Đẩy mạnh hợp tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

author 09:04 09/12/2024

(VietQ.vn) - Trong khuôn khổ sự kiện thường niên Hội thảo – Triển lãm quốc tế Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2024, Hội thảo "Đẩy mạnh hợp tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng" được tổ chức với sự tham gia đồng hành của World Vision International tại Việt Nam; ChildFund Việt Nam; Trung tâm An toàn thông tin VNPT; Tổ chức Cứu trợ trẻ em và Viện nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD).

Sự kiện: AN TOÀN THÔNG TIN

Trong thời đại công nghệ số phát triển vượt bậc, các công nghệ hiện đại như Trí tuệ nhân tạo (AI), Dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT)... đã trở thành một phần không thể thiếu trong học tập, làm việc và giải trí. Tuy nhiên, song hành cùng những lợi ích to lớn là những thách thức ngày càng gia tăng, đặc biệt về an toàn thông tin, quyền riêng tư và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó chủ tịch VNISA, Nguyên trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ ông Đặng Vũ Sơn cho rằng, chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 – 2025” đã tạo động lực thúc đẩy sự tham gia tích cực từ các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong thực tiễn triển khai, vẫn còn những hạn chế trong việc kết nối và phối hợp giữa các bên liên quan, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của công tác bảo vệ trẻ em trên không gian mạng”.

Ông Đặng Vũ Sơn phát biểu khai mạc tại Hội thảo

Ông khẳng định sự kết nối và hợp tác là chìa khóa để giải quyết các thách thức và mang lại hiệu quả cao hơn trong công tác bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Đồng thời, VNISA cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực, phối hợp chặt chẽ với các đối tác trong và ngoài nước để cùng nhau xây dựng một môi trường mạng thực sự an toàn và bền vững cho thế hệ trẻ.

Tham luận tại chương trình, Đại diện Mạng lưới ứng cứu trẻ em trên môi trường mạng VN-COP, Cục An toàn thông tin - Bà Đinh Thị Như Hoa, chia sẻ: Trẻ em - đối tượng dễ bị tổn thương nhất - đang đối mặt với nhiều nguy cơ khi các em chưa có đầy đủ kỹ năng để nhận diện và phòng tránh rủi ro trong không gian mạng. Đây không chỉ là bài toán của riêng Việt Nam mà còn là thách thức toàn cầu, đòi hỏi sự chung tay, hợp tác từ nhiều phía.

Đinh Thị Như Hoa tham luận về Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Dẫn chứng nhanh (Nghiên cứu Microsoft) cho thấy: 51% người dùng mạng, bao gồm 48% người trưởng thành và 54% thanh thiếu niên, cho biết họ từng có liên quan đến một "vụ bắt nạt". 21% đáp viên cho biết họ từng là nạn nhân và 38% là người đứng ngoài hoặc chứng kiến hành vi bắt nạt hoặc quấy rối.Thường những trẻ từ 10-14 tuổi sẽ bị bắt nạt qua mạng nhiều nhất (Nghiên cứu Microsoft)

Tại đây, Bà đã đưa ra các biện pháp phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam, Mạng lưới phối hợp liên ngành, hoạt động hợp tác quốc tế trong công tác phòng chống lừa đảo và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Một trong những điểm nổi bật trong hành lang pháp lý mới ban hành của Chính phủ là Nghị định 147/2024/NĐ-CP: Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng quy định trẻ em dưới 16 tuổi không được đăng ký tài khoản mạng xã hội nếu như không có cha mẹ hoặc người giám hộ đăng ký bằng thông tin của mình và phải giám sát, quản lý nội dung mà trẻ em đăng tải, chia sẻ trên mạng xã hội.

Các chuyên gia trao đổi trong buổi Tọa đàm

Trong khuôn khổ sự kiện còn diễn ra phiên toạ đàm với những trao đổi, chia sẻ chung quanh việc tăng cường phối hợp hoạt động giữa cơ quan nhà nước với các tổ chức, doanh nghiệp công nghệ trong bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, với sự tham gia của các nhà quản lý, chuyên gia từ Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), World Vision International, ChildFund Việt Nam, Trung tâm An toàn thông tin VNPT.

Gia Bách

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang