Doanh nghiệp an ninh mạng Make in Vietnam - Hành trình tự chủ công nghệ đến vươn ra thế giới

author 13:41 18/02/2025

(VietQ.vn) - Trải qua hơn hai thập kỷ phát triển, doanh nghiệp an ninh mạng của Việt Nam đã chuyển mình từ việc dựa vào giải pháp nước ngoài sang tự chủ công nghệ với dòng sản phẩm “Make in Vietnam”.

Ngày 17/10/2000, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 58-CT/TW với mục tiêu “đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Đây chính là nền tảng đặt ra cho sự phát triển của ngành công nghiệp phần mềm tại Việt Nam, mở đường cho hàng loạt sản phẩm và dịch vụ “Make in Vietnam” ra đời, góp phần định hình quá trình chuyển đổi số của đất nước.

Theo thống kê của Cục An toàn thông tin thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, trong năm 2015, sản phẩm an toàn thông tin của doanh nghiệp nội địa chỉ chiếm 5% tổng chủng loại trên thị trường. Con số này đã tăng vọt lên 91% vào năm 2020 và đạt mức 100% trong năm 2021. Đồng thời, doanh thu từ các sản phẩm nội địa tăng từ 18% năm 2015, 45% năm 2020 lên hơn 50% năm 2021, khẳng định Việt Nam sở hữu hệ sinh thái an ninh mạng tự chủ với tiêu chuẩn quốc tế.

Doanh nghiệp Make in Vietnam làm chủ công nghệ và vươn ra thị trường thế giới. Ảnh minh họa

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Sứ mệnh của an toàn, an ninh mạng Việt Nam là bảo vệ sự thịnh vượng của đất nước trên không gian mạng. Để làm được điều đó, chúng ta cần làm chủ toàn bộ hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng và xây dựng một nền công nghiệp vững mạnh”.

Theo Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) Lê Nam Trung, hiện nay Việt Nam có hơn 45.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, trong đó có 11.200 doanh nghiệp làm phần mềm. Năm 2024, tổng doanh thu ngành ICT dự kiến đạt khoảng 1,16 triệu tỷ đồng (hơn 45,5 tỷ USD), đồng thời, hơn 1.500 doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam đang hoạt động trên trường quốc tế với doanh thu ước tính khoảng 7,5 tỷ USD, trong đó thị trường xuất khẩu chiếm tới 80% tổng doanh thu.

Trong số những doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam, Công ty cổ phần FPT (Tập đoàn FPT) đã khẳng định tên tuổi trong nước và quốc tế, 4 năm liên tiếp kể từ năm 2014, FPT được Hiệp hội quốc tế về Dịch vụ ủy thác chuyên nghiệp (IAOP) bình chọn là một trong 100 nhà cung cấp dịch vụ ủy thác hàng đầu thế giới.

Đến nay, Tập đoàn FPT đã có chi nhánh tại 30 quốc gia. Công ty trách nhiệm hữu hạn Phần mềm FPT (FPT Software) là công ty hàng đầu trong lập trình phần mềm, phân phối và bán lẻ thiết bị công nghệ thông tin, dịch vụ công nghệ thông tin, FPT Software cung cấp sản phẩm cho 700 khách hàng lớn, trong đó có hơn 100 khách hàng là công ty thuộc top 500 tập đoàn hàng đầu thế giới.

Những tên tuổi khác như Công ty phần mềm KMS Technology, TMA Solution, CMC Corporation, Global Cybersoft, MISA, BAP Software... đều đã khẳng định được vị trí trong thị trường phần mềm Việt Nam và vươn ra thế giới. Sản phẩm của những công ty này khá đa dạng, cung cấp cả giải pháp phần mềm đa nền tảng và linh hoạt, phù hợp với các mô hình kinh doanh khác nhau, thậm chí từ phát triển đến bảo trì, triển khai ERP, QA, chuyển đổi ứng dụng, hệ thống nhúng, điện toán di động và điện toán đám mây...

Thị trường phần mềm Việt Nam những năm gần đây đang phát triển ấn tượng, doanh nghiệp nội địa chiếm ưu thế tuyệt đối trên thị trường với các giải pháp quản trị doanh nghiệp nhỏ, các phần mềm ứng dụng đa ngành, phần mềm ứng dụng chuyên ngành, phần mềm ứng dụng cơ bản. Các phần mềm an toàn thông tin, diệt virus, kế toán, trình duyệt của doanh nghiệp nội đã đủ sức cạnh tranh với sản phẩm ngoại.

Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt của thị trường, các doanh nghiệp như Công ty cổ phần IGB và Công ty cổ phần Bóng đèn - Phích nước Rạng Đông đã chọn chiến lược “ngách hẹp”, tập trung phát triển các giải pháp công nghệ phục vụ những lĩnh vực đặc thù như du lịch thông minh, thể thao và chuyển đổi số trong quản lý địa phương. Điều này cho thấy, dù quy mô khác nhau, mỗi doanh nghiệp đều nỗ lực tối ưu hóa sản phẩm, đảm bảo tính bảo mật cao, chi phí hợp lý và khả năng thích ứng với sự thay đổi của thị trường.

Các lãnh đạo doanh nghiệp cũng nhận thức rõ tầm quan trọng của nguồn nhân lực chất lượng. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần FPT Nguyễn Văn Khoa khẳng định: “FPT luôn đặt con người làm trung tâm chiến lược phát triển, đầu tư mạnh mẽ vào đào tạo và phúc lợi, tạo cơ hội thăng tiến cho nhân viên.” Đây chính là yếu tố then chốt giúp các doanh nghiệp “Make in Vietnam” ngày càng vững mạnh và tự chủ hơn.

Mục tiêu đến năm 2025 là tỷ lệ sản phẩm, giải pháp an toàn thông tin nội địa đạt 100%, doanh thu từ sản xuất vượt trên 70% tổng doanh thu, với tốc độ tăng trưởng doanh thu đạt từ 35 - 45% mỗi năm. Đồng thời, Việt Nam dự kiến sẽ trở thành cường quốc an toàn, an ninh mạng, nằm trong nhóm 30 quốc gia hàng đầu toàn cầu về Chỉ số An toàn thông tin (GCI) và top 3 ASEAN.

Ông Nguyễn Thành Phúc - Cục trưởng Cục An toàn thông tin nhấn mạnh: “Muốn phát triển thị trường, tăng số doanh nghiệp, thì phải mở rộng quy mô người dùng, trong đó, người dùng tin cậy, uy tín nhất chính là khối khách hàng Chính phủ, doanh nghiệp”.

Tại Diễn đàn quốc gia về Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI vừa được tổ chức tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm đã gợi mở một số nhiệm vụ trọng tâm đối với ngành và doanh nghiệp công nghệ số trong giai đoạn tới.

Theo đó, doanh nghiệp công nghệ số cần nỗ lực tự cường, tự chủ công nghệ và phát triển công nghệ chiến lược, công nghệ lõi; tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ số; khơi nguồn nhân tài và thu hút chuyên gia công nghệ cao; xây dựng hệ sinh thái công nghệ số bền vững; phát triển kinh tế số và xã hội số; nâng cao năng lực và vị thế cạnh tranh toàn cầu, phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới; thu hút đầu tư và hợp tác quốc tế, thu hút thêm các tổ chức nghiên cứu và sản xuất công nghệ số vào Việt Nam. Mặt khác, các ngành chức năng có cơ chế tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam đưa các sản phẩm công nghệ số của mình ra thị trường quốc tế, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Duy Trinh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang