Đề xuất mới về cách tính tỷ lệ nội địa hóa ô tô

author 06:57 08/03/2022

(VietQ.vn) - Bộ Công Thương cho biết đang phối hợp các Bộ ngành xúc tiến việc bãi bỏ cách tính tỷ lệ nội địa hóa cũ, nghiên cứu sửa đổi quy định về mức độ rời rạc của linh kiện ô tô nhập khẩu.

Mới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI) đã trình văn bản kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, đề xuất bãi bỏ Quyết định số 28 được ban hành năm 2004 về cách tính tỷ lệ nội địa hóa ô tô. Theo đại diện các Bộ ngành, quyết định trên không nên bị bãi bỏ hoàn toàn, bởi còn tồn tại một quy định sẽ mang đến nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước.

Lấy ví dụ về cách tính tỷ lệ nội địa hóa ô tô tại Việt Nam: hai bộ ghế ngồi được lắp ráp bởi 2 doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước; một bộ đạt chất lượng tiêu chuẩn, đủ để xuất xưởng; một bộ có trang bị cảm biến hiện đại, tự động nhớ vị trí ngồi của người sử dụng, có hệ thống sưởi/làm mát, bọc da cao cấp. Có thể thấy, bộ ghế thứ 2 có giá thành cao hơn so với bộ ghế thứ nhất. Tuy nhiên, do cùng là ghế ngồi nên cả 2 bộ đều chỉ được tính tỷ lệ % về nội địa hóa giống nhau.

"Trong ô tô có 1.000 chi tiết như vậy, tôi làm 5 chi tiết, nhưng tổng giá trị 5 chi tiết ấy lại lớn hơn bao nhiêu chi tiết cộng lại thì tôi phải được tính thuế khác. Quy định cách tính thuế cũng như biểu thuế của Việt Nam chưa thay đổi kịp, thì doanh nghiệp người ta kiến nghị thôi", ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI), cho biết.

Trao đổi với phóng viên VTV, đại diện Bộ Công Thương xác nhận cách tính tỷ lệ nội địa hóa theo Quyết định số 28 hiện nay là chưa phù hợp và cần được bãi bỏ. Tuy nhiên, trong Quyết định 28 còn tồn tại một quy định về mức độ rời rạc của linh kiện ô tô nhập khẩu cần được giữ lại, bởi nó đem lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước.

"Việc duy trì mức độ rời rạc sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô tại Việt Nam đầu tư thêm chiều sâu vào quá trình sản xuất và do đó sẽ tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó, quy định này cũng là cơ sở giúp các doanh nghiệp tham gia chương trình ưu đãi thuế với linh kiện ô tô nhập khẩu", ông Lương Đức Toàn, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, nhận định.

Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ KH&CN cùng các Bộ ngành liên quan để xúc tiến việc bãi bỏ cách tính tỷ lệ nội địa hóa cũ, đồng thời nghiên cứu bổ sung, sửa đổi quy định về mức độ rời rạc của linh kiện ô tô nhập khẩu. Bởi trong tương lai, Việt Nam sẽ nhập khẩu và sản xuất các dòng xe mới có nhiều tính năng hơn, nhiều linh kiện hơn, qua đó cũng yêu cầu những quy định mới về mức độ rời rạc để sao cho phù hợp nhất.

Ảnh minh hoạ 

Trước đó, hồi tháng 9//2021, Bộ KH&CN tiến hành lấy ý kiến về dự thảo Thông tư bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ KH&CN ban hành, quy định về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô và mức độ rời rạc của các linh kiện ô tô nhập khẩu.

Theo đó, Bộ KH&CN đề xuất bãi bỏ 3 văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ KH&CN ban hành. Cụ thể là Quyết định số 28/2004/QĐ-BKHCN ngày 1.10.2004 của Bộ trưởng Bộ KH&CN về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô. Quyết định số 05/2005/QĐ-BKHCN ngày 11.5.2005 của Bộ trưởng Bộ KH&CN về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 28/2004/QĐ-BKHCN. Thông tư số 05/2012/TT-BKHCN ngày 12.3.2012 của Bộ trưởng Bộ KH&CN về việc sửa đổi, bổ sung điều 1 Quyết định số 05/2005/QĐ-BKHCN ngày 11.5.2005 của Bộ trưởng Bộ KH-CN về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 28/2004/QĐ-BKHCN.

Về sự cần thiết phải ban hành Thông tư, Bộ KH&CN cho biết, để thực hiện Quyết định số 175/2002/QĐ-TTg ngày 03/12/2002 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020", Bộ KH&CN đã ban hành quy định về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô tại Quyết định số 28/2004/QĐ-BKHCN ngày 01/10/2004 của Bộ trưởng Bộ KH&CN.

Mục tiêu của việc ban hành phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô nhằm đáp ứng các yêu cầu về quản lý nhà nước và giải quyết việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, sau thời gian dài triển khai, hiện nay, nội dung các văn bản quy định về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô đã không còn phù hợp với thực tiễn. Các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô ở Việt Nam (trong nước và FDI) hiện đang áp dụng phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô theo cách tính tỷ lệ phần trăm giá trị của linh kiện, phụ tùng so với tổng giá trị của toàn xe như cách tính tỷ lệ nội địa hóa của các nước thuộc khối ASEAN, bảo đảm tính khách quan và từng bước tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất ô tô toàn cầu.

Do đó, việc thay đổi quy định về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô là thực sự cần thiết, phù hợp với thực tiễn sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sản xuất trong nước và phù hợp với cách tính tỷ lệ nội địa hóa của các nước thuộc khối ASEAN.

Bộ KH&CN cũng cho hay, việc quy định về mức độ rời rạc của linh kiện ô tô nhập khẩu tại các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ KH&CN ban hành (Quyết định số 05/2005/QĐ-BKHCN, Thông tư số 05/2012/TT-BKHCN) nhằm phục vụ cho phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô.

Việc quy định về mức độ rời rạc của linh kiện ô tô nhập khẩu tại Quyết định số 28/2002/QĐ-BKHCN, Quyết định số 05/2005/QĐ-BKHCN và Thông tư số 05/2012/TT-BHCN được quy định như sau: Thân vỏ ô tô (đối với ôtô con, xe du lịch), ô tô khách cỡ nhỏ (xe minibus), ô tô khách (xe bus), ca bin (đối với ô tô tải): Rời tối thiểu thành 06 cụm chính, chưa sơn tĩnh điện bao gồm cụm nóc, cụm sàn, cụm sườn trái, cụm sườn phải, cụm trước, cụm sau và các mảng liên kết (nếu có);

Khung ô tô: Đã liên kết với nhau và chưa sơn tĩnh điện. Đối với khung ô tô có chiều dài từ 3,7m trở lên, được phép sơn tĩnh điện trước khi nhập khẩu; Động cơ: Hoàn chỉnh và có thể lắp liền với bộ ly hợp và hộp số; Hệ thống truyền động: Đã hoặc chưa lắp cùng với hệ thống phanh;

Hệ thống điện, đèn và tiện nghi: Hệ thống dây điện, bảng điện, đèn và tiện nghi của ô tô để rời khỏi thân vỏ, cabin ô tô; Thùng của ô tô tải: Sàn thùng xe, thành phải thùng xe, thành trái thùng xe, thành sau thùng xe và thành trước thùng của ô tô tải để rời chưa sơn và sàn thùng xe chưa được gắn với hệ thống khung phụ khi nhập khẩu. Tuy nhiên, qua thời gian triển khai thực hiện, các quy định nêu trên không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của công nghệ sản xuất ô tô.

Về công nghệ sử dụng để sản xuất, lắp ráp ô tô hiện nay tại Việt Nam, Bộ KH&CN nêu rõ, vào ngày 17/10/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 116/2017/NĐ-CP quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô, được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 17/2020/NĐ-CP ngày 05/02/2020 của Chính phủ, trong đó quy định điều kiện về cơ sở vật chất đối với doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô như yêu cầu chung về nhà xưởng, dây chuyền công nghệ lắp ráp, dây chuyền hàn, dây chuyền sơn, dây chuyền kiểm tra chất lượng sản phẩm và đường thử ô tô. Theo đó, hiện nay quy trình công nghệ sản xuất, lắp ráp ô tô của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam và trên thế giới đã có nhiều thay đổi so với thời điểm ban hành quy định về mức độ rời rạc của linh kiện ô tô nhập khẩu.

Đối với việc thay đổi căn cứ pháp lý quy định về tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô và mức độ rời rạc của linh kiện ô tô nhập khẩu, Bộ KH&CN nêu rõ, căn cứ ban hành các văn bản quy định về tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô và mức độ rời rạc của linh kiện ô tô nhập khẩu trước đây là Quyết định số 175/2002/QĐ-TTg ngày 03/12/2002 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020" (Quyết định 175). Tuy nhiên, ngày 16/7/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1168/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” (Quyết định 1168) thay thế Quyết định 175.

Tại Quyết định 1168, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra chiến lược đối với công nghiệp hỗ trợ: ‟Tăng cường hợp tác với các hãng ô tô lớn để lựa chọn chủng loại phụ tùng, linh kiện mà Việt Nam có thể sản xuất để đảm nhận vai trò mắt xích trong chuỗi sản xuất - cung ứng toàn cầu, trên cơ sở đó đầu tư công nghệ tiên tiến, sản xuất phục vụ xuất khẩu”. Do đó, cách thức quản lý đối với nội dung này cũng cần phải thay đổi cho phù hợp với thực tiễn và quy định về mức độ rời rạc của linh kiện ô tô nhập khẩu không còn phù hợp với nội dung của Quyết định 1168.

Tại điểm đ khoản 1 Điều 29 Nghị định số 116/2017/NĐ-CP ngày 17/10/2017 của Chính phủ quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô (Nghị định 116), Chính phủ giao Bộ Công Thương: ‟Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ban hành phương pháp xác định tỷ lệ giá trị sản xuất trong nước đối với ô tô”. Do đó, quy định về tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô do Bộ KH&CN ban hành không còn giá trị pháp lý vào thời điểm hiện tại.

Trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (VN-EAEU FTA), hai Bên đã ký kết Nghị định thư giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (CHXHCN) Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga về hỗ trợ sản xuất các phương tiện vận tải có động cơ trên lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam (Nghị định thư). Nghị định thư có quy định về “Bộ SKD” (bộ linh kiện, phụ tùng). “Bộ SKD” được liên doanh (thành lập giữa doanh nghiệp Việt Nam và Liên bang Nga) nhập khẩu vào Việt Nam theo Nghị định thư có các cấu thành khác với quy định về mức độ rời rạc được quy định tại Thông tư 05.

Ngoài ra, hiện nay và trong ngắn hạn, chênh lệch thuế suất thuế nhập khẩu của xe nguyên chiếc (CBU) và bộ linh kiện (CKD) đã không còn, thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc (CBU) từ các nước trong khu vực và trên thế giới nhập khẩu vào Việt Nam đã và đang dần giảm về 0% thông qua cam kết trong các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết. Cụ thể như Hiệp định ATIGA: thuế nhập khẩu xe CBU đã giảm về 0% từ ngày 01/01/2018; Hiệp định CPTPP: thuế nhập khẩu xe CBU sẽ giảm về 0% từ năm 2029; Hiệp định EVFTA: thuế nhập khẩu xe CBU sẽ giảm về 0% từ năm 2031.

Qua rà soát, các nội dung cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) không có quy định về mức độ rời rạc bộ linh kiện CKD của ô tô nhập khẩu. Tuy nhiên, các Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện các FTA không ghi thuế suất cụ thể với bộ linh kiện CKD tại Chương 87 Nghị định 57 và thực hiện phân loại, áp dụng thuế suất như sau: (i) trường hợp bộ linh kiện CKD nhập khẩu đáp ứng đủ điều kiện hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt và không đáp ứng mức độ rời rạc thì áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt đối với xe nguyên chiếc; (ii) trường hợp bộ linh kiện CKD nhập khẩu đáp ứng đủ điều kiện hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt và đáp ứng mức độ rời rạc thì áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt đối với linh kiện phụ tùng quy định tại các Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt.

Đây là nội dung mà nhiều nước đối tác FTA đã nêu ra và yêu cầu Việt Nam giải trình tại các cuộc họp Ủy ban thực thi FTA, đặc biệt là trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Việt Nam đã giải thích và làm rõ việc Việt Nam không áp dụng chính sách thuế cho bộ linh kiện CKD mà áp dụng theo xe nguyên chiếc hay linh kiện, phụ tùng của xe nguyên chiếc căn cứ độ rời rạc của bộ linh kiện CKD nhập khẩu.

Đồng thời, từ năm 2018, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt tại Hiệp định ATIGA của xe ô tô nguyên chiếc và linh kiện, phụ tùng ô tô đều đã về 0% nên dù phân loại xe ô tô nguyên chiếc hay linh kiện, phụ tùng ô tô thì đều được áp dụng thuế suất 0% nếu đáp ứng điều kiện xuất xứ ASEAN.

Tại khoản 3 Điều 3 Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 (Nghị định 57) của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 122 và Nghị định 125 quy định: "Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định về mức độ rời rạc, đảm bảo phù hợp với thực tế".

Tại điểm đ khoản 1 Điều 29 Nghị định số 116/2017/NĐ-CP ngày 17/10/2017 của Chính phủ quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô giao Bộ Công Thương: ‟Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ban hành phương pháp xác định tỷ lệ giá trị sản xuất trong nước đối với ô tô”.

Bảo Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang