Đề xuất nâng tiêu chuẩn khí thải đối với mô tô lên mức 4

author 14:03 06/10/2024

(VietQ.vn) - Bộ GTVT đề xuất nâng mức tiêu chuẩn khí thải xe mô tô hai bánh trong thử nghiệm lên Mức 4 từ ngày 1/7/2027.

Bộ Giao thông Vật tải (GTVT) đang lấy ý kiến góp ý dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về lộ trình áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải (TCKT) đối với xe cơ giới nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp. Dự thảo đề xuất các loại mô tô hai bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới tiếp tục áp dụng TCKT mức 3 trong thử nghiệm tới hết ngày 30-6-2027. Từ ngày 1-7-2027 phải áp dụng TCKT mức 4 trong thử nghiệm.

Hiện tại, Việt Nam có khoảng 70 triệu xe lưu hành, tập trung nhiều ở nơi đông dân cư. Những phương tiện này cũng đóng góp lượng phát thải đáng kể ra môi trường, do đó cần thiết để nâng mức TCKT để giảm ô nhiễm môi trường.

Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết trong khu vực ASEAN, đa phần các nước đã áp dụng hoặc có lộ trình áp dụng Euro 4 đối với mô tô. Việc nâng cao mức TCKT lên mức 4 không ảnh hưởng đến hoạt động nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp bởi đa số công nghệ cho mô tô đáp ứng TCKT mức 3 đã sẵn sàng có thể đáp ứng TCKT mức 4 và không cần thay đổi quá nhiều về công nghệ.

Đề xuất nâng mức tiêu chuẩn khí thải mô tô sẽ giảm thiểu khí thải độc hại ra môi trường 

Theo thống kê, khoảng 50%-60% lượng khí độc hại như NOx, CO, HC được cắt giảm nếu tiêu chuẩn khí thải Euro 4 được đưa vào áp dụng. Đây là các chất ảnh hưởng mạnh đến sức khỏe con người. Việc giảm phát thải từ mô tô là nhiệm vụ thiết yếu nhằm góp phần thực hiện chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí mê tan của ngành GTVT và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại COP26 đưa mức phát thải ròng về "0" năm 2050.

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, việc nâng cao mức TCKT đối với xe mô tô sản xuất lắp ráp và nhập khẩu mới lên Mức 4 không ảnh hưởng đến hoạt động nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp bởi vì đa số công nghệ cho xe mô tô đáp ứng TCKT Mức 3 đã sẵn sàng có thể đáp ứng TCKT Mức 4, và không cần thay đổi quá nhiều về công nghệ.

Mặt khác, đa phần các công nghệ này đã có sẵn khi được các công ty mẹ sản xuất và áp dụng tại các thị trường có TCKT cao hơn Việt Nam. Do vậy tác động đối với các nhà sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu cũng không đáng kể.

Bên cạnh đó, việc nâng mức TCKT đồng nghĩa với việc các công nghệ sản xuất mới, thiết kế mới sẽ được đưa vào các sản phẩm nội địa. Đây có thể coi là tiền đề của chuyển giao công nghệ, một yếu tố quan trọng để nâng cao năng lực sản xuất trong nước, cũng như tiếp cận với các công nghệ mới.

Bảo Linh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang