Phát triển thương hiệu ngành dệt may Việt Nam nhằm nâng cao vị thế trong nước và xuất khẩu

author 12:15 21/02/2024

(VietQ.vn) - Nhiều năm qua, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã tập trung phát triển và xây dựng thương hiệu cá nhân, từng bước chinh phục người tiêu dùng, tạo vị thế vững chắc và nâng cao giá trị đối với các đơn hàng trong nước và xuất khẩu.

Cho đến nay, ngành dệt may Việt Nam đã xuất khẩu sản phẩm đến 66 nước, vùng lãnh thổ trên thế giới, cho thấy sự bứt phá trong phát triển thị trường.

Bên cạnh đó, số mặt hàng dệt may duy trì xuất khẩu khoảng 47-50 mặt hàng khác nhau vào thị trường toàn cầu và chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu là quần áo may mặc các loại. Đặc biệt, đối với thị trường EU, nếu như trước đây dệt may Việt Nam chỉ tập trung vào một số nước lớn, như: Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Anh, thì nay đã xuất khẩu vào 26/27 quốc gia ở EU.

Năm 2022, ngành dệt may Việt Nam đã có 10 thương hiệu đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam, bao gồm: sản phẩm thời trang Viettien (Tổng Công ty May Việt Tiến), thương hiệu Merriman (Tổng Công ty Cổ phần Dệt may Hòa Thọ), thương hiệu Mattana & Novelty (Tổng Công ty May Nhà Bè), trang phục An Phước (Công ty TNHH May thêu giày An Phước), May10 Series, May10 Suits & Eternity GrusZ (Tổng Công ty May 10), thời trang Thái Tuấn (Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Tuấn), khăn bông Mollis (Tổng Công ty Cổ phần Phong Phú). Mục tiêu từ nay tới năm 2025, Việt Nam sẽ có 20 thương hiệu thời trang không chỉ trong nước mà còn vươn ra tầm thế giới.

Có được kết quả trên là do ngành dệt may Việt Nam đã và đang nỗ lực không ngừng để có thể bắt kịp với xu hướng thế giới. Trong đó, nổi bật nhất là các doanh nghiệp đã chủ động nâng cao năng lực sản xuất; nâng cao trình độ tay nghề; chuyển hướng sản xuất từ hình thức chỉ nhận gia công sang hình thức tự chủ nguồn nguyên liệu, tự thiết kế và hoàn thành sản phẩm; đặc biệt, việc các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư vào thiết bị, công nghệ tự động hóa cũng là một trong những yếu tố góp phần tạo nền tảng để ngành dệt may chống chịu được những áp lực của thị trường về chất lượng, điều kiện giao hàng nhanh…

Ngoài ra, Nhà nước đã hỗ trợ các doanh nghiệp dệt may trong việc tổ chức các cuộc hội thảo, xúc tiến thương mại để các doanh nghiệp có cơ hội tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường xuất khẩu; Nhà nước cũng hỗ trợ trong việc thu hút vốn đầu tư vào ngành dệt may…

Cho đến nay, ngành dệt may Việt Nam đã xuất khẩu sản phẩm đến 66 nước, vùng lãnh thổ trên thế giới. Ảnh minh họa

Theo ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cho hay, là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, nhưng sự đa dạng của các nguồn nguyên vật liệu trong nước còn hạn chế, làm giảm năng lực cạnh tranh của ngành.

Để đáp ứng và tháo gỡ được điểm nghẽn này, cần tập trung phát triển nguồn nguyên phụ liệu trong nước nhưng theo xu thế Xanh và tuần hoàn, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe hơn về xác định nguồn gốc xuất xứ, cũng như các sắc thuế bổ sung có thể áp dụng trong thời gian tới như ERP (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, CBAM (cơ chế điều chỉnh biên giới carbon).

Cũng theo lãnh đạo Vinaex, hiện năng lực sản xuất vải nội địa chỉ mới đáp ứng được 36% nhu cầu, thị phần vải nhập khẩu đang chiếm đến 64%. Như vậy, Việt Nam cần có một chiến lược bài bản để đa dạng hóa nguồn cung nhằm đảm bảo duy trì chuỗi cung ứng dệt may bền vững.

“Việt Nam đang có lợi thế của người đi sau. Nếu chúng ta đã có một hệ thống sản xuất nguyên liệu lớn, thì giờ là lúc chúng ta phải lo chuyển đổi sao cho sản xuất được các nguyên liệu phù hợp kinh tế tuần hoàn. Trong khi thực tế do vẫn còn có tỷ lệ sản xuất nguyên liệu chưa cao, nên cơ hội là đầu tư mới cần điều chỉnh ngay vào khu vực sản phẩm đáp ứng yêu cầu này,” ông Lê Tiến Trường nói.

Tiến sỹ Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng Trường đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội nhấn mạnh, trong phát triển thời trang, khâu thiết kế chiếm vai trò hết sức quan trọng, chính vì vậy, các trường đào tạo cử nhân thiết kế thời trang đều trang bị những nội dung mới, phục vụ công tác giảng dạy, trong đó, có thể kể đến phần mềm 3D ảo với tiện ích vừa có thể tích hợp lựa chọn nguyên liệu, vừa thiết kế sản phẩm cơ sở, vừa phát triển bộ sưu tập thời trang và tổ chức sàn trình diễn thời trang ảo cho khách hàng xem và duyệt mẫu cũng như đưa ra yêu cầu điều chỉnh, thay đổi mầu sắc, chất liệu,... ngay trên mô hình ảo.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng đưa vào chương trình đào tạo đại học ngành thiết kế thời trang tất cả các xu thế mới của thế giới như thời trang Xanh, thời trang tái chế nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có thể ứng dụng được các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào trong thiết kế, sản xuất,...

Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp cần chủ động đầu tư các trang thiết bị hiện đại nhằm tăng năng suất, chuyển đổi phương thức sản xuất từ cắt may sang phương thức FOB, ODM, OBM để gia tăng giá trị, chất lượng sản phẩm; tiếp tục xu thế sản xuất Xanh, tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường và lấy đó là tiêu chí cạnh tranh cho dệt may Việt Nam.

Ngành dệt may Việt Nam còn có những hạn chế, đó là:

Thứ nhất, hiện nay, tình trạng yêu cầu truy xuất nguồn gốc bông, vải, sợi hay "xanh hóa" dệt may từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là những thách thức mà doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần phải giải quyết để có thể hưởng ưu đãi từ các hiệp định này.

Thứ hai, ngành dệt may gặp các khó khăn trong ngắn hạn về thu hẹp thị trường, sụt giảm đơn hàng và đơn giá, khó khăn nội tại về nguồn vốn, chi phí đầu vào, logistics, nguồn lao động...

Thứ ba, hiện nay, ngành đang đứng trước các thách thức lớn về yêu cầu chuyển đổi mạnh mẽ mô hình sản xuất theo hướng bền vững, xanh, tuần hoàn và đáp ứng các quy định mới liên quan đến lao động, nguồn gốc xuất xứ, khả năng tái chế của sản phẩm từ các thị trường chủ chốt, như: Mỹ, EU.

Thứ tư, công nghiệp hỗ trợ trong ngành may mặc chưa phát triển mạnh, chưa thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, dẫn đến có sự khan hiếm nguồn nguyên liệu trong nước, phụ thuộc lớn vào nhập khẩu và khó khăn trong việc đáp ứng các yêu cầu về quy tắc xuất xứ.

Thứ năm, dệt may của Việt Nam cũng đang gặp phải cạnh tranh lớn từ một số nước đang phát triển hiện đang đẩy mạnh sản xuất trong bối cảnh phục hồi kinh tế và thực hiện hiệu quả chiến lược “xanh hóa” các nhà máy sản xuất.

Thứ sáu, thực trạng thiếu thông tin về thị trường, về nguồn cung nguyên liệu là một trong những lý do khiến doanh nghiệp ngành dệt may khó dịch chuyển lên phương thức sản xuất cao hơn là thiếu thông tin về khách hàng, về các nhà cung cấp và thị trường nguyên phụ liệu, thiếu đội ngũ cán bộ mua hàng am hiểu thị trường và có năng lực quản lý chuỗi giá trị.

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang