Đề xuất ban hành lộ trình và tiêu chuẩn EURO4 cho xe máy vào năm 2024 để giảm ô nhiễm môi trường

author 12:26 23/01/2024

(VietQ.vn) - Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) vừa đề xuất cần ban hành lộ trình và tiêu chuẩn EURO4 vào năm 2024 để sớm áp dụng nhằm đóng góp vào mục tiêu giảm ô nhiễm môi trường từ phương tiện xe máy.

Thông tin về các định hướng chính và giải pháp về việc trung hòa các bon tại Việt Nam, ông Koji Sugita, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) cho biết, các thành phố lớn như thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng đã có kế hoạch hạn chế xe máy vào năm 2030 nhằm giảm thiểu ô nhiễm, tắc đường về tai nạn giao thông. Tuy vậy, với hiện trạng giao thông Việt Nam, xe máy vẫn là phương tiện giao thông chính, chủ yếu của người dân.

Do vậy, cho đến khi giao thông công cộng đã sẵn sàng thì xe máy vẫn là phương tiện giao thông chủ yếu. Với vai trò là nhà sản xuất xe máy, VAMM đề xuất thay vì hạn chế hoạt động của các phương tiện cá nhân là xe máy, nên có nhiều giải pháp khác để giải quyết vấn đề về ô nhiễm môi trường và tai nạn giao thông như kiểm soát khí thải xe đang lưu hành hoặc áp dụng tiêu chuẩn khí thải EURO4.

VAMM đề xuất ban hành lộ trình và tiêu chuẩn EURO4 vào năm 2024 để sớm áp dụng nhằm đóng góp vào mục tiêu giảm ô nhiễm môi trường. VAMM sẽ xem xét năng lực của mạng lưới kiểm định, đưa ra những ý kiến đề xuất cụ thể trong năm nay nhằm hợp tác xây dựng quy định khả thi. Việc áp dụng EURO4 cho xe mới, kiểm soát khí thải xe đang lưu hành là giải pháp hiệu quả nhằm giảm ô nhiễm môi trường.

Việc áp dụng tiêu chuẩn EURO4 cho xe máy, kiểm soát khí thải xe đang lưu hành là giải pháp hiệu quả nhằm giảm ô nhiễm môi trường. Ảnh minh họa

Mục tiêu của Chính phủ là đến năm 2040 dừng sản xuất, nhập khẩu xe máy xăng và đến nă 2050 sử dụng 100% xe mô tô, xe máy điện. Việc chuyển đổi xe điện là định hướng trong tương lai nhưng để bảo vệ người tiêu dùng, ngành công nghiệp thì việc chuyển đổi cần được thực hiện từng bước với sự xem xét đầy đủ đến các giải pháp thay thế.

Ông Sugita cũng cho biết, tình hình thực tế tại Việt Nam, tỉ lệ tai nạn giao thông ở học sinh, sinh viên cao nhưng hiện tại chưa có quy định về bằng lái xe đối với đối tượng này. Hiệp hội đề xuất, nhằm bảo đảm an toàn giao thông, cần áp dụng việc cấp chứng chỉ, bằng lái đối với người điều khiển xe gắn máy, xe gắn máy điện với bài thi bắt buộc như tại nhiều quốc gia trên thế giới. VAMM sẵn sàng hợp tác với Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải để xây dựng quy định khả thi như đào tạo, cấp bằng…

Đánh giá cao sự hỗ trợ, đồng hành của VAMM trong phối hợp triển khai các chương trình đảm bảo an toàn giao thông, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng đồng thời ghi nhận đề xuất các giải pháp giảm phát thải khí CO2, góp phần nâng cao nhận thức cho người dân về an toàn giao thông đường bộ tại Việt Nam.

Thống nhất với ý kiến mà Chủ tịch VAMM vừa trao đổi, Bộ trưởng cho biết, sau các cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị COP26 và các chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đã chủ động triển khai các nhiệm vụ có liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải.

Về việc áp dụng tiêu chuẩn khí thải EURO4, Bộ Giao thông Vận tải đang giao Cục Đăng kiểm Việt Nam nghiên cứu, sớm xây dựng lộ trình quy định nâng cao mức tiêu chuẩn khí thải đối với xe cơ giới sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới để trình Chính phủ ban hành. Cùng đó, cố gắng đẩy nhanh lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải EURO4 đối với các phương tiện xe mô tô, xe gắn máy.

Hiện Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp với Bộ Công an để bổ sung quy định về kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành vào dự thảo Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ để trình Quốc hội xem xét thông qua.

Bộ Giao thông Vận tải ủng hộ sử dụng nhiên liệu xanh như nhiên liệu hydrogen, nhiên liệu sinh học trong giai đoạn tới, góp phần giúp cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường nhờ giảm thiểu việc tạo các loại khí thải có trong các nhiên kiệu truyền thống. Bộ trưởng cũng nhận định xe máy là phương tiện lưu hành phổ biến ở Việt Nam trong những năm tới. Từ đây, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng mong các doanh nghiệp nỗ lực sản xuất ra những mẫu xe mới, đáp ứng được các điều kiện bảo vệ môi trường.

Về vấn đề giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe mô tô điện, xe máy điện, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, Bộ Công an chủ trì xây dựng và đưa vào dự thảo Luật giao thông đường bộ các quy định về phân hạng giấy phép lái xe như: A1, A…

Bộ Giao thông Vận tải ủng hộ việc bổ sung quy định về giấy phép lái xe đối với các đối tượng học sinh sinh viên điều khiển xe mô tô điện, xe gắn máy điện; các đối tượng này cần am hiểu các quy định về an toàn giao thông đường bộ. Bộ đề nghị VAMM tiếp tục nghiên cứu, tham gia và góp ý thêm với Bộ Công an là cơ quan chủ trì xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ về các nội dung này. Về phía Bộ Giao thông Vận tải cũng tiếp tục rà soát, tham gia với Bộ Công an về việc quản lý các phương tiện mô tô điện, xe gắn máy điện tại Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng bày tỏ mong muốn, thời gian tới VAMM sẽ tiếp tục xây dựng, phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải triển khai các chương trình về tuyên truyền, nâng cao nhận thức về an toàn giao thông đường bộ; tiếp tục nghiên cứu, đóng góp ý kiến xây dựng chính sách pháp luật về giao thông đường bộ.

Tiêu chuẩn khí thải EURO4

Để kiểm soát lượng khí phát thải ra do xe cộ, các nhà lập pháp toàn cầu đã ban hành các quy định mang tính pháp lý đưa ra các giới hạn về từng loại khí thải ra môi trường. Phổ biến nhất là tiêu chuẩn khí thải EURO4 đang được áp dụng tại các nước phương Tây và nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Tiêu chuẩn khí thải EURO4 được hiểu là phiên bản thứ 4 của tiêu chuẩn khí thải được Liên minh châu Âu quy định nhằm giảm các chất ô nhiễm có hại từ khí thải của các dòng xe ô tô, xe tải, xe khách giường nằm, container, tàu thuyền và các dòng máy móc động cơ diesel chuyên dụng…

Tiêu chuẩn này đưa ra các giới hạn về những loại khí tạo ra do quá trình hoạt động của ô tô, mô tô, bao gồm: carbon monoxide (CO), nitrogen oxide (NOx), hydrocacbons (HC) và các hạt vật chất kích thước vi mô (PM). Mỗi loại xe sẽ có quy định về định mức khí thải khác nhau.

Trong tiêu chuẩn EURO4, giới hạn về vật chất dạng hạt vi mô (OM) và nitrogen oxide (NOx) được thắt chặt nhằm loại trừ xe gây quá nhiều sự ô nhiễm cho môi trường. Như vậy, để đáp ứng được tiêu chuẩn EURO4, các xe động cơ diesel phải được trang bị thêm bộ lọc hạt mới.

Theo quy định mới về tiêu chuẩn khí thải ô tô ở Việt Nam, tiêu chuẩn về phép thử và các giới hạn khí thải áp dụng đối với phương tiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu mới được thể hiện trong quyết định 49/2011 của Thủ tướng. Theo đó, tiêu chuẩn EURO 3 áp dụng đối với xe mô tô và mức 4 đối với ô tô có hiệu lực từ 1/1/2017. Riêng với ô tô, tiêu chuẩn khí thải ở mức EURO 5 có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2022.

Theo lộ trình quy định bởi Thủ tướng chính phủ, tiêu chuẩn khí thải EURO 5 có hiệu lực kể từ 1/1/2022, áp dụng đối với tất cả các loại xe ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước hoặc nhập khẩu mới từ nước ngoài.

 An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang