Đảm bảo truy xuất nguồn gốc nhằm giảm thiểu rủi ro khi xuất khẩu ra thị trường quốc tế

author 14:05 13/03/2024

(VietQ.vn) - Việc đáp ứng các tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu là một trong những giải pháp quan trọng giúp doanh nghiệp Việt Nam chủ động ứng phó, giảm thiểu các thiệt hại khi xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

Theo thống kê của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong 6 năm gần đây (từ 2017-2023) số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại tăng nhanh hơn nhiều so với giai đoạn trước đó.

Số lượng vụ việc phòng vệ thương mại mà hàng hóa xuất khẩu Việt Nam phải đối mặt ở các thị trường nước ngoài chiếm tới trên 52% tổng số vụ việc phòng vệ thương mại mà Việt Nam đã đối mặt trong hơn 30 năm qua. Ước tính, số vụ việc chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại mà Việt Nam bị kiện từ năm 2017 đến nay chiếm tới gần 60% tổng số vụ kiện chống lẩn tránh mà Việt Nam đã phải đối diện từ trước đến nay.

Bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, giai đoạn cuối năm 90, đầu những năm 2000, những mặt hàng bị kiện chủ yếu có kim ngạch xuất khẩu lớn và có thế mạnh trong xuất khẩu hoặc là mặt hàng xuất khẩu trọng điểm, như: thủy sản, giày dép, nhưng gần đây số lượng các mặt hàng và lĩnh vực của các ngành hàng bị kiện phòng vệ thương mại đã mở rộng hơn nhiều, hiện có tới gần 40 mặt hàng đã bị kiện phòng vệ thương mại, trong đó có những mặt hàng kim ngạch không quá lớn.

Thậm chí, trước đây chỉ ở những thị trường xuất khẩu trọng điểm mới bị kiện phòng vệ thương mại, nhưng đến nay thì các thị trường khác, kể cả những thị trường mới có số vụ việc phòng vệ thương mại cũng chiếm tỷ lệ rất lớn. Cụ thể, trong tổng số 235 vụ việc tính đến tháng 8/2023 thì Hoa Kỳ chiếm 23% số vụ việc, Ấn Độ chiếm 14%, Thổ Nhĩ Kỳ chiếm 10%, sau đó là Canada, EU, Philippines, Indonesia.

Mặc dù các ngành hàng như sắt, thép hay nhôm không phải là là nhóm mặt hàng xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam, nhưng theo VCCI, đây lại là nhóm mặt hàng tập trung nhiều nhất các vụ kiện phòng vệ thương mại trên thế giới, vì thế Việt Nam cũng chịu liên đới về phòng vệ thương mại. Mặt khác, một số mặt hàng của Việt Nam đang gia tăng năng lực cạnh tranh và gây sức ép lên các ngành sản xuất nội địa ở các thị trường xuất khẩu (có thể từ việc tận dụng được những ưu đãi về mặt thuế quan thông qua các hiệp định thương mại tự do), hoặc do Việt Nam đang cải thiện năng lực, thì những mặt hàng đó cũng đứng trước nguy cơ bị kiện phòng vệ thương mại.

“Cảnh báo sớm giúp chúng ta biết nguy cơ, có sự chuẩn bị từ khi mới chỉ bắt đầu có những dấu hiệu đầu tiên, điều này sẽ giúp doanh nghiệp có thêm điều kiện, giảm thiểu được thiệt hại,” bà Trang khuyến nghị.

Bản chất của các biện pháp phòng vệ thương mại là nhằm đến các hành vi cạnh tranh không công bằng của hàng nhập khẩu, hoặc là do hàng nhập khẩu gia tăng với khối lượng đột biến không thể lường trước được. Trên cơ sở đó nước nhập khẩu sẽ áp dụng các biện pháp tương ứng.

Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho rằng, để gia tăng khả năng sản xuất và xuất khẩu bền vững, doanh nghiệp cần xem xét đầu tư nghiên cứu gia tăng hàm lượng giá trị của sản phẩm, giảm phụ thuộc cạnh tranh về giá, đồng thời chuyển sang cạnh tranh về chất lượng công nghệ, cũng như đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc đối với các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất sản phẩm.

Ảnh minh họa

Trong khi đó, ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cũng lưu ý doanh nghiệp tìm hiểu và nắm được những thông tin, kiến thức cơ bản về phòng vệ thương mại để hiểu được quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp trong các vụ việc phòng vệ thương mại, như: pháp luật của nước sở tại về phòng vệ thương mại; những nguyên tắc điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại chung trên thế giới thể hiện trong các hiệp định của Tổ chức Thương mại Thế giới...

Về phía Cục phòng vệ thương mại, trên cơ sở thông tin từ hệ thống cảnh báo sớm, Cục sẽ làm việc này một cách có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những ngành hàng, những lĩnh vực có nguy cơ cao, đồng thời phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức các buổi chia sẻ kiến thức, thông tin về phòng vệ thương mại, về hệ thống cảnh báo sớm để nâng cao nhận thức cho cộng đồng doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng, qua đó chủ động trong các vụ việc điều tra (nếu có).

Công cụ quản lý, kiểm soát hàng hóa hữu hiệu trên thị trường

Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, truy xuất nguồn gốc ngày càng trở thành một yếu tố quan trọng trong doanh nghiệp. Người tiêu dùng trở nên tự tin hơn vì biết được nguồn gốc của sản phẩm mình cần. Việc cung cấp thông tin rõ ràng và minh bạch về nguồn gốc giúp tạo ra sự tin cậy và lòng tin từ phía khách hàng, đồng thời truy xuất nguồn gốc cũng là công cụ giúp doanh nghiệp quản lý, kiểm soát hàng hóa trên thị trường.

Chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh đã được Đảng và Nhà nước xác định là giải pháp, xu hướng tất yếu để các đơn vị sản xuất, kinh doanh nâng cao năng lực, lợi thế cạnh tranh. Truy xuất nguồn gốc được xác định là một trong những yếu tố đột phá ngày càng trở nên quan trọng khi nhu cầu mình bạch thông tin và hàng hóa ngày càng được quan tâm.

Thậm chí, truy xuất nguồn gốc trở thành tiêu chí bắt buộc trong xuất khẩu, hội nhập kinh tế thế giới. Đồng thời, truy xuất nguồn gốc góp phần gia tăng giá trị sản phẩm, hàng hóa của các địa phương, góp phần thiết thực tái cơ cấu ngành trong giai đoạn mới theo hướng công khai, minh bạch, bình đẳng. Cụ thể, truy xuất nguồn gốc đã mang lại những lợi ích như sau:

Đáp ứng nhu cầu của thị trường: Ngày nay, người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn đến nguồn gốc của sản phẩm, bao gồm cả quy trình sản xuất, vận chuyển và xử lý. Truy xuất nguồn gốc giúp doanh nghiệp đáp ứng nhanh chóng và linh hoạt với nhu cầu này, từ đó tăng cơ hội tiếp cận thị trường.

Tuân thủ luật pháp và tiêu chuẩn: Trong nhiều lĩnh vực, các quy định về an toàn thực phẩm, quản lý rủi ro và quản lý chuỗi cung ứng đang trở nên nghiêm ngặt hơn. Truy xuất nguồn gốc giúp doanh nghiệp tuân thủ các quy định này một cách hiệu quả, từ đó giảm thiểu rủi ro pháp lý.

Quản lý chuỗi cung ứng hiệu quả hơn: Trong môi trường kinh doanh ngày nay, việc quản lý chuỗi cung ứng là một yếu tố cực kỳ quan trọng. Truy xuất nguồn gốc cho phép doanh nghiệp theo dõi các bước trong quá trình sản xuất và vận chuyển một cách chính xác, từ đó cải thiện hiệu suất và giảm thiểu lãng phí.

Tăng cường quản lý rủi ro: Việc có khả năng theo dõi và truy xuất nguồn gốc giúp doanh nghiệp phát hiện và giảm thiểu rủi ro liên quan đến vấn đề như an toàn thực phẩm, quản lý chất lượng và độ tin cậy của nhà cung cấp.

Tăng cường tương tác với khách hàng: Truy xuất nguồn gốc tạo ra cơ hội tương tác với khách hàng. Việc chia sẻ thông tin về nguồn gốc của sản phẩm có thể tạo ra một môi trường tương tác tích cực giữa doanh nghiệp và khách hàng, từ đó tăng cường sự liên kết và trung thành với thương hiệu.

Cần áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc quốc gia

Hiện nay, việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa đang bị phân tán do chưa có sự kết nối, chia sẻ giữa các ngành, địa phương với nhau. Bên cạnh đó, tình trạng loạn phần mềm truy xuất nguồn gốc, loạn app đang diễn ra khá phổ biến.

Có một thực tế là hệ thống truy xuất nguồn gốc ở nước ta hiện chưa thống nhất theo tiêu chuẩn GS1 của Tổ chức Mã số mã vạch quốc tế. Thay vào đó, khâu quản lý, truy xuất tại Việt Nam thường sử dụng các mã phân định, có cấu trúc tự động, chỉ có ý nghĩa khi dùng trong nội bộ.

Điều này dẫn đến thực trạng việc quản lý nguồn gốc khó khăn, dễ xảy ra hiện tượng trùng mã giữa các hệ thống truy xuất nguồn gốc khác nhau. Bên cạnh đó, cách làm này còn gây khó khăn trong việc tương tác, trao đổi thông tin giữa các hệ thống khi truy vết sản phẩm trong chuỗi cung ứng.

Thực hiện Quyết định số 100/QĐ-TTg, ngày 19/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc về triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa, hiện nay, Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia đang triển khai xây dựng “Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa Quốc gia” theo chuẩn quốc tế.

Cụ thể, Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc Quốc gia đóng vai trò như cầu nối để kết nối tất cả thành phần tham gia, cụ thể là giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp. Các bên tham gia trong chuỗi cung ứng đều thông qua Cổng thông tin để kết nối, hình thành chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị sản phẩm.

Mỗi ngành đều quản lý một khâu hoặc một dòng sản phẩm khác nhau trong xã hội. Mỗi địa phương lại có những đặc trưng sản phẩm riêng, có thể chỉ thực hiện một khâu trong chuỗi hình thành nên giá trị sản phẩm. Muốn truy xuất nguồn gốc, chuỗi sản phẩm đó phải được tự động hình thành, nhưng nếu không có sự kết nối dữ liệu thì không hình thành được chuỗi đầy đủ.

Để có sự kết nối, chia sẻ giữa các ngành, địa phương với nhau và theo chuẩn quốc tế, cần sớm vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa Quốc gia, cũng như sớm ban hành Thông tư quy định quản lý về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang