Đầu tư cho KHCN ở Việt Nam: 'Càng lạc hậu càng dễ thành công'

author 11:21 05/12/2015

(VietQ.vn) - Nghèo, lạc hậu không có nghĩa là thiệt thòi bởi theo nguyên lý của Gerschenkron, các nước đi sau trong đó có Việt Nam có thể khai thác khoảng cách công nghệ của mình so với thế giới để đẩy nhanh công cuộc bắt kịp trình độ phát triển của thế giới.

Quan điểm trên do PGS-TS. Vũ Minh Khương, Đại học Quốc gia Singapore đưa ra tại Hội thảo Xác định đóng góp của khoa học công nghệ vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sáng 4/12/2015. Quan điểm này đưa ra một góc nhìn đáng chú ý với vấn đề đầu tư cho khoa học công nghệ của Việt Nam.

PGS. TS Nguyễn Duy Khương nói về đầu tư cho khoa học công nghệ

Theo PGS. TS Nguyễn Duy Khương, đề xây dựng chính sách đầu tư cho khoa học công nghệ, Nhà nước cần lắng nghe sâu sắc ý kiến của các doanh nghiệp và chuyên gia

Chất lượng Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn PGS-TS. Vũ Minh Khương xung quanh vấn đề này.

Về mặt lý thuyết, ông có đề cập đến một nguyên lý rất đáng chú ý là một trong những lợi thế dành cho các nước đi sau là lợi thế Lạc hậu. Vậy Việt Nam đã tận dụng được lợi thế đó chưa thưa ông?

PGS - TS. Vũ Minh Khương: Nguyên lý Lợi thế lạc hậu do Gerschenkron đề cập vào năm 1962, tức lợi thế của những nước đi sau, khoảng cách lạc hậu càng xa càng học hỏi được nhiều. Theo đó, các nước đi sau có thể khai thác khoảng cách công nghệ của mình so với thế giới để đẩy nhanh công cuộc bắt kịp, càng lạc hậu về công nghệ càng có khả năng đạt được nhiều thành công ấn tượng trong nỗ lực  này. Nghèo tức là còn kho kiến thức vàng cần phải học hỏi. Đây là thời kỳ Việt Nam đã làm được khá nhiều tuy chưa có đột biến lớn.

Cụ thể, Việt Nam đang tận dụng nhưng hơi bị lệch do sử dụng nhiều lợi thế về nguồn lao động giá rẻ. Ví dụ, bây giờ cách doanh nghiệp rất thích trả lương khoảng 150 USD cho các công nhân tuổi 18, lắp ráp rất nhanh, mắt rất tinh. Nhưng một hai chục năm sau, khi các công nhân này tuổi tăng lên cao thì làm sao lương họ tăng được gấp đôi là vấn đề cần bàn. Theo lý thuyết, sau 10 năm lương phải tăng gấp đôi.

hế Việt Nam làm thế nào để tận dụng đúng lợi thế Lạc hậu thưa ông?

PGS - TS. Vũ Minh Khương: Thời kỳ dân số này có nhiều, cần đưa khoa học công nghệ vào, đặc biệt là trong yếu tố nâng cao chất lượng lao động. Ví dụ như Samsung Bắc Ninh cần nâng cấp chất lượng lao động, giờ giấc ban ngày có thể làm, ban tối học nâng cao kỹ năng thay vì nghỉ ngơi, giải trí. Khi đó, lương tăng lên cùng với trình độ. Các nhà đầu tư như Samsung hay Microsoft, họ sẵn sàng đầu tư như vậy cơ mà. Cần phải làm lương lên không phải do thiếu lao động mà do chất lượng lao động tăng lên.

Thưa ông, với các doanh nghiệp tư nhân, ông đánh giá như thế nào về việc đầu tư vào khoa học công nghệ của họ?

PGS - TS. Vũ Minh Khương: Ở lĩnh vực này tôi cần có những nghiên cứu và đánh giá thêm. Tuy nhiên, tôi thấy một số doanh nghiệp đang có những bước phát triển khá mạnh mẽ như Vinamilk chẳng hạn, đầu tư khoa học công nghệ của họ rất cơ bản.

Nhà nước đang có chính sách thúc đẩy đầu tư của khu vực tư nhân vào khoa học công nghệ. Ông có thể gợi ý những chính sách, bước đi cụ thể như thế nào về vấn đề này thưa ông?

PGS - TS. Vũ Minh Khương: Trước khi có những chính sách, cần có những sáng kiến cụ thể. Tức là cần tập hợp các doanh nghiệp, các ngành nghề lại để có những bàn thảo, ý kiến. Trên cơ sở những trăn trở của doanh nghiệp, những điểm nghẽn mà doanh nghiệp mới biết được, nhà nước mới có thể đưa ra chính sách. Nếu chỉ ngồi trong phòng lạnh để ra những chính sách thì sẽ không thúc đẩy được về đầu cầu. Cần có phán xét của chuyên gia xem cái này đã là hay nhất chưa, kinh nghiệm thế giới làm như nào... Hiện nay, lãnh đạo của mình cũng nghe doanh nghiệp nhưng mang tính chất để giải quyết vụ việc, phàn nàn, khi nghe để ra chính sách cần chú trọng hơn vào ý kiến doanh nghiệp và chuyên gia.

Thường Chính phủ Singapore trước khi ngồi với doanh nghiệp thì sẽ nghe báo cáo của các chuyên gia, các chuyên gia đã biết hết rồi nên họ sẽ chỉ ra ngay rằng thế giới đang thế này thế khác. Tiếp theo, từ các diễn đàn giữa doanh nghiệp và Nhà nước, Nhà nước sẽ thấu hiểu mong muốn của doanh nghiệp rồi ra chính sách.

-Có một số liệu rất đáng chú ý là năng suất yếu tố tổng hợp - TFP của Việt Nam giai đoạn 2011 – 2015 chỉ là 28%, chưa bắt kịp mức trung bình của thế giới. Vậy, theo ông, Việt Nam cần làm gì để TFP có thể bắt kịp với thế giới?

PGS - TS. Vũ Minh Khương: TFP 28% là tương đối bởi nếu anh tăng trưởng 4% thôi thì TFP được 1% đã thành 25%. Vấn đề là làm sao tăng trưởng cao lên được, ví dụ ở mức 8%. Việt Nam dư sức tăng trưởng 8% trong thời gian khoảng 2 thập kỷ tới. TFP có thể chỉ tăng 2% TFP, còn 6% còn lại thì 5% của vốn, 1% của lao động. Cho nên, tôi cho rằng không quá quản ngại TFP ở mức 25% hay 28% mà quan trọng là GDP ở mức bao nhiêu và nếu tăng trưởng TFP ở mức 1,5 – 2% là ở mức tuyệt vời.

-Bộ KH&CN vừa rồi có xây dựng quỹ Đầu tư mạo hiểm cũng như quỹ ưu đãi cho các doanh nghiệp có thể vay vốn. Theo ông, các quỹ này có tạo được động lực cho doanh nghiệp quan tâm hơn đến việc ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động của mình không?

PGS - TS. Vũ Minh Khương: Ở Việt Nam tôi thấy rằng sự thôi thúc đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ có nhưng kinh nghiệm thực tế thì ít. Sự bàn bạc thống nhất gắn bó giữa Chính phủ với các doanh nghiệp chưa thực sự sâu sắc. Chính phủ chưa tham vấn sâu giới doanh nghiệp, giới chuyên gia. Khi tôi có một khoản, tôi thực sự mong muốn thúc đẩy năng suất lao động trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì cách gì là hay nhất? Có nhiều lựa chọn khác nhau nên trên cơ sở phải có phản biện thấu đáo của các chuyên gia, doanh nghiệp để lựa chọn phương án nào để các bên đều tâm phục khẩu phục, chính sách vào thực tế là chưa có.

Có thể bây giờ Việt Nam chưa cần đến vốn mạo hiểm ngay bằng vốn nâng cao năng suất lao động. Ở Singapo nếu có 1 – 2 tỷ USD vốn đầu tư vào thì năng suất lao động tăng lên ngay. Có khi chỉ rất là ứng dụng nhỏ của ứng dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực bán hàng, khi doanh nghiệp đang trăn trở như mua một phần mềm hỗ trợ thì cũng mang lại hiệu quả lớn.

Vốn mạo hiểm khi đầu tư vào một lĩnh vực hoàn toàn mới ở Việt Nam có khi chưa cần thiết trong khi tiền vốn đang có ít. Do đó, phải tạo được điều thiết thực để doanh nghiệp tâm phục khẩu phục. Khi đã tạo được tâm thế gắn bó với nhau, hiệp đồng binh chủng thì hiệu quả đầu tư vào khoa học công nghệ rõ ràng ngay.

Cần có báo cáo hàng năm về khoa học công nghệ, Nhà nước đã đầu tư ra từng này tiền và kết quả của họ ra sao, anh nào làm kém, anh nào làm tốt. Cơ chế cần tạo ra sự phấn khích, có đấu thầu đầy đủ, kết quả, đề nghị của doanh nghiệp, của lĩnh vực nào cần được ưu tiên phải có rõ ràng, cụ thể. Có như vậy, đầu tư của Nhà nước vào khoa học công nghệ mới có hiệu quả cao.

Xin cảm ơn ông!

Trần Hoài (thực hiện)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang