Chương trình đảm bảo đo lường - giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh

author 22:15 08/04/2022

(VietQ.vn) - Nhằm xây dựng và triển khai hiệu quả chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp theo Đề án 996, Tổng cục TCĐLCL đã tổ chức Hội thảo khoa học lấy ý kiến góp ý của các địa phương và doanh nghiệp phía Nam.

Ngày 08/04/2022 tại Trung tâm Kỹ thuật TCĐLCL 3 (QUATEST 3), Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) đã tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp”. Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo Sở KH&CN, Chi cục TCĐLCL, Trung tâm Ứng dụng KHCN có chức năng kiểm định và doanh nghiệp tại các tỉnh, TP khu vực phía Nam (gồm 19 tỉnh, TP từ Bình Phước trở vào).

Mục tiêu chính là tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên; Xây dựng và triển khai hiệu quả Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp; Phát triển hạ tầng đo lường quốc gia theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng hội nhập quốc tế và nhu cầu đảm bảo đo lường chính xác cho hoạt động doanh nghiệp, phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội Việt Nam, quy hoạch phát triển bộ, ngành và địa phương.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Hà Minh Hiệp – Phó tổng cục trưởng Phụ trách Tổng cục TCĐLCL đánh giá cao các chương trình nhằm triển khai Đề án 996: “Tôi rất vui mừng khi chương trình nhận được sự quan tâm từ các Sở KH&CN, Chi cục TCĐLCL và doanh nghiệp. Tại hội thảo hôm nay, chúng tôi rất mong muốn nhận được sự góp ý, chia sẻ của quý vị để có thể thực hiện chương trình một cách tốt hơn”.

Ông Hà Minh Hiệp – Phó tổng cục trưởng Phụ trách Tổng cục TCĐLCL phát biểu khai mạc hội thảo khoa học với chủ đề “Đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp”.

Ông Trần Quý Giầu – Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Đo lường cho biết: “Để triển khai chương trình đảm bảo đo lường, chúng tôi đã tổ chức các buổi tham luận, hội thảo tại khu vực phía Bắc, miền Trung. Chương trình hiện đã được 3 Bộ và 49 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương xây dựng, phê duyệt kế hoạch, đề xuất nhu cầu thực hiện và đã triển khai thực hiện tại một số địa phương. Do đó, tại hội thảo này chúng tôi sẽ chia sẻ kinh nghiệm về những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và rất hoan nghênh ý kiến tham luận của các đại diện có mặt hôm nay”. 

Nhìn nhận về vai trò của Đề án 996, ông Nguyễn Hùng Điệp – Chuyên gia Tổ tư vấn Đề án cho rằng, doanh nghiệp khi tham gia Đề án sẽ tiết kiệm nguyên, nhiên liệu, nhân công, giảm thất thoát và giá thành sản phẩm; Tăng cường kiểm soát chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh để tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm, hàng hóa toàn cầu...

Ông cũng chia sẻ một số kinh nghiệm thực tế mà doanh nghiệp tại Thái Nguyên đã và đang áp dụng chương trình đảm bảo đo lường vào thực tiễn gần 2 năm qua. Ví dụ, chương trình áp dụng đảm bảo đo lường tại Nhà máy cán thép – Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, Công ty Xăng dầu Bắc Thái, HTX chè Hảo Đạt...

Cũng tại hội thảo, đại diện của QUATEST 1, QUATEST 3 và một số doanh nghiệp đã chia sẻ kinh nghiệm về việc triển khai chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp. Theo đó, các vị đại diện đều đánh giá cao chương trình khi áp dụng tại đơn vị, doanh nghiệp mình.

Đại diện Công ty TNHH MTV Thí nghiệm điện miền Nam chia sẻ: “Công ty đã xây dựng kế hoạch đảm bảo đo lường để công tác kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, thiết bị đo đáp ứng kịp thời yêu cầu sản xuất, kinh doanh. Hội thảo đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp là cơ hội để các đơn vị làm công tác kiểm định được trao đổi thông tin, trình bày những vấn đề quan tâm trong hoạt động này”.

Ông Hà Minh Hiệp, ông Trần Quý Giầu và ông Trương Thanh Sơn (Phó giám đốc QUATEST 3) trao đổi về các vấn đề đại diện doanh nghiệp quan tâm.

Kết thúc hội thảo, ông Hà Minh Hiệp nhấn mạnh: “Việc áp dụng chương trình đảm bảo đo lường giúp các tổ chức, doanh nghiệp lượng hóa đóng góp của đo lường đối với năng suất, giá trị gia tăng cho tổ chức, doanh nghiệp mình. Trong quá trình triển khai sau này, nếu có vấn đề vướng mắc cần hướng dẫn, các đơn vị với sự hỗ trợ của Vụ Đo lường sẽ đồng hành cùng các tổ chức, doanh nghiệp”.

Ngày 10/08/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 996/QĐ-TTg phê duyệt đề án Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Đề án 996).

Sau hơn 2 năm thực hiện, Đề án đã đạt một số kết quả đáng kể. Cụ thể, về xây dựng hạ tầng kỹ thuật đo lường: Trong năm 2020 đã thiết lập, xây dựng và phê duyệt thêm 3 chuẩn đo lường quốc gia để tăng cường phát triển hạ tầng quốc gia phù hợp quy hoạch được phê duyệt tại Quyết định số 1361/QĐ-TTg ngày 8/8/2013 về phê duyệt quy hoạch phát triển chuẩn đo lường quốc gia đến năm 2020. Đến nay đã nâng lên 31/41 chuẩn đo lường quốc gia được phê duyệt. Đây là tiền đề vững chắc cho mọi ngành, nghề chuẩn bị hội nhập và tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Về sửa đổi, bổ sung chính sách hoạt động đo lường tạo thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp: Đã phê duyệt Danh mục ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trọng tâm cần tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 3807/QĐ-BKHCN ngày 18/12/2019; 

Đã công bố Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 13187:2020) về tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực đo lường tại Quyết định số 2783/QĐ-BKHCN ngày 13/10/2020; Đã ban hành “Hướng dẫn xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp” kèm theo Quyết định số 510/QĐ-BKHCN ngày 17/3/2021 của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Về xây dựng các nhiệm vụ khoa học công nghệ, đã và đang tiến hành tổng hợp kế hoạch triển khai thực hiện Đề án của các bộ ngành, địa phương; tiếp thu ý kiến góp ý, đề xuất của các bộ, ngành, địa phương về nhu cầu cụ thể để thực hiện nhiệm vụ trong từng giai đoạn.

Mai Đức

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang