Doanh nghiệp cải thiện năng suất lao động nhờ Lean Six Sigma

authorHòa Lê 18:08 09/09/2019

(VietQ.vn) - Lean Six Sigma (LSS) là là mô hình quản lý kết hợp giữa Sản xuất tinh gọn và Six Sigma. LSS giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Lean Six Sigma (LSS) là một mô hình quản lý kết hợp có chọn lọc giữa Sản xuất tinh gọn (Lean Manufacturing) và Six Sigma ra đời vào những năm 90. Nó được xem là một xu thế mới trong việc lựa chọn các phương pháp và công cụ cải tiến một cách hữu hiệu nhằm phát huy tốt nhất khả năng nội tại của tổ chức để đồng thời đáp ứng cả ba yêu cầu quan trọng đối với khách hàng: giá cạnh tranh, chất lượng tốt và thời gian giao hàng đúng hạn. Việc áp dụng LSS giúp doanh nghiệp cải tiến và nâng cao năng suất chất lượng.

Đơn cử như tại Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông, nhờ áp dụng thành công các bộ công cụ cải tiến năng suất như Kaizen, 5S, BSC, TPS đặc biệt là Lean Six Sigma, dây chuyền sản xuất phích nước của Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông đã tăng năng suất lên 20%.

Doanh nghiệp cải thiện năng suất lao động nhờ Lean Six Sigma

 Lean Six Sigma giúp nâng cao năng suất chất lượng doanh nghiệp vô cùng hiệu quả. Ảnh minh họa

Phích nước - sản phẩm truyền thống chiếm 20% tổng doanh thu của Công ty Rạng Đông; 60% sản lượng ruột phích được xuất khẩu. Nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, Rạng Đông quyết định áp dụng công cụ cải tiến năng suất và Lean Six Sigma vào dây chuyền sản xuất thủy tinh. Dự án được triển khai từ tháng 12/2017 -12/2018 theo phương pháp DMAIC.

Theo ông Trần Đình Nhu - Quản đốc Phân xưởng phích nước - phân xưởng đặt mục tiêu tăng 20-30% năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm 10%. Đối với sản phẩm ruột phích 2L truyền thống, năng suất lao động phải tăng 15% và giá thành sản phẩm giảm được 5%.

Năng suất lao động tăng từ 103 sản phẩm/ người/ngày lên 129 sản phẩm/người/ngày, tổng lỗi sản phẩm giảm từ 20% xuống còn 10%. Dựa trên các báo cáo, phân tích theo DMAIC, phân xưởng xác định được 5 nút thắt lớn trên dây chuyền sản xuất từ đó đưa ra các giải pháp cải tiến cho phù hợp.

Kết quả là tại nút thắt 1 đã giảm được 3 lao động và tối ưu hóa thời gian thao tác, giảm thời gian chờ trên chuyền; nút thắt 2 và 3 đã chuyển từ cắt thủ công sang cắt tự động, tốc độ dây chuyền tăng và sử dụng lò ly tâm liên tục; nút thắt 4 giảm lượng tồn sản phẩm công đoạn, giảm nứt vỡ, tăng tốc độ dây chuyền, sử dụng băng tải vận chuyển liên tục và giảm được diện tích kho trung chuyển 150 m2; nút thắt 5 đã tăng được năng suất lao động do giảm được 3 lao động/công đoạn. Tổng thể toàn dây chuyền sản xuất trước cải tiến mất 8 bước chờ đợi, 4 bước kiểm tra và 8 bước vận chuyển thì sau cải tiến còn 1 bước chờ đợi, 2 bước kiểm tra và 2 bước vận chuyển.

Đối với sản lượng nhập kho của sản phẩm xuất khẩu trước cải tiến và sau cải tiến đã tăng từ 12.500 lên 17.400 sản phẩm/ngày; sản phẩm dị hình từ 10.500 lên 13.550 sản phẩm/ngày và sản phẩm ruột phích 2L tăng từ 20.600 lên 23.000 sản phẩm/ngày. Năng suất lao động của sản phẩm xuất khẩu tăng từ 136 lên 181 sản phẩm/người/ngày; sản phẩm dị hình từ 114 lên 141sản phẩm/người/ngày và sản phẩm 2L từ 206 lên 230 sản phẩm/người/ngày.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang