Doanh nghiệp gỗ sáng tạo để tồn tại giữa đại dịch Covid-19

author 20:11 20/04/2020

(VietQ.vn) - Trong bối cảnh đại dịch đang hoành hành, cộng đồng doanh nghiệp gỗ hết sức nỗ lực, cố gắng duy trì phần nào hoạt động sản xuất kinh doanh, để giảm thiểu tác động của dịch tới hoạt động của doanh nghiệp. Đồng thời bắt đầu thực hiện các sáng kiến để tồn tại và chuẩn bị quay trở lại sau dịch.

Ngành gỗ chịu tác động từ Covid-19

Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (dịch Covid-19) diễn biến phức tạp, như một cú “sốc” lớn đối với nền kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Và ngành gỗ cũng là một trong những ngành hứng chịu tác động từ đại dịch này. Năm 2020, ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản 12,5 tỷ USD. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, “bão” Covid-19 đã tác động mạnh đến ngành gỗ và chế biến gỗ Việt Nam ở cả chiều xuất khẩu và nhập khẩu.

 
Theo số liệu từ Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, 2 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam có xu hướng giảm tại các thị trường: Anh (-13%), Hàn Quốc (-6%), Hà Lan (-23%), Úc (-13%)… Còn việc nhập khẩu gỗ cũng giảm 11,1% so với năm 2019 do dịch Covid-19 khiến một số doanh nghiệp thận trọng trong việc nhập nguyên liệu do sợ xuất khẩu gặp khó khăn.
 

Đồng thời, dịch bệnh đã làm cho toàn bộ hệ thống phân phối đồ gỗ theo cách truyền thống (qua kênh các cửa hàng) – kênh chủ yếu về tiêu thụ đồ gỗ tại thị trường nội địa dừng hoạt động. Điều này làm sụt giảm sức mua tại thị trường nội địa.

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản gỗ Việt Nam dự báo năm 2020, có thể lần đầu tiên trong vòng gần 10 năm qua, ngành gỗ sẽ không có tăng trưởng. Theo ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội, các thị trường trọng điểm xuất khẩu của Việt Nam: Mỹ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật… hiện dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng mạnh đến khả năng nhận hàng, phân phối và tiêu thụ đồ gỗ tại các thị trường này. Một số khách hàng đề nghị chậm giao hàng theo đơn hàng đã ký, chậm thanh toán tiền hàng vì nhân viên phải nghỉ tránh dịch bệnh. Dự kiến để ký đơn hàng mới sẽ chậm từ 3 - 6 tháng do lo ngại dịch bệnh, khách hàng chưa sang.

Sáng tạo để tồn tại

Trong bối cảnh đại dịch đang hoành hành, cộng đồng doanh nghiệp gỗ hết sức nỗ lực, cố gắng duy trì phần nào hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm thiểu tác động của dịch tới hoạt động của doanh nghiệp. Cộng đồng doanh nghiệp bắt đầu thực hiện các sáng kiến để tồn tại và chuẩn bị quay trở lại sau dịch.

Cộng đồng doanh nghiệp bắt đầu thực hiện các sáng kiến để tồn tại và chuẩn bị quay trở lại sau dịch. Ảnh minh họa. 

Cụ thể, một số cơ sở kinh doanh hộ gia đình tại các làng nghề, với sản phẩm phục vụ thị trường nội địa, bắt đầu chuyển đổi sang hình thức bán hàng online. Hiệp hội gỗ Đồng Kỵ đã thành lập nhóm trên zalo, viber và facebook, bao gồm các hộ gia đình sản xuất, hộ chuyên làm thương mại và hộ cung cấp nguyên liệu đầu vào, với ít nhất 179 thành viên đang tham gia vào các nhóm bán hàng này. Các thành viên trong nhóm thường xuyên chia sẻ mặt hàng mà hộ mình làm ra, chào giá bán trên nhóm và nhờ các thành viên trong nhóm kết nối với người mua có nhu cầu.

Bên cạnh đó, một số cơ sở sản xuất chuyển đổi cơ cấu mặt hàng, sản xuất mặt hàng thay thế các mặt hàng trước đó được nhập khẩu. Việc đứt gãy các chuỗi cung, bao gồm cả chuỗi cung nhập khẩu mặt hàng gỗ từ nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc vào Việt Nam phục vụ tiêu dùng nội địa đã tạo ra khoảng trống tại thị trường nội địa. Một số cơ sở sản xuất, bao gồm các hộ tại làng nghề, nắm bắt cơ hội thị trường này, thực hiện chuyển đổi cơ cấu dòng sản phẩm của mình, nhằm sản xuất ra các sản phẩm lấp chỗ trống thị trường trong nước.

Nhiều doanh nghiệp tranh thủ cơ hội trong giai đoạn giảm quy mô hoạt động để tổ chức lại quy mô và năng lực sản xuất, nâng cao tay nghề cho công nhân, nâng cao năng suất lao động, sẵn sàng chuẩn bị cho các hoạt động sau dịch. Hiện nhiều doanh nghiệp và một số Hiệp hội đang tích cực thực hiện các hoạt động chuẩn bị về nguyên, vật liệu, tổ chức sản xuất, sẵn sàng cho việc quay lại sản xuất kinh doanh ngay sau khi đại dịch chấm dứt.

Tuy nhiên, theo Tổ chức Forest Trends việc phát triển thị trường nội địa đòi hỏi Chính phủ và các doanh nghiệp cần có cách hiểu chính xác về thực trạng và vai trò của thị trường nội địa, xu hướng cung – cầu tại thị trường này, mối tương quan giữa thị trường này và thị trường xuất khẩu. Nghiên cứu về thị trường nội địa cần được thực hiện để tìm hiểu về cách khía cạnh này, từ đó giúp cho việc hình thành cơ chế chính sách phù hợp để phát triển thị trường. Chính phủ cũng nên dành sự quan tâm xứng đáng cho các cơ sở chế biến quy mô nhỏ, hộ gia đình, đặc biệt là hệ thống các làng nghề gỗ trong cả nước, bởi đây là nhóm dễ bị tổn thương nhất.

Vì vậy, Tổ chức Forest Trends cho rằng, để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia phát triển thị trường nội địa, Chính phủ cần đóng vai trò dẫn dắt. Việc Chính phủ yêu cầu các sản phẩm gỗ theo hình thức đấu thầu trong mua sắm công phải đảm bảo tính hợp pháp có thể là bước khởi đầu tốt để khuyến khích doanh nghiệp tham gia thị trường này.

Đồng thời, Chính phủ nên tạo điều kiện ưu tiên cho các doanh nghiệp tham gia cung cấp các sản phẩm gỗ hợp pháp, đặc biệt là các sản phẩm có nguồn gốc từ gỗ rừng trồng của hộ gia đình, được sơ chế thông qua các xưởng xẻ quy mô hộ gia đình tại các vùng gỗ nguyên liệu rừng trồng.

Ứng phó dịch Covid-19, ngành gỗ tăng cường liên kết chuỗi, cơ cấu lại sản phẩm xuất khẩu(VietQ.vn) - Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, tác động bất lợi khiến ngành chế biến và xuất khẩu gỗ đang ngừng trệ. Để ứng phó, doanh nghiệp ngành gỗ cần tăng cường liên kết chuỗi, giảm chi phí, cơ cấu lại sản phẩm xuất khẩu.

Lê Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang