Doanh nghiệp dệt may băn khoăn về cách tiếp cận vaccine cho người lao động

author 15:58 11/06/2021

(VietQ.vn) - Các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp dệt may nói riêng đang rất bối rối về cách tiếp cận vaccine cho người lao động, khi họ nhận được thông báo lập và báo danh sách nhân viên, người lao động đăng ký tiêm vaccine phòng dịch bệnh Covid-19.

Bà Hoàng Ngọc Ánh - Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) cho biết, hiện doanh nghiệp dệt may đang rất bối rối về cách tiếp cận vaccine phòng dịch bệnh Covid-19 cho người lao động. 

 Doanh nghiệp dệt may đang bối rối về cách tiếp cận vaccine phòng dịch bệnh Covid-19 cho người lao động

Nguyên do là việc cấp thông báo/yêu cầu đăng ký ở mỗi địa phương lại khác nhau: một số nơi là UBND huyện, một số nơi là Liên đoàn Lao động huyện, có nơi lại là Sở Công Thương, hoặc Liên đoàn Lao động cấp tỉnh,…

Về nguồn cung cấp vaccine, có nơi, Liên đoàn Lao động cấp huyện vừa hướng dẫn công đoàn cơ sở liên hệ mua trực tiếp từ các đơn vị có chức năng nhập khẩu vaccine (tức 36 doanh nghiệp theo danh sách Chính phủ đã công bố), vừa yêu cầu lập danh sách người lao động có nhu cầu tiêm vaccine nộp về cho Liên đoàn Lao động cấp huyện.

Về chi phí, có nơi trong thông báo không đề cập đến chi phí (như tỉnh Quảng Ninh), có nơi nêu chi phí mà doanh nghiệp/người lao động phải đóng là 400.000đ/2 mũi/người (như tỉnh Đồng Nai) hoặc 350.000đ/2 mũi/người (huyện Thường Tín, Hà Nội). Trong khi đó, Chính phủ vừa tuyên bố sẽ tiêm vaccine miễn phí toàn dân, vừa kêu gọi doanh nghiệp chung tay.

"Chính sự không thống nhất trên đã khiến cho doanh nghiệp dệt may rất bối rối trong việc tiếp cận vaccine phòng dịch bệnh Covid-19 cho người lao động" - bà Hoàng Ngọc Ánh chia sẻ.

Bà Hoàng Ngọc Ánh cũng cho biết, ngày 9/6/2021, Hiệp hội May mặc và giày dép Hoa Kỳ (AAFA) đã gửi thư tới chính quyền Tổng thống Biden kêu gọi chia sẻ vaccine tới các quốc gia đối tác chính trong chuỗi cung ứng dệt may và giày dép của Hoa Kỳ, trong đó có Việt Nam.

Bức thư nêu rõ, các quốc gia này đang đối mặt với một đợt gia tăng mới về trường hợp Covid-19 có nguy cơ làm chệch hướng sự phục hồi kinh tế và sẽ có tác động bất lợi đến sự phục hồi hoàn toàn của nền kinh tế Hoa Kỳ. Những nỗ lực của chính quyền Tổng thống Joe Biden đã cứu sống vô số người ở Hoa Kỳ và đã đến lúc mở rộng đến các quốc gia đối tác. Điểm mấu chốt  4 triệu lao động và nhân sự trong ngành may mặc và giày dép của Hoa Kỳ đang phụ thuộc trực tiếp vào các nhà cung cấp từ các quốc gia này trong đó có Việt Nam.

Hiệp hội Dệt May Việt Nam đánh giá cao sự hỗ trợ của Liên minh các Hiệp hội tại Hoa Kỳ đã có kiến nghị tới Tổng thống Biden nhằm thúc đẩy việc tiêm phòng vaccine đẩy lùi Covid-19.

Trước đó, trong tháng 5/2021, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) phối hợp cùng Hiệp hội da giày Việt Nam (LEFASO) cũng đã gửi công văn đến các tổ chức quốc tế và nhãn hàng tại Hoa Kỳ kêu gọi sự hỗ trợ hợp tác vaccine phòng dịch bệnh Covid-19- bà Hoàng Ngọc Ánh cho hay.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang