Để doanh nghiệp nhà nước ‘cất cánh’

author 07:25 04/04/2022

(VietQ.vn) - Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước trăn trở về nguy cơ mất dần vị thế trên thị trường, do tốc độ phát triển của khu vực doanh nghiệp nhà nước không tương đồng với doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Những năm gần đây, theo đánh giá của giới chuyên gia cũng như bản thân nhiều doanh nghiệp nhà nước cho rằng hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp nhà nước chưa có nhiều cải thiện, chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ và quá trình cơ cấu lại triển khai chậm so với yêu cầu đề ra. Cụ thể, trăn trở của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước hiện nay là nguy cơ mất dần vị thế trên thị trường do tốc độ phát triển của khu vực doanh nghiệp nhà nước không tương đồng với doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. 

Trăn trở của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước hiện nay là nguy cơ mất dần vị thế trên thị trường. Ảnh minh họa.

Câu chuyện này từng xảy ra với Tổng công ty Lắp máy Việt Nam-CTCP (Lilama). Đầu những năm 2000, Lilama ghi dấu ấn trên thị trường xây dựng với năng lực làm tổng thầu hàng loạt công trình thủy điện, nhà máy lọc dầu, nhà máy xi-măng... nhất là gia công, chế tạo, lắp đặt kết cấu thép mái vòm của Trung tâm Hội nghị quốc gia, được bạn bè quốc tế đánh giá cao. 

Doanh thu của Lilama có thời điểm đạt hơn 20 nghìn tỷ đồng/năm nhưng đến nay chỉ còn 4.000 tỷ đồng. Lý giải cho sự suy giảm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Lilama Bùi Đức Kiên cho biết, về sau này, Lilama không có nhiều dự án, lại đầu tư dàn trải từ xi-măng, điện đến ngân hàng… không mang lại hiệu quả và phải thực hiện thoái vốn để cơ cấu lại doanh nghiệp. 

Ngay cả những tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang làm tốt vai trò chi phối thị trường cũng rất lo lắng về chặng đường phía trước, nếu cơ chế quản lý đối với doanh nghiệp nhà nước không có sự điều chỉnh phù hợp. 

Hơn nữa, những bất cập trong cơ chế, chính sách quản lý đối với doanh nghiệp nhà nước hiện nay khiến doanh nghiệp nhà nước càng giảm hiệu quả, giảm sức cạnh tranh so với doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Vì tất cả vấn đề Hội đồng quản trị ra nghị quyết đều phải xin ý kiến chủ sở hữu, nhiều vấn đề phải chờ chủ sở hữu xin ý kiến các đơn vị liên quan. Như vậy không chỉ mất nhiều thời gian mà về bản chất, những người hiểu thị trường nhất là doanh nghiệp lại không được quyết định đầu tư để kịp nắm bắt cơ hội. 

Vì vậy, mong mỏi lớn nhất của những lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước là được hoạt động như một doanh nghiệp. Nghĩa là được trao quyền tự chủ kinh doanh như các doanh nghiệp khác trên cơ sở định hướng phát triển, nhiệm vụ và mục tiêu cụ thể; có quyền tài sản rõ ràng; được theo dõi, đánh giá, thanh tra, kiểm tra theo định hướng phát triển, theo nhiệm vụ và mục tiêu chung thay vì thanh tra, kiểm tra và đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất theo từng dự án/hoạt động cụ thể. 

Để được vận hành như vậy, trong quản lý nhà nước, phải coi doanh nghiệp nhà nước có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ như doanh nghiệp khác trong nền kinh tế. Đổi mới cơ chế, chính sách để doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường, chủ động và vận hành linh hoạt như các doanh nghiệp tư nhân. Yêu cầu này bao gồm thực hiện tách chức năng đại diện chủ sở hữu với chức năng quản lý doanh nghiệp, giảm bớt sự can thiệp trực tiếp của cơ quan đại diện chủ sở hữu vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước như hiện nay.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang