'Điền tên các thành viên trong gia đình vào sổ đỏ là bước tiến của cải cách hành chính'

author 11:11 27/11/2017

“Việc điền tên đầy đủ các thành viên trong hộ gia đình không làm phát sinh những vấn nạn rắc rối, ngược lại, điều đó còn nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên khác trong cùng một hộ gia đình”...

PV đã có cuộc trao đổi  với luật sư Phạm Công Út, Đoàn Luật sư TP.HCM.

Theo Thông tư 33/2017/TT-BTNMT có hiệu lực từ ngày 5/12/2017, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) sẽ ghi tên các thành viên trong gia đình cùng sử dụng đất.

Cụ thể, đối với hộ gia đình sử dụng đất sẽ ghi “Hộ gia đình, gồm ông” (hoặc “Hộ gia đình, gồm bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia đình; địa chỉ thường trú của hộ gia đình. Dòng tiếp theo ghi “Cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất (hoặc Cùng sử dụng đất hoặc Cùng sở hữu tài sản) với… (ghi lần lượt họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của những thành viên còn lại trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất)”.

Xung quanh quy định trên, trao đổi với BizLIVE, luật sư Phạm Công Út, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, việc điền thêm tên các thành viên trong gia đình vào sổ đỏ là một bước tiến của quá trình cải cách hành chính nhà nước. Vì tới đây, sổ hộ khẩu sẽ được xóa bỏ để chuyển sang thẻ căn cước công dân. Thẻ này chỉ tích hợp thông tin cá nhân của người đứng tên trên căn cước về địa chỉ thường trú của cá nhân đó, không tích hợp các thành viên cùng thường trú với cá nhân đó.

Luật sư Phạm Công Út, Đoàn Luật sư TP.HCM

Vậy với quyền sử dụng đất nông nghiệp của một hộ gia đình, theo quy định của luật đất đai thì đó là quyền sử dụng chung hợp nhất của các thành viên trong một hộ gia đình; trong đó bao gồm ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, dâu, rể... tất cả được ghi danh chung trong quyển sổ đỏ, điều đó tránh được vấn nạn trong quá trình thi hành án dân sự sai.

Ví dụ, như bán đấu giá đất đối với người có trách nhiệm phải thi hành án nhưng cơ quan thi hành án dân sự không quan tâm đến các thành viên hộ gia đình, làm thiệt hại đến quyền về tài sản của các thành viên khác trong cùng một hộ gia đình.

Mặt khác, khi định đoạt quyền sử dụng đất cũng không tước đoạt quyền của các thành viên khác không thuộc hàng thừa kế thứ nhất, như cháu, chắt, dâu, rể..., mà phải có sự đồng thuận của các thành viên trong cùng hộ gia đình ấy.

Do đó, việc điền tên các thành viên hộ gia đình trong sổ đỏ (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) có hai vấn đề chúng ta cần quan tâm, đó là hộ gia đình có đất và hộ gia đình không có đất.

Hộ gia đình có đất thì có tên các thành viên hộ gia đình trong quyển sổ đỏ. Còn hộ không có đất thì không có sổ đỏ để thể hiện các thành viên trong cùng hộ gia đình, mà sổ hộ khẩu được xoá bỏ thì việc điền tên hay không điền tên trong quyển sổ đỏ không mang ý nghĩa thay thế quyển sổ hộ khẩu.

“Như vậy, trước mắt có thể thấy, việc điền tên đầy đủ các thành viên trong hộ gia đình không làm phát sinh những vấn nạn rắc rối, ngược lại, điều đó còn nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên khác trong cùng một hộ gia đình”, luật sư Phạm Công Út nói.

Còn đối với vấn đề quyền sở hữu đối với tài sản khác là các bất động sản, như căn hộ chung cư... thì người chủ căn hộ không cần phải có các thành viên trong cùng hộ gia đình. Vì căn hộ là tài sản sở hữu chứ không còn quyền sử dụng đất.

Do đó, ai tạo lập một hay nhiều căn hộ chung cư thì không cần phải có các thành viên trong cùng hộ gia đình, mà đó có thể là tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, hoặc quyền sở hữu căn hộ chung của những người góp vốn.

“Do vậy, với quy định mới này sẽ không gây rắc rối gì trong quá trình mua bán, chuyển nhượng nhà, đất, căn hộ chung cư... mà còn có giá trị hữu hiệu trong việc bảo vệ các quyền dân sự về tài sản của mọi công dân”, luật sư Phạm Công Út khẳng định.

Theo DĐĐT

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang