Thương mại điện tử - ‘cánh tay trợ lực’ giúp doanh nghiệp phát triển
Thúc đẩy xuất khẩu sang Trung Quốc qua thương mại điện tử xuyên biên giới
Nhiều người dùng thua thiệt khi mua hàng trên sàn thương mại điện tử
Hơn 2 năm qua, nền kinh tế đã phải gánh chịu các tác động nặng nề do dịch bệnh cũng như từ bất ổn địa chính trị của thế giới. Tuy nhiên, chúng ta cũng được chứng kiến nhiều sự thay đổi, chuyển dịch mạnh mẽ ở cả thói quen tiêu dùng lẫn nền tảng kinh doanh của các doanh nghiệp. Trong đó, thương mại điện tử đã trở thành "cánh tay trợ lực" quan trọng, giúp các doanh nghiệp vận hành, triển khai các hoạt động kinh doanh nhanh chóng, dễ dàng hơn nhiều trên hành trình phục hồi và phát triển trong bối cảnh bình thường mới.
Cụ thể, thương mại điện tử đang mang đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp. Trước hết, đó là sự mở rộng về đối tượng khách hàng. Theo nghiên cứu của Facebook, hơn 81% người tiêu dùng đã có sự thay đổi về thói quen mua sắm khi đại dịch bùng phát, chuyển sang ưu tiên mua sắm trực tuyến; 92% trong số này khẳng định sẽ duy trì thói quen đó.
Bên cạnh đó, ở những khu vực phi thành thị trước đây vốn ít được tiếp xúc với các hình thức thương mại hiện đại thì nay cũng dần hình thành thói quen mua sắm và kinh doanh trực tuyến. Báo cáo của các sàn thương mại điện tử lớn của Việt Nam cho thấy, lượng người bán hàng trực tuyến tại các khu vực phi thành thị thời gian qua đã tăng khoảng 40%. Cơ hội cho doanh nghiệp còn thể hiện ở sự đa dạng các mặt hàng kinh doanh trực tuyến. Trước đây, sản phẩm bán trên mạng chủ yếu là mỹ phẩm, thời trang. Ðến nay, nhiều mặt hàng khác như thực phẩm tươi sống hay đồ ăn nhanh cũng rất được ưu chuộng.
Phó Cục trưởng Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư) Nguyễn Ðức Trung cho biết, hoạt động chuyển đổi số trong doanh nghiệp đã diễn ra mạnh mẽ trong những năm gần đây như một nhu cầu tự nhiên nhằm đáp ứng sự thay đổi của hành vi tiêu dùng cũng như nhu cầu quản lý. Các doanh nghiệp đã chủ động đổi mới mô hình, chuyển dần các hoạt động kinh doanh lên các nền tảng số, tìm kiếm thêm thị trường, cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động, khả năng cạnh tranh, thích ứng với bối cảnh mới. Trong đó, đẩy mạnh thương mại điện tử là một trong các giải pháp phổ biến được doanh nghiệp lựa chọn, đồng thời cũng là xu thế bắt buộc giúp doanh nghiệp tồn tại và phát triển.
Để tham gia thị trường thương mại điện tử hiệu quả, giới chuyên gia cho rằng doanh nghiệp cần xây dựng các chiến lược phát triển dài hạn, trong đó chiến lược về giá là quan trọng nhất. Trên các sàn thương mại điện tử sẽ có sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt về giá, do đó chiến lược về giá rất quan trọng để giúp doanh nghiệp định vị được vị trí trên sàn cũng như việc giá đó có phù hợp với tập khách hàng mình đang hướng tới hay không. Doanh nghiệp cũng cần có chiến lược marketing cụ thể, dài hơi và mảng này thường sẽ được các sàn hỗ trợ khi doanh nghiệp đăng ký. Ngoài ra, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược phát triển tập khách hàng mới từ việc chuyển dần các khách hàng truyền thống cũ, đồng thời thu hút số lượng khổng lồ người mua sắm trực tuyến thành khách hàng tiềm năng của riêng mình.
Thanh Tùng