 nghìn tấn, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 763,8 triệu USD, xuất khẩu cá tra sang 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, thị trường lớn, khó tính.

Thế nhưng, bản thân “cái nôi” cá tra của đồng bằng sông Cửu Long cũng đang đối mặt với không ít thách thức: chất lượng con giống suy giảm, nguồn cung chưa đáp ứng, thiếu ổn định; tổ chức sản xuất, liên kết chuỗi còn lỏng lẻo; giá cá biến động liên tục, chính sách đầu tư hạ tầng, hỗ trợ vốn sản xuất còn gặp nhiều khó khăn; ứng dụng khoa học công nghệ để tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng chưa được quan tâm đúng mức.

Hơn nữa, thị trường và rào cản thương mại cũng là thách thức đối với ngành cá tra. Bởi sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, hoạt động thanh kiểm tra trực tiếp của Cục Thanh tra an toàn thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ đối với toàn chuỗi cá tra có thể sẽ nối lại.

Ngoài ra, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ban hành lệnh số 248, 249 áp dụng đối với hoạt động xuất khẩu sản phẩm thủy sản sang Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Ðiều này sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thủy sản đông lạnh, trong đó có cá tra.

Vì vậy, để nâng cao hiệu quả, phát triển chuỗi ngành hàng cá tra, cần tập trung vào vận hành chuỗi khép kín từ nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ; áp dụng nhiều tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất và chế biến, giảm giá thành và nâng giá trị gia tăng.

Các giải pháp cụ thể là quan trắc môi trường nước ở các điểm có nguy cơ ô nhiễm môi trường; xây dựng quy chế vùng nuôi tập trung theo hướng áp dụng quy trình nuôi tiên tiến, thực hành nuôi tốt (VietGAP...) để giảm các loại thuốc và hóa chất dùng trong quá trình sản xuất; tăng cường công tác kiểm dịch con giống trước khi nuôi; kiểm tra, giám sát các loại thức ăn, thuốc, hóa chất ở cơ sở kinh doanh thức ăn và vật tư thủy sản, bảo đảm truy xuất nguồn gốc vùng nuôi...

Ðồng thời, tiếp tục thực hiện việc cấp mã số ao nuôi nhằm bảo đảm sản xuất theo quy hoạch, kế hoạch và thích ứng nhanh với cơ chế thị trường, góp phần ổn định sản xuất thông qua việc cân đối cung cầu; nâng cao khả năng truy xuất nguồn gốc từ cá giống và vật tư đầu vào đến cá tra nguyên liệu.

Người nuôi nên sử dụng thức ăn công nghiệp thay nguồn thức ăn tự chế để giảm hệ số tiêu tốn thức ăn, hạn chế ô nhiễm môi trường, dịch bệnh; sử dụng chế phẩm sinh học làm ổn định chất lượng nước và nền đáy trong ao nuôi, nâng cao sức khỏe và sức đề kháng, giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn...

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang