Đến Đại Lãnh đón ánh bình minh

author 16:18 12/10/2012

(VietQ.vn) - Bạn sẽ khó lòng bỏ qua dịp ngắm một bình minh đặc biệt trong đời - bình minh ở nơi đất liền xa nhất trên biển. Biển ửng hồng rồi rực rỡ khi mặt trời xuất hiện.

 Mũi Đại Lãnh

Trên đường thiên lý Bắc - Nam, dọc miền Trung, bạn sẽ qua đèo Cả - con đèo hùng vĩ nằm giữa hai tỉnh Phú Yên - Khánh Hòa - như một cánh tay Trường Sơn chồm xuống biển Đông, ôm vào lòng một phần biển cả. Điểm chót mũi cánh tay ấy là mũi Đại Lãnh. Trên bản đồ nó được đánh dấu ở tọa độ 12o53’40” vĩ độ bắc - 109o27’12” kinh độ đông.

Người Pháp tìm thấy mũi Đại Lãnh đầu tiên. Varella là ngưòi nhận ra vai trò quan trọng của nó trên hải đồ quốc tế. Chính vì thế, trên bản đồ cũ nó được gọi là Cap Varella. Từ năm 1890, người Pháp đã xây dựng hải đăng ở đây. Đến năm 1945, xảy ra đệ nhị thế chiến, hải đăng tạm ngừng hoạt động.

 Bình minh ở mũi Đại Lãnh

Chính quyền Sài Gòn trước 1975 có khôi phục lại hải đăng này vào năm 1961, nhưng sau đó, phía đông đèo Cả là căn cứ miền Đông của cách mạng nên công trình bị hủy bỏ. Mãi đến tháng 7/1997, hải đăng Đại Lãnh mới lại được khôi phục trên đống gạch vụn hoang tàn đổ nát. Người địa phương quen gọi đây là Mũi Điện, bởi đêm đêm, ngọn hải đăng tỏa sáng ánh đèn, định hướng cho tàu thuyền qua lại.

Bắt đầu từ cảng Vũng Rô, thuyền máy xé sóng, lướt trên mặt vịnh êm êm đưa du khách ra mũi Đại Lãnh. Để ra mũi Đại Lãnh còn có thể đi bằng đường bộ, trước đây là đường luồn rừng. Con đường mòn nhỏ ấy bắt đầu từ Bãi Chính (Vũng Rô), qua nhiều dốc núi và bảy con suối với chiều dài trên 5km.

Đó là đường tắt, còn đường biển phải vòng xa hơn nhưng cũng kỳ thú hơn. Hơn một tiếng rưỡi lênh đênh trên sóng nước, cuối cùng hải đăng mũi Đại Lãnh cũng hiện ra trong mắt bạn. Ngọn hải đăng như một trang hiệp sĩ can trường, kiêu hãnh trước sóng gió, đứng trên bờ vách núi cheo leo.

<br>
Những ghềnh đá đón nắng bình minh

Dưới chân Mũi Điện lại hiện ra một bãi biển nhỏ tuyệt đẹp, nép vào lòng dãy núi phía sau. Thuyền máy lớn không thể cập bờ nên vào bãi sẽ đi bằng thuyền thúng. Từ dưới bãi có con đường đá dựng ngược, treo trên sườn núi, đưa du khách lên ngọn hải đăng. Càng lên cao, càng thấy mình nhỏ lại trước bao la trời biển...

Hải đăng Đại Lãnh có một dãy nhà kiên cố, khang trang, lộng gió biển. Sau chặng đường vất vả, cơn mệt nhọc của du khách chừng như tan biến khi bắt gặp nụ cười niềm nở và hiếu khách của những chàng trai gác đèn biển. Đó là những hướng dẫn viên tình nguyện rất dễ thương.

Bãi tắm tuyệt đẹp 

Họ sẽ nhiệt tình hướng dẫn bạn tham quan khung cảnh kỳ vĩ nơi đây, hoặc câu cá biển. Bạn có thể vừa ăn cá nướng mới câu, vừa nghe họ kể chuyện giữa màn đêm dần xuống. Xa xa, chẳng biết bao giờ, ánh đèn thuyền đánh cá đã hiện lên như từng chùm sao giăng trên biển.

Mũi Đại Lãnh, biển đêm đã tuyệt đẹp, đến lượt bình minh lên khung cảnh còn diệu kỳ hơn. Bạn sẽ khó lòng bỏ qua dịp ngắm một bình minh đặc biệt trong đời - bình minh ở nơi đất liền xa nhất trên biển. Biển ửng hồng rồi rực rỡ khi mặt trời xuất hiện. Trong ban mai, những gành đá dưới chân núi như được khoác lên người tấm áo mới lộng lẫy ánh sáng.

Và, phía bên kia... bãi biển nhỏ, mặt nước vừa lăn tăn sóng đón du khách chiều qua, hóa yên ả trong xanh tưởng có thể nhìn rõ nắng xuyên đáy cát. Đó là Bãi Môn, một bãi tắm tuyệt vời. Và tuyệt vời hơn khi phía trong bãi cát trắng mịn màng như một vòng cung nhỏ, giữa nơi chót núi gặp biển, còn có cả suối nước ngọt trong vắt, an lành như một ân sủng của thiên nhiên.

Du khách ra mũi Đại Lãnh

Đất nước bao la, đất nước rộng dài. Ai đã từng mơ bao lần đặt chân đến mũi Cà Mau, đến địa đầu Móng Cái. Vậy sao không mơ một lần đến mũi Đại Lãnh, ngửa mặt về Thái Bình Dương đón ánh bình minh?

Hiếu Ngọc

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang