Đảm bảo nông sản xuất khẩu gắn mã số vùng trồng

author 06:01 20/02/2023

(VietQ.vn) - Ngoài đảm bảo chất lượng, hiện hầu hết các thị trường nhập khẩu không riêng Trung Quốc đều yêu cầu sản phẩm phải gắn với mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Nếu làm không đúng hoặc mượn danh mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến xuất khẩu.

Năm 2022 vừa qua được xem là năm vô cùng thuận lợi khi nhiều loại nông sản của Việt Nam được ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc như sầu riêng, khoai lang, chuối, tổ yến. Bên cạnh đó, chanh leo và ớt tươi cũng được thị trường này chấp nhận thí điểm xuất khẩu chính ngạch.

Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 175,6 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại và thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Năm 2023 được kỳ vọng là cơ hội tốt để nông sản Việt mở rộng thị phần, nhất là khi Trung Quốc mở cửa biên giới sau một thời gian dài hạn chế giao thương do dịch Covid-19.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T Group cho biết, đơn hàng xuất khẩu trái cây tươi trong tháng 1/2023 ghi nhận tăng trưởng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Các sản phẩm truyền thống duy trì đơn hàng ổn định. Đáng chú ý, trái bưởi xuất sang Mỹ và sầu riêng vào Trung Quốc đóng góp vào phần tăng trưởng này. Sức bật của các nhóm hàng nông sản đã đóng góp tích cực cho thành tích chung của hoạt động xuất nhập khẩu.

 Trang trại chuối công nghệ cao tại Bình Dương.

Tuy nhiên, trao đổi với báo chí, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, nhiều nhà sản xuất, xuất khẩu nông sản hiện nay chưa nắm rõ được các quy định, tiêu chuẩn của nhiều thị trường.

Cụ thể, ngoài đảm bảo chất lượng, hiện hầu hết các thị trường nhập khẩu đều yêu cầu sản phẩm phải gắn với mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Nếu làm không đúng hoặc mượn danh mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến xuất khẩu.

Các doanh nghiệp đã được cấp mã số xuất khẩu cần thực hiện bổ sung thông tin đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc theo Lệnh 248, quy định về đăng ký và quản lý doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài của Tổng cục Hải Quan Trung Quốc trước ngày 30/6 năm nay. Việc thực hiện tốt các quy định của Trung Quốc sẽ không gây gián đoạn xuất khẩu các mặt hàng nông sản, trong đó có rau quả sang thị trường này.

“Trung Quốc đã đưa ra nhiều Nghị định, trong đó có 2 nội dung quan trọng để giám sát cũng như kiểm soát những vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm, đối với các nguồn thực phẩm nhập khẩu vào Trung Quốc, trong đó có Việt Nam. Đến nay đã có hơn 2.400 mã cấp cho doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc, đáp ứng yêu cầu thúc đẩy sản xuất khẩu thực phẩm. Tuy nhiên, trong thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đối với những doanh nghiệp đăng ký trực tiếp, chậm nhất đến 30/6 năm nay”, ông Lê Thanh Hòa cho hay.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang