Doanh nghiệp dệt may – da giày nỗ lực vượt khó trong dịch bệnh

author 17:01 24/09/2021

(VietQ.vn) - Giới chuyên gia nhận định, các doanh nghiệp được trở lại sản xuất sớm ngày nào sẽ tốt ngày đó, bởi sẽ giúp doanh nghiệp có dòng tiền để trang trải các chi phí, kêu gọi người lao động trở lại làm việc, chạy đua để hoàn thành các đơn hàng bị chậm muộn, giữ chân được khách hàng để có hợp đồng mới.

Thực tế thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều doanh nghiệp ngành dệt may – da giày chưa thể mở lại sản xuất, hoặc mở lại cầm chừng. Tình trạng thiếu nguyên liệu, thiếu nhân lực sản xuất gây nên việc chậm đơn hàng và khách hàng buộc phải chuyển đơn hàng sang các quốc gia khác. 

Doanh nghiệp những ngành hàng tỷ USD như dệt may, da giày chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh. Ảnh minh họa. 

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, doanh nghiệp những ngành hàng tỷ USD như dệt may, da giày đã mất nhiều thời gian để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngay tại thị trường trong nước, các doanh nghiệp cũng là những mắt xích trong một chuỗi cung ứng, có doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu nguyên phụ liệu, có doanh nghiệp may gia công, có doanh nghiệp hoàn thiện sản phẩm…

Tuy nhiên, những quy định phòng chống dịch chặt chẽ và thậm chí thiếu nhất quán của các địa phương, đặc biệt là các doanh nghiệp phía nam đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 đang khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Đơn cử, doanh nghiệp ngành may phải có nguyên liệu mới sản xuất được. Nhưng những quy định về vận chuyển hàng hóa giữa các địa phương khiến nhiều doanh nghiệp nguyên liệu không thể xuất hàng đến các doanh nghiệp may mặc ở địa phương khác, dẫn đến doanh nghiệp phải đóng cửa. Ngược lại, những quy định về “3 tại chỗ” khiến doanh nghiệp may mặc phải giảm công suất, giảm lượng mua nguyên phụ liệu, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nguyên phụ liệu.

“Tính trung bình, 19 tỉnh, thành phố phía nam áp dụng Chỉ thị 16 chiếm 45% giá trị xuất khẩu của cả nước, tương đương với khoảng 9.000 tỷ đồng xuất khẩu mỗi ngày. Dịch bệnh đã khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải đóng cửa. Nếu tiếp tục “đóng băng” nền kinh tế, sẽ đến lúc gần như tất cả các doanh nghiệp phải dừng sản xuất thì thiệt hại là hết sức lớn”, ông Hải chỉ rõ.

Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn, tái sản xuất, thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp đều cho rằng, vaccine phòng Covid-19 vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu. Những nỗ lực của Chính phủ trong thực hiện ngoại giao vaccine và nỗ lực mua thêm vaccine mới đang nhận được sự kỳ vọng lớn của doanh nghiệp. Đại diện các doanh nghiệp cho rằng, nên ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động các ngành nghề xuất khẩu tỷ USD này để tạo điều kiện tái sản xuất, tái mở cửa nền kinh tế.

Ngoài ra, ông Hải cho rằng, nếu chỉ xét riêng về xuất khẩu, rõ ràng, thị trường hiện nay không có biến động gì. Sức mua của thị trường thế giới vẫn ổn định, thậm chí các nước đang tích cực nhập hàng để phục vụ cho mùa mua sắm cuối năm. Do vậy, các doanh nghiệp được trở lại sản xuất sớm ngày nào sẽ tốt ngày đó, giúp doanh nghiệp có dòng tiền để trang trải các chi phí, kêu gọi người lao động trở lại làm việc, chạy đua để hoàn thành các đơn hàng bị chậm muộn, giữ chân được khách hàng để có hợp đồng mới. 

Việt Nam đã thiết lập được một vị trí tương đối trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là với các mặt hàng như điện tử, điện thoại, dệt may, da giầy, đồ gỗ... Do đó, các chính sách phòng chống dịch của các địa phương cần được điều chỉnh để có sự nhất quán, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nắm bắt thời cơ trong những tháng cuối năm.

Mai Phương

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang