Đảm bảo truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể

author 06:23 21/09/2022

(VietQ.vn) - Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng, việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho các bếp ăn tập thể tại trường học và các doanh nghiệp có quy mô lớn trên cả nước không chỉ là vấn đề dừng ở khâu an toàn thực phẩm, mà còn cần coi đây là sự chuyển biến nhận thức của người dân với việc sử dụng thực phẩm đạt tiêu chuẩn.

Thống nhất về tiêu chuẩn dinh dưỡng hàng ngày

Hiện nay là thời điểm các trường học trên cả nước bước vào năm học mới, đồng thời các doanh nghiệp cũng từng bước phục hồi, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh những tháng cuối năm. Do đó, việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho bếp ăn tập thể tại trường học và doanh nghiệp có quy mô lớn trên cả nước là vấn đề cần được chú trọng.

Chia sẻ tại Diễn đàn trực tuyến “kết nối thực phẩm an toàn với các bếp ăn tập thể”, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng, với đối tượng công nhân, các em học sinh, chúng ta coi việc cung ứng nông sản, thực phẩm vào các khu công nghiệp, bếp ăn trường học không chỉ dừng ở khâu an toàn thực phẩm mặc dù đây là khâu quan trọng nhất.

“Chúng ta cần coi đây là sự chăm chút chế độ dinh dưỡng cho các đối tượng, coi đây là sự chuyển biến nhận thức từ các hành vi tiêu dùng, làm quen với thực phẩm chế biến đạt tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm”, ông Toản nói.

Cũng theo ông Toản, tiêu chuẩn dinh dưỡng hàng ngày của người dân Việt Nam nói chung và từng đối tượng tại từng môi trường làm việc nói riêng cần được thống nhất, đồng bộ. Hiện, ngành NN&PTNT đang cố gắng đồng bộ hóa, chuẩn hóa quy chuẩn, tiêu chuẩn trong các lĩnh vực như thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi, chế biến… Thống kê chỉ ra, đến nay Việt Nam có khoảng 397 khu công nghiệp. Bên cạnh đó, tổng số học sinh phổ thông là 17,9 triệu em. Với từng quá trình phát triển thể chất của các em học sinh cần có những định mức, chế độ dinh dưỡng cụ thể.

Thay đổi nhận thức của người dân về an toàn thực phẩm

Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho bếp ăn tập thể tại trường học và doanh nghiệp có quy mô lớn trên cả nước là vấn đề cần được chú trọng. Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, việc tiếp cận, cung ứng lương thực thực phẩm hàng ngày đảm bảo an toàn cho thị trường còn nhiều dư địa này vẫn tồn tại nhiều khó khăn. Đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đã nêu ra một số vướng mắc và phương hướng giải quyết.

Thứ nhất, cần phải xác định mọi sản phẩm thực phẩm khi đưa vào trường học hay khu công nghiệp cần đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc. Đó là điều kiện tiên quyết để phục vụ nhu cầu cho thị trường nội địa. “Tuy nhiên công tác truy xuất nguồn gốc thực phẩm hiện nay chưa được thực thi một cách đầy đủ, toàn diện. Do vậy cần nêu cao trách nhiệm giám sát của hội phụ huynh trong môi trường trường học, của ban quản lý trong các khu công nghiệp, khu chế xuất”, ông Toản cho hay.

Thứ hai, cần nắm được định mức ăn của mỗi học sinh, mỗi người công nhân vì đây là những yếu tố chi phối số lượng đầu vào của thực phẩm cho các bếp ăn tập thể. “Chúng ta cần thiết kế được những suất ăn đảm bảo dinh dưỡng, vi chất cần thiết cho các em học sinh, người công nhân. Để có thể làm được điều này rất cần sự quan tâm, phối hợp của Bộ Y tế, Sở Y tế các địa phương, từ đó có sự điều chỉnh chính sách về tài chính, hỗ trợ các trường học, khu công nghiệp…”, ông Nguyễn Quốc Toản nói.

Thứ ba, hiện nay Việt Nam đang có đa dạng các đơn vị cung ứng, để có thể hoàn thiện chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, các đơn vị đó cần tự nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm giá thành sản xuất. Nếu giảm được giá thành, các đơn vị có thể tiếp cận được khu vực vùng sâu vùng xa.

Thứ tư, cần minh bạch và trách nhiệm trong việc cung cấp các suất ăn. Cụ thể, cần minh bạch dạng hình sản phẩm, quản lý chất lượng, không gian thị trường cạnh tranh giữa các đơn vị cung ứng.

Thứ năm, vấn đề đặt ra với văn hóa tiêu dùng không còn mới nhưng nếu không tổ chức thực hiện sát sao sẽ tạo ra thói quen không tốt của người tiêu dùng, tác động tiêu cực đến ngành chăn nuôi, trồng trọt cũng như tổ chức kinh doanh của doanh nghiệp, các đơn vị cung ứng. Theo đó, các địa phương cần có kế hoạch triển khai cụ thể nhằm cải thiện tư duy, lối suy nghĩ, hình thành cộng đồng người tiêu dùng văn minh.

Ngoài ra, chia sẻ tại diễn đàn, bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An cũng cho rằng, người tiêu dùng cần phát huy quyền được biết xuất xứ thực phẩm mình sử dụng. Tuy nhiên, phần lớn người tiêu dùng hiện nay lại có thói quen dễ dãi, cứ tiện là ghé mua, giá cả rẻ là được, không quan tâm nhiều đến nguồn gốc xuất xứ. Vì vậy, cần đầy mạnh tuyên truyền để người tiêu dùng thay đổi thói quen lựa chọn, tiêu thụ thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, từ đó buộc người sản xuất cũng phải phải thay đổi theo.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang