Dịch vụ đổi tiền lẻ vẫn nở rộ bất chấp mức phạt 40 triệu

author 06:03 27/01/2015

(VietQ.vn) - Dù Ngân hàng Nhà nước đã quy định xử phạt hành vi đổi tiền lẻ với mức 20-40 triệu đồng nhưng tại nhiều nơi, dịch vụ đổi tiền lẻ vẫn hoạt động rầm rộ.

Theo thông tin từ Thời báo Tài chính Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ra chủ trương không phát hành một số loại tiền mới in mệnh giá nhỏ ra lưu thông dịp Tết Nguyên đán để hạn chế dịch vụ đổi tiền lẻ trong hoạt động văn hóa, lễ hội, tín ngưỡng và nhằm tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, NHNN vẫn duy trì dự trữ một lượng tiền mệnh giá nhỏ đủ tiêu chuẩn lưu thông, đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu thanh toán của người dân trong dịp Tết.

Ngân hàng nhà nước sẽ không in thêm tiền lẻ để hạn chế dịch vụ đổi tiền lẻ

Ngân hàng nhà nước sẽ không in thêm tiền lẻ để hạn chế dịch vụ đổi tiền lẻ

Theo tính toán, nếu tiếp tục không đưa tiền mới từ 5.000 đồng trở xuống trong dịp Tết Nguyên đán 2015 sẽ giúp NHNN tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng. Cụ thể, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, từ năm 2013 khi NHNN chủ trương không đưa tờ mệnh giá 500 đồng vào lưu thông, đã tiết kiệm được khoảng 94 tỷ đồng. Năm 2014, việc không đưa thêm tiền 1.000 đồng, 2.000 đồng in mới vào lưu thông dịp Tết cũng tiết kiệm được khoảng 314 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, để hạn chế dịch vụ đổi tiền lẻ trong lĩnh vực tâm linh, gây phản cảm, NHNN chỉ đạo các đơn vị tăng cường kiểm tra, xử lý các hoạt động kinh doanh đổi tiền hưởng chênh lệch theo quy định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Thừa nhận vẫn có hiện tượng các bàn đổi tiền lẻ ở các cổng chùa, lễ hội, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết hành vi đổi tiền lẻ này có thể bị xử phạt từ 20 đến 40 triệu đồng theo Nghị định 96.

Từ sau lệnh xử phạt trên, tuy đã bớt phần công khai nhưng dịch vụ đổi tiền lẻ vẫn nở rộ ở nhiều nơi, đặc biệt là trong thời điểm cuối năm giáp Tết, báo Người Lao Động đưa tin. Đơn cử như phố đổi tiền Đinh Lễ ở Hà Nội lâu nay vẫn hoạt động tấp nập thì mấy ngày gần đây dường như kín đáo hơn. Những phụ nữ hành nghề đổi tiền không đứng túm tụm như trước mà tản ra khắp các góc khuất. Khi thấy khách có vẻ đang kiếm người đổi tiền, họ liền tiến đến hỏi chuyện. Đặc biệt, họ rất cảnh giác với người lạ và ống kính máy ảnh.

Dịch vụ đổi tiền lẻ có thể bị xử phạt tới 40 triệu đồng

Dịch vụ đổi tiền lẻ có thể bị xử phạt tới 40 triệu đồng

Tại chùa Quán Sứ (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) ngày 26/1, tiền lẻ không được bày công khai nhưng nếu khách có nhu cầu đổi tiền đều được đáp ứng ngay lập tức. Phí đổi tiền các mệnh giá 2.000 đồng, 5.000 đồng chưa có dấu hiệu tăng, dao động từ 20% đến 30%. Còn tiền mệnh giá 500 đồng, 1.000 đồng hoàn toàn không có. “Do nhà nước không in thêm tiền nên loại mệnh giá nhỏ hiện rất hiếm, chỉ mối nào đầu cơ lớn may ra còn và giá rất đắt” - một phụ nữ giải thích.

Trong khi đó, tại lối vào phủ Tây Hồ (quận Tây Hồ), hơn chục quầy đổi tiền lẻ vẫn được bày ra công khai, xen kẽ với các dịch vụ viết sớ, bán đồ lễ. Dù vậy, lượng tiền bày trong tủ không nhiều. Các loại tiền mệnh giá từ 2.000 đồng trở lên khá dồi dào, trong khi loại 500 đồng, 1.000 đồng có vẻ khan hiếm. Với lý do ngân hàng siết nguồn cung tiền lẻ nên phí đổi đã tăng lên khoảng 30% đối với mệnh giá 1.000 đồng, 2.000 đồng; thậm chí lên đến 60% với tiền mệnh giá nhỏ hơn. Nhiều quầy cho biết không còn tiền mệnh giá 1.000 đồng, nếu khách cần phải báo trước và giá đổi sẽ đắt.

Dịch vụ đổi tiền lẻ thường hoạt động công khai, rầm rộ ở các chốn linh thiêng

Dịch vụ đổi tiền lẻ thường hoạt động công khai, rầm rộ ở các chốn linh thiêng

Trái ngược với chợ đen, các trang rao vặt trên mạng thông báo có dồi dào nguồn tiền mệnh giá từ 200 đồng trở lên. Với tiền mệnh giá nhỏ thì phí đổi cực đắt. Ví dụ, tờ 200 đồng có phí đổi 95%, 500 đồng phí 70%-80%. Dù mấy năm gần đây, tiền lẻ dần được hạn chế in nhưng tiền các loại mệnh giá nhỏ nguyên seri vẫn được nhiều trang mạng rao đổi với mức phí dao động khá lớn, khoảng 20%-60% cho mệnh giá từ 2.000 đồng đến 10.000 đồng.

Lý giải điều này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: “Ở ngoài vẫn có nơi đổi tiền lẻ mới nguyên seri, nguyên thếp, nguyên bó, có thể do người ta giữ từ lâu rồi. Đó có thể là con số nhỏ và ngoài tầm kiểm soát của ngân hàng”.

Về việc nhân viên ngân hàng tuồn tiền lẻ mới ra thị trường, tiếp tay cho vi phạm, ông Tú khẳng định Ngân hàng Nhà nước đã giao trách nhiệm cho Cục trưởng Cục Phát hành kho quỹ và giám đốc các chi nhánh kiểm soát.

Minh Thùy

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang