Đảm bảo gỗ hợp pháp và quản lý rừng bền vững: Vấn đề “tồn tại hay không tồn tại” của ngành gỗ

author 17:31 16/10/2022

(VietQ.vn) - Thế giới ngày càng soi xét nhiều hơn tính hợp pháp của gỗ, cả chính sách mua sắm công, lẫn mua bán trên thị trường. Do vậy, việc đảm bảo gỗ hợp pháp và quản lý rừng bền vững (thực thi Hiệp định VPA/FLEGT) đã trở thành vấn đề “tồn tại hay không tồn tại” của ngành gỗ Việt Nam.

Trong 2 ngày, từ 12 đến 14/10/2022, tại Đồng Nai, Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam tổ chức “Hội thảo Chuỗi giá trị lâm sản và thực thi Hiệp định VPA/FLEGT”.

Ngành chế biến XK gỗ phát triển nhanh nhưng chưa bền vững

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tăng trưởng cao suốt 10 năm qua với tốc độ tăng trưởng hàng năm 30-40%. Năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 14,72 tỷ USD, đưa Việt Nam vào top 5 trên thế giới sau Trung Quốc, Ba Lan,  Đức và Ý. Ngành gỗ phấn đấu năm 2025 đạt 20 tỷ USD.

Hiệp định VPA/FLEGT sẽ mang lại lợi ích cho ngành chế biến gỗ XK khi Việt Nam bắt đầu cấp phép FLEGT cho lô hàng gỗ XK sang EU 

Hiện Việt Nam có hơn 10.000 doanh nghiệp và cơ sở chế biến gỗ (90% doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ) cùng 340 làng nghề chế biến gỗ, với năng lực chế biến đạt 32 -36 triệu m3 gỗ/năm, tạo việc làm cho 500.000 lao động.

Đặc thù ngành chế biến gỗ xuất khẩu Việt Nam là vừa sản xuất, vừa tiêu thụ gỗ. Thị trường xuất nhập khẩu đa dạng, trong đó, XK đến hơn 100 quốc gia, nhập khẩu từ gần 80 quốc gia, vì thế Việt Nam dễ bị ảnh hưởng khi một trong các thị trường xuất nhập khẩu chủ lực thay đổi quy định pháp luật, chính sách về quản lý rừng và thương mại gỗ.

Chuỗi cung ứng gỗ của Việt Nam dài và phức tạp với nhiều nguồn gỗ (6 loại), đa dạng về thị trường, sự tham gia của nhiều bên liên quan (hơn 10.000 doanh nghiệp, 1 triệu hộ gia đình trồng rừng). Việt Nam trở thành nhà xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ bị rủi ro cao về chống bán phá giá.

Tổng cục Lâm nghiệp thừa nhận, ngành sản xuất, chế biến gỗ Việt phát triển nhanh nhưng chưa bền vững. Cụ thể là chưa có thương hiệu quốc gia, chưa có thương hiệu doanh nghiệp và sức cạnh tranh còn kém, năng lực quản trị doanh nghiệp chưa cao.

Ngành gỗ đã và đang phải đối mặt với các quy định của quốc tế mới về chống bán phá giá, các vụ kiện phòng vệ thương mại. Mỹ đã khởi kiện 301 vụ, một số nước đã áp thuế bán phá giá lên gỗ dán của Việt Nam.

Hiệp định VPA/FLEGT: Thách thức trước mắt, lợi ích lâu dài

Ông Lưu Tiến Đạt- Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, Hiệp định Đối tác tự nguyện giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) đã ký kết từ năm 2018, có hiệu lực từ năm 2019. Hiệp định hướng tới mục tiêu đảm bảo các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam được sản xuất hợp pháp, góp phần cải thiện quản trị rừng, mở rộng thị trường, thúc đẩy thương mại gỗ và sản phẩm gỗ bền vững.

Hiệp định VPA/FLEGT đã trở thành một trong những nội dung cam kết trong Chương 13: Thương mại và phát triển bền vững của Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Phía EU và Việt Nam đã thống nhất xây dựng hệ thống phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ, nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh và khuyến khích doanh nghiệp tuân thủ pháp luật. Theo đó, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ được phân thành 2 nhóm. Nhóm 1 là nhóm tuân thủ đầy đủ pháp luật của Việt Nam. Nhóm 2 là các doanh nghiệp chưa tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam.

Tính đến ngày 10/10/2022 có 141 DN vừa chế biến gỗ vừa XK được xếp loại Nhóm I, chiếm tỷ lệ còn hạn chế trong tổng số các DN phải thực hiện phân loại (1.200-1.300 DN)- quá ít để EU tiến hành đánh giá độc lập. Thực hiện cam kết của Hiệp định VPA/FLEGT, ngày 1/9/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 102/2020/NĐ-CP về Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam nhằm nội luật hóa các cam kết của VPA.

Ths. Nguyễn Tường Vân- Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam nhận định, tác động rõ rệt nhất của NĐ 102 về quản lý gỗ NK là sự chuyển biến về thị trường nhập khẩu: từ vùng địa lý không tích cực (rủi ro) sang vùng địa lý tích cực. NK gỗ nguyên liệu từ vùng địa lý tích cực (Mỹ, Bỉ, Úc) tăng mạnh. Tăng NK gỗ từ rừng trồng, giảm NK từ rừng tự nhiên ở các vùng địa lý rủi ro. Các nhà nhập khẩu đã ý thức được nghĩa vụ thực hiện trách nhiệm giải trình về nguồn gốc gỗ nhập khẩu.

Hiệp định VPA/FLEGT sẽ mang lại lợi ích cho ngành chế biến gỗ XK VN khi Hiệp định được thực hiện đầy đủ, nghĩa là khi Việt Nam bắt đầu cấp phép FLEGT cho các lô hàng gỗ XK sang EU- Ths.Nguyễn Tường Vân nhấn mạnh.

Đại diện cho doanh nghiệp ngành gỗ, ông Ngô Sỹ Hoài- Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), chia sẻ, những năm qua, doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào EU phải cung cấp nhiều loại giấy tờ cho đối tác mua hàng để họ thực hiện giải trình, chứng minh tính hợp pháp của nguồn gốc gỗ nguyên liệu với cơ quan chức năng phía EU. Đến nay, hầu hết doanh nghiệp ngành gỗ đều đã tuân thủ các quy định pháp luật về gỗ hợp pháp. Hiện doanh nghiệp đang mong được cấp giấy phép FLEGT để không còn phải làm nhiều loại giấy tờ khi xuất khẩu.

Cùng với đó, thế giới ngày càng soi xét nhiều hơn tính hợp pháp của gỗ, cả chính sách mua sắm công, lẫn mua bán trên thị trường. Do vậy, việc đảm bảo gỗ hợp pháp và quản lý rừng bền vững đã trở thành vấn đề “tồn tại hay không tồn tại” của ngành gỗ Việt Nam. Đặc biệt, với thị trường EU, “Hợp pháp” và “Bền vững” đã trở thành 2 từ khóa quan trọng cho hoạt động xuất nhập khẩu gỗ.

"Các doanh nghiệp ngành gỗ cần nhanh chóng đầu tư cả về nhân lực và tài chính vào cải tiến sản xuất, điều kiện lao động, nâng cao năng lực để đáp ứng yêu cầu của Nghị định 102; tuân thủ mọi quy định về lao động, môi trường, bảo hiểm xã hội, quản lý chuỗi cung ứng. Việc thực thi Hiệp định VPA/FLEGT đối với các doanh nghiệp ngành gỗ tuy đang gặp rất nhiều thách thức trước mắt, nhưng sẽ đem lại lợi ích lâu dài”- ông Ngô Sỹ Hoài nhấn mạnh.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang