Đồ chơi trung thu: Thử nghiệm nhiều mẫu nghi ngờ chất lượng

author 11:05 27/08/2014

(VietQ.vn) - Qua đợt kiểm tra đột xuất chất lượng đồ chơi trẻ em (ĐCTE), đoàn kiểm tra đã phát hiện nhiều mẫu có nghi ngờ về chất lượng.

 Ngay từ đầu tháng 8, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TĐC) đã có công văn đề nghị Chi Cục TĐC tại các tỉnh, Thành Phố  yêu cầu tập trung kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh nơi phát nguồn hàng chính phục vụ Tết Trung thu năm 2014, kiểm tra các cơ sở sản xuất, nhập khẩu khi ĐCTE lưu thông trên thị trường có vi phạm về chất lượng và nhãn hàng hóa.

Mang thử ghiệm nhiều mẫu đồ chơi trẻ em

TĐC cũng nêu rõ nội dung kiểm tra bao gồm: kiểm tra việc đính nhãn  hàng hóa, dấu hợp quy CR; kiểm tra nội dung và việc thể hiện thông tin cảnh báo về khả năng gây mất an toàn của hàng hóa;  kiểm tra sự phù hợp của hàng hóa với tài liệu kèm theo; kiểm tra các chỉ tiêu về chất lượng; kiểm soát ĐCTE kích động baọ lực không được phép lưu thông trên thị trường...

Nhiều mẫu đồ chơi trẻ em trong dịp trung thu bị nghi ngờ về chất lương đã được đem đi thử nghiệm (ảnh minh họa)

Trong trường hợp có nghi vấn về chất lượng sẽ tiến hành lấy mẫu  theo quy định để thử nghiệm các chỉ tiêu chất lượng tại tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định.

Tới nay, Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã hoàn thành đợt kiểm tra đột xuất chất lượng ĐCTE tại 3 tỉnh Hà Nội, Nam Định và Thái Bình trong 4 ngày (từ 11-15/8).

Theo đó, đối với những hàng hóa ĐCTE không rõ nguồn gốc xuất xứ, đoàn kiểm tra đã yêu cầu hủy ngay tại hiện trường. Nhiều mâu đồ chơi có nghi ngờ về chất lượng cũng đã được lấy mẫu để thử nghiệm. Cụ thể, tại Hà Nội, đoàn kiểm tra đã lấy 1 mẫu búp bê; 1 mẫu robot và con thú đồ chơi vận hành bằng pin; tại Nam Định, Đoàn cũng đã lấy 2 mẫu: xe ô tô và lưới banh nhỏ; tại Thái Bình, đã lấy  mẫu siêu xe antona để thử nghiệm.

Theo ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, tất cả các mẫu ĐCTE trên đang được cơ quan chức năng thử nghiệm và sẽ sớm có kết quả trong thời gian tới. “Đây mới chỉ là đợt kiểm tra đột xuất ĐCTE của Cục còn lại chúng tôi đang chờ báo cáo chi tiết của các chi cục tại địa phương gửi lên”, ông Tuấn cho biết.

Trước đó, báo cáo công tác kiểm tra chất lượng ĐCTE 6 tháng của năm 2014 thông tin kết quả khảo sát tại 8 tỉnh thành phố: Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Lào Cai, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, TPHCM, cho thấy: Trong số 69 mẫu ĐCTE được kiểm tra có 31 mẫu không phù hợp với quy định nhãn hàng hóa.

Ngoài ra cán bộ kiểm tra cũng phát hiện cơ sở còn bày bán thú nhún, bóng gai không nhãn, không dấu hợp quy CR, không hồ sơ hợp quy…đã yêu cầu tiêu hủy.

Đặc biệt, theo báo cáo của Chi cục TĐC tỉnh Tiền Giang, sau khi kiểm tra 2 cơ sở phát hiện 17/34 mẫu hàng hóa không phù hợp quy định. Khi tiến hành lấy 2 mẫu thử nghiệm đều cho kết quả không đạt chất lượng, hàm lượng phthlates vượt mức quy định.

Đoàn kiểm tra đi lại lôi ra bán

Theo ông Trần Quốc Tuấn,  hiện thị trường ĐCTE rất đa dạng, có nhiều chủng loại khác nhau nên việc quản lý chứng nhận hợp quy đối với tất cả các loại đồ chơi rất phức tạp. Tại các thành phố, đồ chơi không tập trung ở một cửa hàng chuyên biệt mà nằm rải rác tại các cửa hàng tạp hóa, văn phòng phẩm…trong khi việc lưu giữ hồ sơ tại các cửa hàng kinh doanh này chưa được thực hiện đầy đủ.

Đồ chơi trẻ em được bày bán tràn lan, khó kiểm soát

Việc ghi nhãn phụ và gắn dấu hợp quy CR không được các cơ sở nhập khẩu nghiêm túc đúng quy định. Thậm chí cơ sở nhập khẩu sau khi được chứng nhận hợp quy không dán nhãn phụ và dấu hợp quy mà chuyển cho cơ sở kinh doanh buôn bán tự dán. Trong khi đó, việc kiểm tra chất lượng ĐCTE báo cáo tình hình kết quả kiểm tra chưa được các Chi cục TĐC chú trọng.

Đáng chú ý khi tiến hành kiểm tra, đoàn kiểm tra không phát hiện những đồ chơi có khả năng gây ngộ độc như báo chí đã phản ánh. Cụ thể những ống nhựa phản quang là đồ chơi Trung Quốc, thú dẻo phát sáng, bình thủy tinh tự thổi… đều không thấy được bày bán tại thời điểm kiểm tra.

“Cơ quan chức năng vẫn có những đợt tổng kiểm tra thường kỳ kết hợp với đột xuất đối với mặt hàng ĐCTE. Tuy nhiên khi có mặt cán bộ thì chủ cửa hàng lập tức cất giấu những đồ chơi nguy hại, chờ sau khi đoàn kiểm tra đi lại bày bán trở lại. Thêm vào đó, đoàn kiểm tra cũng rất khó tiếp cận được các kho chứa hàng đồ chơi của chủ tiệm”, ông Trần Quốc Tuấn bày tỏ.

Ý thức người kinh doanh là vậy, tuy nhiên ý thức của người tiêu dùng cũng chưa được thay đổi nhiều. “Mặc dù đã được cảnh báo về mối nguy hại đồ chơi nhập theo đường tiểu ngạch, không rõ xuất xứ, song vì người tiêu dùng vẫn ham rẻ nên có cầu ắt có cung”, ông Tuấn nói.

Nói về chất lượng ĐCTE  trên thị trường hiện nay, ông Tuấn nêu thực trạng: Đồ chơi trong nước sản xuất, đồ chơi an toàn thường chỉ tập trung tại 2 thành phố là Hà Nội và TPCM. Hơn nữa những loại đồ chơi này vẫn chủ yếu nhắm vào khách hàng thu nhập trung bình khá trở lên. Tại các vùng nông thôn, đồ chơi nhập theo đường tiểu ngạch, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng vẫn chiếm lĩnh thị trường bởi ưu thế mẫu mã đa dạng và giá rẻ.

Hoàng Vũ

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang