Đầu hàng trước thực phẩm bẩn?

author 07:28 03/05/2013

(VietQ.vn) - Hóa chất tẩm ướp hàng tấn nội tạng, thực phẩm bị nhiễm khuẩn, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật quá mức cho phép ở cả hàng nhập khẩu và sản xuất trong nước. Nhưng cơ quan quản lý thiếu những biện pháp mạnh để xử lý và bảo vệ người dân.

Từ đầu tháng 4 đến nay, các lực lượng liên ngành của thành phố Hà Nội đã liên tiếp phát hiện, bắt giữ gần 10 vụ đối tượng vận chuyển nội tạng động vật, gia cầm đã qua sơ chế không rõ nguồn gốc, nhiều khả năng “nhập lậu” từ nước ngoài vào Việt Nam.

Thống kê, phân tích gần 10 vụ bắt giữ thực phẩm “bẩn” từ đầu tháng 4/2013 đến nay cho thấy thủ đoạn vận chuyển những mặt hàng này đang có nhiều thay đổi, chủ yếu trung chuyển về Thủ đô đi các tỉnh lân cận, còn nội tạng động vật (tim, gan, phổi, lòng) phần lớn được xé lẻ, gửi xe khách chất lượng cao lên một số tỉnh phía Bắc, vào các nhà hàng để chế biến món Thắng Cố đặc sản.

Thực phẩm bẩn liên tiếp bị cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ.
Thực phẩm bẩn liên tiếp bị cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ.

Lực lượng công an đang gửi các mẫu này đi phân tích nhằm tìm ra chủng loại loại hóa chất, trên cơ sở đó có căn cứ xử lý và cảnh báo tới người tiêu dùng.

Tại hội nghị về quản lý chất lượng nông lâm thuỷ sản, ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thừa nhận, chuyển biến trong quản lý chất lượng lĩnh vực này rất chậm thể hiện qua các số liệu về thực phẩm nhiễm bẩn cao, trong rau thì dư lượng thuốc bảo vệ thực vật quá mức cho phép còn nhiều.

Bà Phan Thị Yến Nhi, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang kiến nghị cơ quan quản lý nên đưa ra biện pháp mạnh, đó là rút giấy phép kinh doanh đối với những cơ sở vi phạm nhiều lần và những cơ sở không đạt tiêu chuẩn. Đại diện nhiều tỉnh, thành phố cũng cho rằng nên đưa ra biện pháp mạnh này.

Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho rằng hiện nay nhiều mối nguy hại từ rau củ quả và thực phẩm nhập khẩu. Do vậy, trong năm 2013, cần tập trung kiểm soát chất lượng của những sản phảm này. Hiện nay do thiếu nhiều tiêu chí thế nào là sản phẩm đạt chuẩn nên khi nhập vào khó kiểm soát chất lượng, tới khi bán ra thị trường lại càng khó hơn. “Ví dụ như để phân biệt giữa hoa quả nhập lậu từ Trung Quốc và hoa quả nhập từ các nước khác như thế nào, cách nào để cả cơ quan quản lý và người tiêu dùng phân biệt được”, ông Hồng nói.

Bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đưa ra gợi ý cần đẩy mạnh việc tuyên truyền về các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh không đạt chuẩn để người tiêu dùng tẩy chay sản phẩm của họ. “Cách này có khi tác dụng còn mạnh hơn cách rút giấy phép”. Tuy nhiên, đây cũng chỉ nên là giải pháp hỗ trợ bởi không phải thông tin lúc nào cũng đến được với người dân đúng thời điểm. Về phía cơ quan quản lý, nếu thiếu những biện pháp xử lý mạnh, chắc chắn thực phẩm bẩn sẽ còn nhiều cơ hội len lỏi vào bữa ăn của từng gia đình.

Thiếu nhiều tiêu chí sản phẩm đạt chuẩn nên khó kiểm soát chất lượng.
Thiếu nhiều tiêu chí sản phẩm đạt chuẩn nên khó kiểm soát chất lượng.

Trước thực trạng thực phẩm mất an toàn xảy ra dồn dập, mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), đã chủ trì buổi giao ban trực tuyến công tác bảo đảm ATVSTP với nhiều địa phương.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, tình hình ngộ độc thực phẩm năm 2011 đã giảm so với năm trước cả về số vụ và số người chết. Tuy nhiên, nguyên nhân do thực phẩm tồn dư hóa chất và thực phẩm bị biến chất có xu hướng tăng lên. Qua thanh tra, kiểm tra trong tháng hành động ATVSTP năm 2012 đối với gần 240.000 cơ sở trên cả nước đã phát hiện hơn 20% không đạt yêu cầu về ATVSTP.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng phải tiến tới thực hiện “3 không”: không sản xuất rau không an toàn; không sử dụng phụ gia hóa chất cho thực phẩm không có trong danh mục, bị cấm; không giết mổ không an toàn. Phó Thủ tướng yêu cầu phải đẩy mạnh kiểm soát tình trạng mất ATVSTP, thực hiện mục tiêu quốc gia ATVSTP từ 2012- 2015, triển khai các nghị định, hướng dẫn thực hiện Luật ATVSTP. Giao Bộ Công Thương kiểm soát thực phẩm qua biên giới. Riêng Bộ Y tế phải thực hiện việc xây dựng chỉ số ATVSTP là một trong những tiêu chí xếp hạng phát triển kinh tế- xã hội cho các địa phương…

Duy Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang