Doanh nghiệp cần có trách nhiệm hơn nữa với cộng đồng người tiêu dùng

author 06:46 11/11/2021

(VietQ.vn) - Đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho rằng, các doanh nghiệp cần có trách nhiệm hơn nữa với cộng đồng người tiêu dùng.

Lợi ích song hành cùng nguy cơ

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), thời gian qua, nhiều sàn thương mại điện tử đã thu hút lượng lớn khách hàng và trở thành kênh phân phối quan trọng với nhiều tiện ích. Thế nhưng, bên cạnh bề nổi về thuận lợi vẫn còn những góc khuất tiềm ẩn nhiều rủi ro rình rập đối với người tiêu dùng.

Đơn cử như với sàn thương mại điện tử hay website uy tín thì bao giờ cũng có những quy định rất cụ thể, chi tiết đối với từng mục như giao hàng ra sao, khách hàng có quyền đổi, trả nếu sản phẩm không đúng như chất lượng quảng cáo, phương thức thanh toán… để người tiêu dùng lựa chọn sử dụng. Tuy nhiên, vẫn có không ít sàn thương mại điện tử, website, nhất là những cá nhân bán hàng qua mạng xã hội Facebook, Zalo theo kiểu "treo đầu dê bán thịt chó" khiến không ít trường hợp người tiêu dùng lâm vào tình trạng “dở khóc dở cười”.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam chia sẻ, mặc dù chính sách đồng kiểm khi mua hàng online đã được nhiều đơn vị áp dụng nhưng vẫn có nhiều người tiêu dùng do chủ quan nên đã mua phải hàng kém chất lượng, hàng không đúng như quảng cáo trên mạng.

Mặt khác, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng vi phạm trên môi trường thương mại điện tử cũng ngày càng tinh vi. Do đó, để tránh bị phát hiện, các đối tượng này thường sử dụng hình ảnh thật khi đăng trên mạng nhưng khi sản phẩm khách hàng nhận được lại là hàng giả, hàng nhái.

Cũng chính bởi chưa hiểu hết quyền pháp lý của mình khi thực hiện các giao dịch thương mại điện tử và tâm lý e ngại nên đa số người tiêu dùng đều chấp nhận “mất tiền oan” chứ không phản ánh đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền hay đơn vị bảo vệ quyền lợi của mình.

Ảnh minh họa

Báo cáo thường niên của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cũng cho thấy: Kể từ năm 2017 trở lại đây, phản ánh của người tiêu dùng liên quan đến thương mại điện tử là một trong những nội dung thường xuyên và liên tục, nhất là trong thời gian nhiều địa phương thực hiện giãn cách vừa qua.

Theo đó, một số hành vi bị khiếu nại thường xuyên là thông tin giao dịch của người tiêu dùng bị bên thứ ba lợi dụng để mạo danh giao hàng; không mua được hàng theo giá quảng cáo; bán hàng giả, hàng đã qua sử dụng, hàng không rõ nguồn gốc, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; từ chối, kéo dài thời gian giải quyết khiếu nại.

Doanh nghiệp cần nâng cao trách nhiệm

Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hiện nay các sàn thương mại điện tử đang triển khai nhiều biện pháp, chung tay với lực lượng chức năng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Điển hình như sàn thương mại điện tử Sendo đang sử dụng trí tuệ nhân tạo để sàng lọc những sản phẩm có nguy cơ giả mạo.

Đối với sàn Lazada, bên cạnh việc thực hiện kiểm tra và rà soát liên tục, ngay khi phát hiện hay nhận được cảnh báo về vi phạm liên quan tới hàng nhái, giả…, sàn cũng sẽ xử phạt từ đình chỉ đến đóng cửa vĩnh viễn gian hàng. Tương tự, Shopee sẽ chỉ trả tiền cho người bán khi khách hàng hài lòng với sản phẩm; người mua có thể trả hàng trong vòng 7 ngày và nếu phát hiện người bán vi phạm có thể chủ động báo cáo qua công cụ tương tác…

Về phía các cơ quan chức năng, Bộ Công Thương cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục chỉ đạo Tổng cục Quản lý thị trường và các đơn vị chức năng tập trung tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị, rà soát, đề xuất, sửa đổi, bổ sung các quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Đặc biệt, các nội dung liên quan tới điều kiện thiết lập các website và ứng dụng thương mại điện tử để kinh doanh; minh bạch hóa thông tin sản phẩm, quản lý các mô hình kinh doanh mới, đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian hoặc hỗ trợ cho thương mại điện tử như kho hàng, chuyển phát, thanh toán… Kiểm tra rà soát, phân loại danh sách các website, ứng dụng thương mại điện tử, từ đó đề xuất kế hoạch kiểm tra, xử lý phù hợp, bảo đảm hiệu quả.

Liên quan tới vấn đề trên, ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho rằng, các doanh nghiệp cần có trách nhiệm hơn nữa với cộng đồng người tiêu dùng. Ngoài cung cấp các sản phẩm dịch vụ an toàn, chất lượng tốt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, doanh nghiệp cần có trách nhiệm trong ổn định giá cả cho người tiêu dùng. Đặc biệt, hướng doanh nghiệp tới sản xuất các sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường.

Không chỉ với người tiêu dùng, trong bối cảnh dịch bệnh gây ra nhiều khó khăn, kinh doanh có trách nhiệm chính là giải pháp bền vững cho doanh nghiệp. Để xây dựng cộng đồng có trách nhiệm hướng tới phát triển bền vững, doanh nghiệp cần thực hiện kinh doanh lành mạnh, khẳng định và xây dựng vai trò trung tâm của người tiêu dùng trong tôn chỉ hoạt động, không xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng.

Với người tiêu dùng, theo ông Tuấn, cần thường xuyên tìm hiểu các kiến thức và kỹ năng tiêu dùng phù hợp; thúc đẩy và tham gia có trách nhiệm với các hành vi tiêu dùng bền vững; thông tin tố cáo tới các cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng về các hành vi vi phạm.

Phong Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang