Doanh nghiệp đua nhau báo lỗ

author 14:41 27/11/2012

(VietQ.vn) – Báo cáo tài chính quý 3/2012 nhiều doanh nghiệp (DN) gửi lên Ủy ban chứng khoán nhà nước và các Sở giao dịch chứng khoán mới đây cho thấy, nhiều DN thừa nhận kế hoạch kinh doanh thất bại.

Bất động sản cũng là một trong lĩnh vực nhiều DN báo lỗ. Ảnh minh họa

Mới đây, Công ty cổ phần Tập đoàn Nhựa Đông Á (mã DAG) có văn bản gửi Ủy ban chứng khoán nhà nước và Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM nhằm giải trình nguyên nhân kết quả kinh doanh lỗ của công ty mẹ tăng trong quý 3/2012 so với cùng kỳ năm 2011.

Theo DAG, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ quý 3/2012 đạt 2.189.819.685 đồng (cùng kỳ quý 3/2011 đạt 1.713.539.852 đồng), việc tăng lỗ trong kỳ của Công ty mẹ là do tỷ lệ lãi gộp trong quý 3 là 4%, trong khi đó quý 3/2011 tỷ lệ lãi gộp là 13%.

Theo lý giải của DAG, nguyên nhân là thời gian qua tình hình kinh tế khó khăn, doanh thu của tập đoàn chủ yếu là bán cho các công ty con thành viên. Đồng thời, để tăng tính cạnh tranh và giảm lượng hàng tồn nên tập đoàn bán cho các công ty thành viên với tỷ lệ doanh thu bằng giá vốn. Mặt khác, do tăng giá nguyên liệu đầu vào tăng lên trong thời gian qua nên dẫn tới nguyên nhân lỗ của tập đoàn trong quý 3/2012 tăng so với cùng kỳ.

Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Bưu điện (PTC) vừa lấy ý kiến bằng văn bản của đại hội đồng cổ đông về việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2012, điều chỉnh lợi nhuận từ lãi 12,49 tỷ đồng (thông qua hồi đầu năm) chuyển thành lỗ 23 tỷ đồng. Trong trường hợp PTC bán được toàn bộ tài sản gắn liền với đất thuê tại khu Ngọc Liệp, Quốc Oai, Hà Nội, số lỗ sẽ còn là 17,48 tỷ đồng.

Thực tế, việc PTC xin điều chỉnh lợi nhuận từ lãi sang lỗ không còn là điều bất ngờ bởi trong quý 1 và quý 2/2012, PTC đều đã thua lỗ, tương ứng là -3,6 tỷ và 24,2 tỷ đồng.

Trong quý 3/2012, PTC cũng đã thông báo lỗ gần 400 triệu đồng, nâng mức lỗ lũy kế 9 tháng lên hơn 28 tỷ đồng. Việc kiếm được số lợi nhuận đủ bù đắp cho số lỗ trong 3 quý đầu năm là gần như không thể bởi DN này vẫn chưa thoát ra được khỏi khó khăn chung của ngành xây dựng, cho dù PTC là xây dựng chuyên ngành bưu điện.

Nhìn lại 24 quý kể từ quý 4/2006 cho tới nay, kết quả kinh doanh của PTC khá khiêm tốn, với phần nhiều là lỗ và lãi 1-2 tỷ đồng. Hai quý lãi cao nhất cũng chỉ 9,8 tỷ (quý 4/2006) và 8,2 tỷ đồng (quý 3/2011). Dù không bất ngờ với kế hoạch đề xuất điều chỉnh nhưng cổ đông PTC vẫn thất vọng và phản ứng quyết liệt và bác bỏ kế hoạch kinh doanh điều chỉnh.

Tương tự, một DN trong lĩnh vực nhà ở và bất động sản đó là Công ty cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức (mã chứng khoán TDH) cho biết: doanh thu thuần bàn hàng và cung cấp dịch vụ quý 3/2012 của công ty đạt 18,4 tỷ đồng, giảm 9,3 tỷ đồng, giảm 33,5% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp đạt 8,3 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế đạt 2,6 triệu đồng (so với cùng kỳ năm trước lỗ 5,8 tỷ đồng).

Mặc dù chi phí tài chính giảm 39,8% từ 14,3 tỷ đồng (quý 3/2011) xuống còn 8,6 tỷ đồng trong quý 3/2012. Chi phí hoạt động giảm, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm từ 7 tỷ đồng (quý 3/2011) xuống còn 4,9 tỷ đồng (quý 3/2012)… Tuy nhiên, theo TDH nguyên nhân chủ yếu do: thị trường bất động sản trì trệ, sản phẩm tiêu thụ chậm nên doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ quý 3/2012 của công ty chỉ đạt 18,4 tỷ đồng.

Ngoài các công ty kể trên, hàng loạt DN công bố phương án điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2012 như PDR (giảm 94% kế hoạch lợi nhuận từ 50 tỷ đồng xuống chỉ còn 3 tỷ đồng), PVV (giảm 95% kế hoạch lợi nhuận từ 40 tỷ đồng xuống vỏn vẹn 2 tỷ đồng); TKC (lợi nhuận sau thuế giảm từ 12 tỷ xuống còn 1 tỷ); PV2 (giảm 94% kế hoạch lợi nhuận)…

Có thể thấy, năm 2012, đa phần các DN vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn nên tình trạng DN thay nhau báo lỗ, xin được điều chỉnh rút chỉ tiêu lợi nhuận năm xuống... là không tránh khỏi. Tuy nhiên, thực trạng này đặt ra yêu cầu DN phải tái cấu trúc mạnh mẽ hơn.

Quản lý tốt chi phí, DN bánh kẹo tăng lợi nhuận

Bên cạnh những DN công bố lỗ thì cũng có những DN cũng tạo ấn tượng khi lợi nhuận tăng.

Trong phần giải trình cho báo cáo tài chính hợp nhất của công ty cổ phần Bibica (Mã: BBC) cho thấy: lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) quý 3/2012 so với quý 3/2011 tăng hơn 3 tỷ đồng (tương ứng 25%). Theo BBC cho biết tỷ lệ chi phí bán hàng/doanh thu thuần giảm 3% là nguyên nhân chính dẫn đến lợi nhuận của tăng. Cụ thể: BBC đã giảm chi phí trade marketing, giảm số lượng nhân viên bán hàng, đồng thời tăng độ phủ hàng trên các shop, tổ chức bán hàng commando cho tất cả các CBCNV khu vực văn phòng và đội ngũ nhân viên bán hàng tham gia....

Ngoài ra, trong quý 3/2012, BBC đã tung dòng sản phẩm mới bánh Hura Pie ra thị trường – đã mang đến lợi nhuận cho công ty con, góp phần làm tăng lợi nhuận của công ty. BBC mới đây đã công bố bảng giá bánh kẹo, sản phẩm phục vụ tết năm 2013 với giá giao động từ 18.400 đồng/hộp đến 162.000 đồng/hộp; và sẽ tung ra thị trường khoảng 1.200 tấn bánh kẹo, tăng 15% so với mùa tết năm trước.

Còn theo giải trình chênh lệch lợi nhuận của công ty cổ phần Kinh đô (Mã chứng khoán KDC) gửi Ủy ban chứng khoán nhà nước cho thấy: lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý 3/2012 đạt 318 tỷ đồng, tăng 42,8% so với năm ngoái do được ảnh hưởng tốt từ biên lợi nhuận gộp cao hơn, hiệu quả hoạt động tốt và chi phí lãi vay giảm. Biên lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cũng vì thế mà tăng lên từ 14,6% lên 19,1%. Về doanh thu quý 3 có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn 6 tháng đầu năm cộng với việc tập trung cải thiện hiệu quả hoạt động và phát triển các sản phẩm có biên lợi nhuận tốt đã giúp công ty đạt lợi nhuận khả quan. Theo KDC, tỷ lệ chi phí bán hàng, quảng cáo và quản lý doanh nghiệp trên doanh thu tiếp tục giảm qua từng quý nhờ việc soát tốt chi phí (quý 1/2012 là 33,45%, quý 2/2012: 31,75% và quý 3/2012 là 27,9%).

Bên cạnh đó sự góp mặt của mùa vụ bánh trung thu (tăng 13%) và kem (tăng 31%) những dòng sản phẩm có biên lợi nhuận cao đã giúp biên lợi nhuận gộp của toàn KDC khá ấn tượng.

KDC cho biết, lợi nhuận sẽ tiếp tục ổn định đến cuối năm. Mùa Tết cổ truyền năm nay, KDC dự kiến đưa ra thị trường hơn 3.800 tấn bánh kẹo các loại, tăng 20% sản lượng, với cam kết sẽ giữ giá bán để làm yên tâm người tiêu dùng.

Dù cho giá bán không tăng, nếu sản lượng dự kiến được tiêu thụ hết, cùng với việc quản lý chặt chi phí bán hàng, chi phí lãi vay.... tốt như trong quý III, các doanh nghiệp ngành bánh kẹo hẵn sẽ có vị ngọt trong năm 2012 đầy khó khăn này.

Đức Thắng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang