Doanh nghiệp gỗ hoạt động cầm chừng, xuất khẩu gỗ liên tục giảm sút

author 06:11 16/09/2021

(VietQ.vn) - Tác động của tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp khiến giá trị xuất khẩu gỗ giảm mạnh, dự đoán sẽ tiếp tục giảm trong những tháng cuối năm.

Giá trị xuất khẩu gỗ trong tháng 8 giảm mạnh, ước tính đạt 824 triệu USD, giảm 35% so với tháng trước đó và giảm 27% so với cùng kỳ năm 2020. Dự báo trong những tháng cuối năm, giá trị xuất khẩu sẽ tiếp tục giảm nếu tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.

 Xuất khẩu gỗ sụt giảm mạnh trong thời gian gần đây - Ảnh minh họa

Nguyên nhân chủ yếu khiến ngành gỗ đi xuống là do sự bùng phát lần thứ tư của đại dịch Covid-19, đặc biệt là ở các tỉnh phía Nam - nơi tập trung khoảng 70% doanh nghiệp chế biến gỗ.

Theo báo cáo của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, khoảng hơn 50% doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tại các tỉnh phía Nam phải ngừng hoạt động. Những doanh nghiệp còn hoạt động "3 tại chỗ" hoặc theo phương thức khác cũng chỉ duy trì được khoảng 50 - 60% số lao động; công suất giảm gần một nửa so với điều kiện bình thường.

Bên cạnh đó, giá cước vận tải đường biển và thuê container tăng cao gấp nhiều lần trong thời gian gần đây khiến việc xuất khẩu trở nên khó khăn hơn. Điển hình giá cước vận tải tới các cảng bờ phía Đông nước Mỹ đã lên tới 18.000 - 20.000 USD/container.

Theo Hiệp hội gỗ Bình Định, các doanh nghiệp chế biến gỗ đang gặp hàng loạt vấn đề như thiếu nguyên phụ liệu, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, thiếu nhân công, vận chuyển khó khăn, giá cước vận tải biển cao,... Ngoài ra, áp lực chi phí lãi vay ngân hàng cũng là vấn đề khiến các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ chật vật. 

Với những khó khăn trên, hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp không hoàn thành các đơn hàng đã nhận, hoặc phải giãn thời gian giao hàng. Nếu tình hình không được cải thiện, doanh nghiệp ngành gỗ có thể phải đối diện với nguy cơ mất khách hàng, mất các thị trường chiến lược và mất khả năng tham gia hiệu quả vào các chuỗi cung ứng sản phẩm gỗ đã có uy tín trên thị trường thế giới trong nhiều năm qua.

Tháo gỡ khó khăn cho ngành gỗ

Để có thể duy trì sản xuất, các doanh nghiệp gỗ tại Bình Định đang phải áp dụng "3 tại chỗ". UBND tỉnh Bình Định cũng đã có những chính sách ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân tại các nhà máy, xí nghiệp, để đảm bảo doanh nghiệp có thể vận hành trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Có thể thấy các doanh nghiệp gỗ ở Bình Định về cơ bản đã được tạo điều kiện để tiếp cận vaccine. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp tại các địa phương khác vẫn đang loay hoay để có thể tiêm vaccine. 

Thời gian tới, Tổng cục Lâm nghiệp xác định tiếp tục phối hợp nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, kịp thời tham mưu xử lý, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ngành gỗ.

“Tiếp tục phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong việc thực thi các quy định pháp luật để được xem xét, xử lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, kịp thời phát hiện và thông báo đến các cơ quan quản lý nhà nước để xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại…”, lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp nhấn mạnh.

Đồng thời, đề nghị Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm.

"Hiệp hội cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn họp với Hiệp hội Logistic Việt Nam để bàn về giải pháp giảm giá tàu. Đây là cái cốt lõi để đảm bảo lưu thông chống bị gián đoạn. Các ngành hàng cần làm việc với Ngân hàng nhà nước để bàn về cơ cấu thời hạn trả nợ, phí tín dụng và giữ nguyên nhóm nợ cho một số doanh nghiệp. Vấn đề nữa là tháo gỡ về lao động và chuyên gia. Giữ chân được lao động rất khó, đến quý IV hồi phục hơn thì tuyển lại lao động vô cùng khó hơn", ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường Nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho hay.

 Phương Dung (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang