Đầu tư việc làm chất lượng cao, lối thoát cho nền kinh tế

author 20:53 27/05/2014

(VietQ.vn) - Tổ chức lao động thế giới (ILO) khuyến cáo đầu tư việc làm chất lượng có thể thúc đẩy tăng trưởng bền vững ở những quốc gia mới nổi và đang phát triển.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Báo cáo “Thế giới Việc làm 2014: Phát triển với việc làm”, với phân tích chuyên sâu về 140 nền kinh tế mới nổi và các quốc gia đang phát triển, lần đầu tiên cho thấy đầu tư vào việc làm có chất lượng, giảm thiểu những công việc dễ tổn thương và giải quyết tình trạng có việc làm mà vẫn nghèo đói có thể giúp tăng trưởng kinh tế cao hơn.

Đầu tư vào việc làm có chất lượng có thể giúp tăng trưởng kinh tế cao hơn

Một báo cáo mới của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) chỉ ra rằng kể từ năm 2007 đến nay, những quốc gia chịu khó đầu tư nhiều vào việc làm có chất lượng từ những năm đầu thế kỷ 21 có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh hơn gần 1% so với các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển khác. Chính điều này đã giúp làm giảm bớt những tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng đầu tư vào việc làm có chất lượng cao thường đi kèm với xu hướng giảm bất bình đẳng trong thu nhập.

“Phát triển không chỉ đến từ những yếu tố như xuất khẩu, thương mại mở cửa hay đầu tư trực tiếp nước ngoài”, Tổng Giám đốc ILO, Guy Ryder, khẳng định.

“Bảo trợ xã hội, tôn trọng các tiêu chuẩn và chính sách lao động cơ bản giúp thúc đẩy việc làm chính thức cũng rất quan trọng trong việc tạo ra việc làm có chất lượng, nâng cao mức sống, tăng tiêu dùng nội địa và thúc đẩy tăng trưởng tổng thể. Cơ hội việc làm bền vững cho phụ nữ và nam giới giúp thúc đẩy phát triển và giảm nghèo.”

Tại Việt Nam, đã có một bước nhảy vọt ấn tượng trong hai thập kỷ qua nhưng sự tiến bộ đã chậm lại trong thời gian gần đây.

Việt Nam đang thiếu nhân lực đáp ứng trình độ công nghệ cao

Cụ thể, tỉ lệ người lao động được trả lương đã tăng 22% từ năm 1991 đến năm 2013, cùng với đó là sự giảm mạnh tỷ lệ lao động nghèo (giảm 2/3 trong cùng kỳ), và năng suất lao động đã tăng nhanh.

Theo Điều tra Lao động và Việc làm của Quý Inăm nay, tỷ lệ lao động được trả lương tiếp tục tăng 0,2% lên 34,9% so với cùng kỳ năm 2013. Tiền lương danh nghĩa cũng tăng mạnh – tăng 64% từ 2010 đến 2013.

Tuy nhiên, sự tiến bộ đã chậm lại trong thời gian gần đây, đặc biệt là từ khi Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình năm 2010, làm nảy sinh những thách thức mới bên cạnh những cơ hội.
 
Năng suất lao động và năng lực cạnh tranh thấp là một trong những thách thức lớn đối với thị trường lao động Việt Nam. Báo cáo Chỉ số Cạnh tranh Toàn cầu 2013 xếp Việt Nam đứng thứ 70 trong số 148 quốc gia xếp hạng. Năng suất lao động của Việt Nam cũng ở hàng thấp nhất trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
 
Theo Điều tra Lao động và Việc làm, tỷ lệ việc làm dễ bị tổn thương (bao gồm lao động tự làm hoặc lao động gia đình) vẫn liên tục ở mức cao. Trong khi chỉ có 2% người lao động thất nghiệp, thì có tới 63% làm những công việc dễ bị tổn thương. Những công việc này thường gắn với năng suất lao động thấp, thu nhập thấp, điều kiện làm việc không đảm bảo và không có các chế độ bảo hiểm.

Một phần năm lao động Việt Nam làm việc không có hợp đồng lao động và tỷ lệ này là 45% đối với lao động trẻ dưới 25 tuổi.
 
“Nhưng Chính phủ đã cho thấy những cam kết để cải thiện tình hình,” Giám đốc ILO Việt Nam Gyorgy Sziraczki nhận định. “Việc thành lập Hội đồng Tiền lương quốc gia và thông qua Luật Việc làm năm ngoái, và quá trình sửa đổi luật hiện nay, bao gồm dự thảo Luật Vệ sinh An toàn Lao động và Luật Dạy nghề, được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam vượt qua những thách thức đó.”

Hạ Lan

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot