Để chuyển đổi xanh cần vận hành hiệu quả thị trường carbon

author 09:10 22/03/2025

(VietQ.vn) - Theo chuyên gia, Việt Nam muốn phát triển xanh thì cần phải hướng đến thị trường carbon, để các doanh nghiệp có thể bù đắp tín chỉ xanh hoặc doanh nghiệp sẽ theo hướng phát triển xanh để giảm lượng phát thải trong quá trình sản xuất.

Việt Nam đang từng bước xây dựng và phát triển thị trường carbon, nhằm thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính và thúc đẩy kinh tế xanh, bền vững. Sự phát triển thị trường carbon mang lại nhiều cơ hội cho Việt Nam trong việc giảm phát thải và chuyển đổi sang nền kinh tế xanh...

Theo Quyết định số 232/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 24/01/2025, việc thành lập thị trường carbon tại Việt Nam là bước đi chiến lược nhằm đáp ứng các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu, đặc biệt là mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Sự phát triển của thị trường carbon giúp Việt Nam kiểm soát lượng phát thải và mở ra cơ hội tài chính mới thông qua cơ chế trao đổi tín chỉ carbon, giúp doanh nghiệp thích nghi với xu hướng phát triển bền vững của thế giới.

Chính phủ nhấn mạnh vận hành của thị trường carbon phải hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, tổ chức và các bên liên quan, đồng thời góp phần vào quá trình chuyển đổi xanh của nền kinh tế. Hệ thống giao dịch sẽ hoạt động theo nguyên tắc thị trường, có cơ chế điều tiết phù hợp để tránh các rủi ro như đầu cơ, thao túng giá hoặc thất thoát tài nguyên quốc gia.

Lộ trình triển khai thị trường carbon được chia thành ba giai đoạn: trước tháng 6/2025 là giai đoạn xây dựng khung pháp lý và hạ tầng kỹ thuật; từ tháng 6/2025 đến hết năm 2028 là giai đoạn vận hành thí điểm, và từ năm 2029 sẽ chính thức đưa thị trường vào hoạt động trên toàn quốc.

Việt Nam đang từng bước xây dựng và phát triển thị trường carbon để giảm phát thải khí nhà kính hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế xanh bền vững. Ảnh minh họa

Thực tế hiện nay Việt Nam đang đứng trước cơ hội sớm đạt được ​mục tiêu kép đó là vừa giảm thiểu rủi ro thiên tai, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu vừa mang lại nguồn thu lớn cho đất nước thông qua việc bán tín chỉ carbon - bởi dự kiến từ tháng 6/2025 đến giai đoạn 2028, sàn giao dịch carbon trong nước sẽ được vận hành thí điểm, hướng tới vận hành chính thức từ năm 2029.

Tiến sỹ Phạm Ngọc Nhàn - Giảng viên Bộ môn Kinh tế và phát triển, Đại học Trà Vinh cho biết, thời gian qua, khi nghiên cứu về thị trường carbon nhận thấy thị trường carbon trên thế giới đã xuất hiện rất nhiều và cũng đã giao dịch rất nhiều, mang lại giá trị lớn cho môi trường. Vì vậy, muốn phát triển xanh thì cần phải hướng đến thị trường carbon, để các doanh nghiệp có thể bù đắp tín chỉ xanh hoặc doanh nghiệp sẽ theo hướng phát triển xanh để giảm lượng phát thải trong quá trình sản xuất.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, việc chúng ta đang nỗ lực phát triển thị trường carbon là một trong những tín hiệu rất tốt ở Việt Nam, qua đó sẽ khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp có thể sẵn sàng đồng hành bảo vệ được môi trường thông qua các hoạt động sản xuất.

Trước đây, trong các hoạt động sản xuất, có thể chúng ta chưa quan tâm tới môi trường. Thế nhưng, thời gian gần đây, để phát triển bền vững thì các doanh nghiệp cũng đã đồng hành, sẵn sàng, thậm chí hy sinh một phần lợi ích kinh tế của mình, để cùng chung sức bảo vệ môi trường, bảo vệ được Trái Đất, cũng như giảm hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Hiện nay Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang phối hợp với Bộ Tài chính tích cực thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp, để sớm triển khai thí điểm thị trường carbon và vận hành chính thức từ năm 2029. Như vậy, thị trường carbon là một tín hiệu rất tốt và chúng ta cũng rất hy vọng rằng Chính phủ sẽ có những giải pháp để làm sao khuyến khích được các doanh nghiệp có thể trao đổi được hạn ngạch, trao đổi được tín chỉ; hoặc sẽ có những cơ chế làm sao để phát triển được thị trường carbon. Đặc biệt là trên thị trường carbon, trên sàn giao dịch chứng chỉ carbon sẽ có người cung cấp, có người mua, từ đó góp phần tăng sự nhộn nhịp, làm cho thị trường trở nên sôi động hơn.

Thời gian gần đây, chúng ta thấy rằng Bộ Tài chính cũng đang trình Chính phủ để xin giảm hoặc miễn thuế giao dịch tín chỉ carbon khi thí điểm tại Việt Nam. Hy vọng tới đây sẽ có những chính sách “cởi mở,” để bước đầu khuyến khích được các doanh nghiệp tham gia, cũng như có thể trao đổi được nhiều tín chỉ carbon để có thể bù đắp đối với các ngành hàng của họ.

Tiến sỹ Phạm Ngọc Nhàn lấy ví dụ, tại các nước, chẳng hạn ở khu vực Châu Á, Trung Quốc đã có sàn giao dịch chứng chỉ carbon, có thị trường carbon và họ đã phát triển thị trường này được hơn 20 năm qua. Thời gian gần đây, các nước như Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đang tập trung phát triển các thị trường carbon. Tại các nước này, Chính phủ cũng chú trọng các chính sách phát triển thị trường carbon, để có thể tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sẵn sàng tham gia bù đắp cho hoạt động sản xuất của mình.

Đối với các lĩnh vực, ngành hàng cụ thể, như hàng không ở các nước phát triển, hiện nay cũng đang bắt đầu áp dụng cho việc giao dịch tín chỉ carbon để bù đắp vào cho các chuyến bay của mình. Đây cũng là một trong những việc mà Liên minh châu Âu đang quan tâm, bởi họ cũng đã có những thị trường carbon để sẵn sàng bù đắp cho ngành hàng không - khi các chuyến bay bay vào trong khu vực Liên minh châu Âu.

Đối với Việt Nam, các doanh nghiệp rất kỳ vọng tới đây sẽ có những chính sách rõ ràng hơn và hướng dẫn cụ thể hơn để họ có thể áp dụng. Bước đầu, chúng ta đang thực hiện các hoạt động kiểm kê khí nhà kính. Hy vọng sắp tới, Chính phủ sẽ có những chính sách để làm sao giúp thị trường carbon của chúng ta có thể giao dịch một cách sôi động nhất.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang