Dấu hỏi lớn 'tuần lễ 100 tỷ' của ông Vượng có phải sự phí phạm? Chuyên gia lên tiếng!

author 06:56 04/02/2022

(VietQ.vn) - Việc VinGroup bỏ ra hơn 100 tỷ để trao giải thưởng kỷ lục VinFuture liệu có lãng phí không; tại sao không dành số tiền đó trực tiếp giúp đỡ các nhà khoa học Việt Nam?

Đó là câu hỏi lớn được một số người nêu ra sau khi Tuần lễ Giải VinFuture khép lại với danh tiếng vang dội ở cả trong nước và trên toàn cầu. Các chuyên gia hàng đầu như TS Phạm Chi Lan, GS Võ Tòng Xuân và TS Nghiêm Vũ Khải đã đưa ra lý giải xác đáng.

Hoàn toàn không lãng phí

TS Phạm Chi Lan. Ảnh: Vietnamfinance 

Theo TS Phạm Chi Lan, việc VinGroup đầu tư cho VinFuture là hoàn toàn không lãng phí, vì đây là giải thưởng có đóng góp được cho xã hội và thế giới. Những đóng góp như vậy đều đáng quý, miễn là người ta có tâm. Hơn nữa, khoa học công nghệ vốn là vấn đề lớn trên toàn cầu nên sự chọn lựa những người đạt giải thực sự đóng góp rất lớn cho thế giới, và ngay bản thân người Việt cũng được hưởng.

Ví dụ: Công nghệ mRNA giúp chế tạo vắc xin từ nhóm nghiên cứu của GS Katalin Kariko có ý nghĩa to lớn trên toàn cầu và bản thân người Việt cũng được hưởng giá trị của nghiên cứu mang lại.

"Tôi nghĩ việc tri ân những nhà khoa học này là tốt cho tất cả, phần nào thể hiện sự tri ân của người Việt. Vì vậy, việc VinGroup bỏ một số tiền lớn để đầu tư cho VinFuture là không có gì lãng phí", bà Phạm Chi Lan nhận định.

GS Võ Tòng Xuân. Ảnh: Vietnamnet 

Theo GS Võ Tòng Xuân nhận định, Giải thưởng VinFuture đã gây được tiếng vang trên thế giới vì đây là giải thưởng về khoa học do người Việt sáng lập. Đồng thời cho thấy tầm nhìn xa của về mặt khoa học của một doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam.

Giải thưởng cũng trở thành nguồn khích lệ, khuyến khích các nhà khoa học cố gắng thêm, tiếp tục để cho ra được những sáng kiến, giải pháp nhằm giải quyết những vấn đề khó khăn của thế giới.

Thông qua chuỗi sự kiện về giải thưởng VinFuture cũng cho thấy, các nhà khoa học ở Việt Nam nên có điều kiện như ở nước ngoài thì mới nghiên cứu được. Khó khăn trước mắt không chỉ ở trang thiết bị mà còn ở kinh phí để nghiên cứu.

"Tôi thấy sự đầu tư của VinGroup vào VinFuture là không lãng phí. Bởi đây là dịp để xem những dự án của nhiều nhà khoa học trên thế giới. Đặc biệt, ở góc độ kinh doanh, trong số gần 600 dự án tham dự VinFuture, doanh nghiệp có thể chọn ra một vài cái để có thể áp dụng và phát triển kinh doanh", GS Võ Tòng Xuân nhận định.

TS Nghiêm Vũ Khải. Ảnh: NVCC 

Đồng quan điểm với TS Phạm Chi Lan và GS Võ Tòng Xuân, TS Nghiêm Vũ Khải, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết:

"Chúng ta đang thực hiện một chủ trương "doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới sáng tạo" nên việc tạo lập và tổ chức được một giải thưởng khoa học như VinFuture là điều rất đáng khích lệ và đáng biểu dương, cá nhân tôi đánh giá rất cao.

Khi có mặt tại buổi lễ trao giải VinFuture ở Nhà hát lớn, cá nhân tôi thực sự thấy cảm động và có phần tự hào vì cuối cùng Việt Nam chúng ta cũng từng bước bước lên diễn đàn khoa học quốc tế và tạo ra kết quả, tiếng vang đang tự hào. Tôi nghĩ rằng đây là niềm tự hào chung của đất nước, chứ không chỉ riêng VinGroup", TS Nghiêm Vũ Khải cho biết.

TS Nghiêm Vũ Khải cho rằng việc VinGroup đầu tư cho giải thưởng VinFuture là không hề lãng phí. Bản thân VinGroup cũng đã thành lập các viện nghiên cứu, đơn vị nghiên cứu, tập hợp các nhà khoa học của Việt Nam cũng như quốc tế, đồng thời mua các bản quyền của khoa học công nghệ để thực hiện nhiệm vụ kinh doanh khi tham gia vào phát triển tiềm lực khoa học công nghệ của chính tập đoàn. Điều này cũng góp phần nâng cao trình độ khoa học công nghệ của đất nước.

Khoa học Việt Nam cần 1 hệ sinh thái?

Theo GS Võ Tòng Xuân, dù còn nhiều khó khăn để có thể được vinh danh ở VinFuture, nhưng bước đầu khoa học Việt Nam vẫn còn không ít trở ngại so với khoa học trên thế giới, như thiếu trang thiết bị, những phòng thí nghiệm tối tân. Ngoài ra, còn về số người được đào tạo cũng không nhiều do không có đủ chi phí.

Tuy nhiên, VinFuture cũng được coi là giải thưởng truyền cảm hứng cho những nhà khoa học, đặc biệt là những người trẻ.

"Với cá nhân tôi, một người làm khoa học, tôi thấy giải thưởng VinFuture rất lớn, gấp 3 lần giải Nobel. Đây là dịp khiến những người làm khoa học rất hãnh diện. Dù không biết VinFuture sẽ tồn tại bao lâu nhưng rõ ràng việc tạo ra giải thưởng này thì thế giới chưa ai làm được. Ngay cả người giàu thứ 2 trên thế giới như Bill Gates cũng chưa tạo ra một giải thưởng ý nghĩa như thế này", GS Võ Tòng Xuân chia sẻ.

Đồng quan điểm với GS Võ Tòng Xuân, TS Phạm Chi Lan cho rằng, chính việc đọc qua thông tin về các nhà khoa học đạt giải VinFuture và hoạt động, quá trình của họ, cho chúng ta thấy rõ thêm một điều. Đó là muốn làm khoa học thành công thì phải có một môi trường tốt với tất cả những gì mà hiện nay chúng ta gọi là hệ sinh thái.

Tuy nhiên hệ sinh thái này bao gồm cả thể chế, chính sách, sự ủng hộ xã hội, những phương tiện cần thiết như phòng thí nghiệm hoặc là tiền tài trợ cho các hoạt động. Đương nhiên là những thứ này tốn kém kinh khủng, mất rất nhiều thời gian.

Như trường hợp của GS Katalin Kariko cũng từng từ Hungary sang Mỹ và mất vài chục năm trời. Thậm chí, ở Mỹ, bà Kariko cũng từng chịu thất bại và bị từ chối... Tất cả những điều này cho thấy đó là quá trình vô cùng gian nan và đòi hỏi rất nhiều thứ.

Hơn nữa, theo TS Phạm Chi Lan, ở Việt Nam hiện nay, dường như chúng ta có cộng đồng các nhà khoa học nhưng mỗi ngành đi một đường và có rất ít sự liên kết, hợp tác với nhau, kể cả trong các dự án nghiên cứu. Màu sắc, sự liên kết ngay trong nội bộ đã yếu thì với bên ngoài lại càng hạn chế hơn. Việc đầu tư cho các dự án ở Việt Nam thường ngắn hạn, chỉ vài năm. Trong khi như nghiên cứu để tạo cơ sở cho vắc xin của bà Kariko mất tới vài chục năm.

Là người luôn theo sát về những chuyển động khoa học công nghệ của đất nước, TS Nghiêm Vũ Khải nhận định, trong bối cảnh thời đại công nghệ số, các nhà khoa học có thể tiến hành thực hiện nghiên cứu chung từ xa, không nhất thiết phải trở về Việt Nam. Việc tham gia vào một dự án nào đó tầm cỡ quốc tế thì cũng có thể được vinh danh.

Theo TS Nghiêm Vũ Khải, hiện nay có rất nhiều nhà khoa học người Việt Nam đang làm việc ở các nước thuộc nhóm G7, G20, thực hiện nghiên cứu ở các trường đại học, viện nghiên cứu lớn. Họ có thể sẽ trở thành những tác giả mà sẽ được nhận giải của VinFuture trong tương lai.

Mặt khác, trong tương lai, sự tăng cường hợp tác giữa các nhà khoa học trong nước với quốc tế có thể mang lại lợi ích cho Việt Nam, miễn là chúng ta biết tận dụng cơ hội.

Theo Pháp luật và Bạn đọc

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang