Điểm danh các loại thực phẩm chứa độc tố tự nhiên

authorNgọc Nga 10:00 05/12/2021

(VietQ.vn) - Ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên thường có số người mắc thấp nhưng tỷ lệ tử vong lại cao. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận biết được các loại thực phẩm đó.

Thống kê năm 2020, toàn quốc đã ghi nhận 49 vụ ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên trong một số loài thực vật, động vật làm nhiều người mắc, 26 người tử vong. 

Các chuyên gia cho biết, thực phẩm có độc tố tự nhiên là loại thực phẩm bản thân có sẵn các chất độc. Các loại thực phẩm có độc tố tự nhiên được chia làm hai loại gồm: Thực phẩm có nguồn gốc động vật và thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật. Tuy nhiên, tùy loại thực phẩm và lượng tiêu thụ cũng như cách chế biến mà người ăn có thể bị ngộ độc và biểu hiện với các mức độ khác nhau như: Buồn nôn, nôn, rối loạn cảm giác, vận động, co giật, hôn mê hoặc mạch nhanh, tăng hoặc hạ huyết áp, rối loạn nhịp tim, tím tái, khó thở, ngừng thở... Ngộ độc thực phẩm có độc tố tự nhiên thường liên quan đến tính chất địa lý, mùa vụ khai thác, thu hái thực phẩm. Ngộ độc thực phẩm có độc tố tự nhiên có thể gây tử vong nhanh nếu không được cấp cứu kịp thời. Dưới đây là một số thực phẩm chứa độc tố tự nhiên phổ biến nhất: 

Ngộ độc thịt cóc

 Thịt cóc là thực phẩm gây ra nhiều vụ ngộ độc. Ảnh minh họa

Cóc hay được dùng làm thực phẩm bổ dưỡng cho người già; hỗ trợ, tăng cường dinh dưỡng sau ốm dậy; hỗ trợ điều trị trẻ em suy dinh dưỡng, chán ăn, chậm lớn, còi xương, cam tích, lở ngứa… dưới dạng ruốc, bột hoặc thịt tươi dùng để nấu cháo, làm chả cóc... Ngộ độc thực phẩm do độc tố cóc xảy ra do ăn thịt cóc bị nhiễm độc tố (nhựa cóc, gan, mật bị dập nát dính trên thịt cóc) và có trường hợp do ăn gan, trứng cóc. Khi ăn phải chất độc của cóc, sau vài giờ sẽ thấy chóng mặt, quay cuồng, đau như châm chích ở đầu ngón tay, ngón chân, tiếp theo là ói mửa dữ dội, kéo dài, tiêu chảy, đau bụng, nhịp tim đập chậm lại, tuột huyết áp. Phần lớn tử vong do rối loạn dẫn truyền thần kinh tim không hồi phục. Một số trường hợp xuất hiện suy thận cấp, suy gan. Ngộ độc do độc tố cóc tiên lượng rất nặng, tỷ lệ tử vong rất cao nên tốt nhất và an toàn nhất là không ăn cóc và sản phẩm tự chế biến từ cóc.

Mộc nhĩ tươi chứa độc

Mộc nhĩ tươi chứa chất nhạy cảm với ánh sáng - chất Porphyrin. Sau khi ăn, với sự chiếu rọi của ánh nắng mặt trời rất dễ bị viêm da, xuất hiện trạng thái ngứa, chứng phù nề, đau nhức; có người bị phù nề thanh quản sẽ gây nên tình trạng khó thở. Vì vậy chỉ nên ăn mộc nhĩ khô, ngâm trong nước nấu chín kỹ thì mới an toàn.

Ngộ độc nấm

Trên thực tế, có rất nhiều loại nấm: có loại nấm lành và có loại độc. Nấm độc thường có ở rừng bắt đầu vào mùa mưa hoặc nấm dại mọc ở ven đường. Nấm độc được chia làm 2 nhóm: nhóm nấm xuất hiện triệu chứng ngộ độc sớm trước 6 giờ sau khi ăn, điển hình là nấm amanita muscaria, anipantherina, nấm đỏ hay nấm mặt trời. Người bị ngộ độc có triệu chứng buồn nôn, nôn, tiêu chảy, co giật cơ, đau cơ, ảo giác… thường không gây tử vong. Nhóm nấm độc lực cao, gây tử vong cao, điển hình là nấm amanita phalloides, A. ocreata, A. verna...

Mật cá trắm

Mật cá trắm với lời đồn truyền miệng rằng uống sống sẽ tăng cường sức khỏe, và đã có nhiều trường hợp phải đưa đi cấp cứu. Trong mật cá có một chất alcol steroid là 5 a cyprinol, chất này khi vào dạ dày, được hấp thu vào máu đi tới gan, thận, gây ra suy gan và suy thận cấp.

Để phòng ngừa các chất độc tự nhiên này, cần tuyệt đối không ăn, chế biến các loại rau, củ, quả rừng lạ… và chia sẻ thông tin cho mọi người cùng biết để tránh xa các loại củ, quả có chứa độc tố (đặc biệt là trẻ em). Đồng thời, nêu cao cảnh giác, tuyệt đối không sử dụng các loại cây, con vật lạ để ngâm rượu, ăn sống; phơi khô, bảo quản tốt, tránh để các loại hạt ẩm mốc; không ăn những hạt đã bị mốc, thâm đen.

 

Thu Phương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang