Dấu hiệu cảnh báo ô tô sắp bốc cháy, biết để tránh mọi rủi ro
Sự kiện: Cảnh báo ô tô xe máy
Bàn đạp phanh ô tô thấp, hụt- dấu hiệu cho thấy nhiều bộ phận cần xử lý ngay
Mang ô tô đi đại tu động cơ cần đặc biệt lưu ý để tránh bị 'rút ruột'
Tài xế sẽ phải 'hối hận' nếu phớt lờ hiện tượng điều hòa ô tô thổi ra khí nóng
Nguyên nhân khiến ô tô dễ cháy nổ
Trong thời gian gần đây chắc hẳn nhiều người không khỏi giật mình khi nghe tin nhiều xe ô tô bốc cháy. Vậy điều gì khiến cho ô tô bốc cháy và đâu là dấu hiệu rõ ràng nhất để tài xế nhận biết sớm, tránh rủi ro.
Theo các chuyên gia về ô tô, có rất nhiều nguyên nhân khiến ô tô dễ dàng bốc cháy. Đầu tiên phải nghĩ tới chính là do hệ thống ống thải hoạt động quá tải, vượt xa chỉ số tiêu chuẩn cho phép, dẫn tới tình trạng bộ chuyển đổi khí thải quá nóng khiến nhiệt độ của bộ khí thải tăng lên 1.093 độ C, điều này không khác gì một ngòi thuốc nổ, khiến xe bốc cháy bất cứ lúc nào.
Việc vận hành quá lâu sẽ khiến cho động cơ xe quá nóng cộng với những va chạm nhẹ trong quá trình di chuyển như đi trên những cung đường xấu hay có những ổ voi, ổ gà gập ghềnh, khiến cho xe lắc lư, lúc này rất có thể xăng hoặc chất làm mát tràn ra khỏi khu vực an toàn. Rò rỉ qua khoang động cơ, tiếp tục tràn sang khu vực hệ thống xả, cũng như một số khu vực nóng khác, dẫn đến xe bốc cháy là điều dễ hiểu.
Ô tô rất dễ cháy cần biết trước dấu hiệu cảnh báo để tránh rủi ro. Ảnh minh họa
Nguyên nhân tiếp theo cũng có thể là do thói quen đổ xăng quá đầy. Vì khi đổ đầy trong suốt chặng đường di chuyển, rất có thể những nhiên liệu như xăng, dầu, nhớt tràn ra những khoang khác. Nếu gặp tia đánh lửa, dù là ở nhiệt độ thấp nhất, cũng khiến cho chiếc xe bốc cháy. Đặc biệt, nguyên nhân do hệ thống điện cũng không ngoại lệ. Hệ thống này được thiết kế lắp đặt khắp xe, nên khi bị chập điện thì khả năng một vụ cháy lớn rất có thể sẽ xảy ra.
Việc tự ý lắp thêm một số thiết bị trên xe cũng khiến xe ô tô dễ cháy nổ. Cụ thể, nhiều chủ xe tự ý lắp đặt thêm một số thiết bị điện khác trên xe ô tô của mình như: quạt, ti vi, tủ lạnh mini, đầu đĩa, dàn karaoke… Việc tự ý thêm thắt không giống với thiết kế tiêu chuẩn của nhà sản xuất, dẫn đến tình trạng hệ thống điện bị quá tải. Trong khi đó các chủ xe lại sử dụng dây điện không chuyên dụng, những mối nối không kín, nên rất dễ gay ra cháy nổ.
Ngoài những nguyên nhân trên, cũng có thể là do sử dụng xe ô tô quá cũ nhưng lại không được bảo dưỡng thường xuyên. Trong khi đó, thói quen đỗ xe ô tô ở những nơi có nhiệt độ cao cũng là một nguyên nhân gây cháy nổ.
Một nguyên nhân không thể bỏ qua nữa, đó chính là chất lượng của nhiên liệu. Vì một nguyên nhân nào đó vô tình hay cố ý, nhiên liệu bị nhiễm tạp chất. Một số đơn vị kinh doanh xăng dầu vì tăng lợi nhuận, có thể pha chế hay phối chế thêm nhiều thành phần vào xăng. Một “chiêu trò” khác của các đơn vị kinh doanh xăng dầu đó là thêm nhóm chất ancol như etanol, axeton… hoặc nhóm ete như dipe, etbe, mtbe… Xăng bị nhiễm tạp chất, pha chế, phối chế… sẽ rất phát tán, bay hơi nhanh. Điều này khiến động cơ nhanh bị hỏng, các gioăng cao su bị nở… Nếu nhiên liệu bị rò rỉ tại những chỗ tiếp xúc ống dẫn nhiên liệu với những ống kim loại đã bị mòn lâu ngày, thì khi gặp nhiệt độ cao, có thể gây nguy cơ cháy nổ.
Dấu hiệu nhận biết xe ô tô sắp cháy nổ
Mùi khét
Mùi khét thường xuất hiện ở phía dưới nắp capo hoặc trong khoang xe. Đây là dấu hiệu cho thấy một bộ phận nào đó như nhựa hay ống cao su đang bị đốt cháy do nhiệt độ quá cao. Khi đó, lái xe cần lập tức dừng xe ở vị trí an toàn, tắt máy và xuống kiểm tra xe. Đầu tiên, hãy kiểm tra xung quanh bên ngoài xem có gì bất thường và xác định chính xác vị trí mùi khét phát ra. Nếu đúng mùi khét phát ra từ khoang máy, hãy lấy mu bàn tay chạm nhẹ vào phía trên nắp capo xem có quá nóng hay không.
Nếu nhiệt độ quá cao có thể dùng nước đổ lên phía trên để giảm nhiệt trước khi mở nắp ra kiểm tra kỹ hơn. Nếu không quá nghiêm trọng, hãy để động cơ nguội đi một chút rồi mới di chuyển tiếp. Khi phát hiện mùi khét mà không dừng kiểm tra kịp thời có thể dẫn đến việc tiếp tục cháy các bộ phận nhựa hoặc cao su, mọi thứ trở nên phức tạp hơn.
Có tiếng nổ “lạch tạch” phía dưới nắp capo
Khi phát hiện tiếng nổ nhỏ “lạch tạch”, có thể đang có hiện tượng chập điện ở phía dưới nắp capo. Những tiếng nổ này có thể đi kèm với mùi khét do cháy dây điện. Đối với trường hợp này, lái xe nên dừng xe ngay lập tức, đồng thời tắt khoá điện trước khi kiểm tra xe.
Tương tự như khi phát hiện thấy mùi khét ở trên nên kiểm tra nhiệt độ của capo trước khi mở nắp kiểm tra kỹ. Nếu phát hiện dây điện đang bị chập, cháy đen không nên tiếp tục di chuyển mà nhanh chóng gọi cứu hộ.
Có khói bốc lên từ nắp capo
Nếu phía dưới nắp capo có khói, chắc chắn một bộ phận nào đó đang âm ỉ cháy. Đây là trường hợp cần phải xử lý rất nhanh và quyết đoán. Lúc này tài xế cần lập tức dừng xe, tắt khoá điện, khoá bình xăng (nếu có) và nhanh chóng di chuyển người, tài sản ra ngoài xe.
Tuyệt đối không mở nắp capo vì việc này vô tình sẽ nạp thêm không khí để đám cháy bốc lên. Nhờ sự trợ giúp của mọi người xung quanh. Dùng bình chữa cháy, nước, cát, vải ướt,… phủ lên phía trên nắp capo để giảm nhiệt độ và hạn chế đám cháy bùng phát. Gọi Cảnh sát giao thông hoặc Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy càng sớm càng tốt.
Ngọn lửa bốc lên xe
Trường hợp đã có ngọn lửa bốc lên, cũng chưa hẳn đã là quá muộn để cứu chiếc xe của mình. Lúc này cần sơ tán tất cả mọi người ra xa, tránh trường hợp ngọn lửa bén vào bình xăng có thể gây nổ. Tìm cách đóng các cửa xe lại, điều này khiến khoang xe kín, khiến ngọn lửa khó bén vào trong xe hơn. Nếu mở tất cả cửa, chiếc xe có thể bị cháy rụi chỉ trong 10 phút.
Giữ bình tĩnh
Các chuyên gia cũng khuyên rằng, khi trong tình thế nguy kịch như cháy xe, bạn cần cố gắng bình tĩnh, ưu tiên thoát hiểm cho hành khách ngồi trên xe đầu tiên, sau đó mới nghĩ đến cứu xe. Đồng thời, những vật dụng như bình cứu hỏa mini, bình nước, khăn lau, búa thoát hiểm hoặc vật cứng,... là những vật dụng rất cần thiết và nên trang bị trên xe, có thể sử dụng trong lúc nguy cấp.
An Dương (T/h)