Doanh nghiệp KHCN sẽ được tháo nút thắt

author 10:23 28/03/2014

(VietQ.vn) - Thời gian qua, các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã ra hàng loạt chính sách nhằm hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp KHCN, tháo nút thắt đã tồn tại bấy lâu nay...

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Hàng loạt các sửa đổi về cơ chế chính sách như Chương trình hỗ trợ các tổ chức KH&CN chuyển sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, hình thành các doanh nghiệp KH-CN; Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp đã quy định doanh nghiệp có thể trích tối đa 10% lợi nhuận trước thuế để đầu tư cho KH&CN thông qua quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp… là những hoạt động tích cực để tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp.

Doanh nghiệp KH&CN là loại hình doanh nghiệp ứng dụng thành công các hoạt động nghiên cứu của chính họ hoặc những kết quả nghiên cứu từ các viện nghiên cứu, các trường đại học, thậm chí là chuyển giao từ nước ngoài mà họ được quyền sở hữu và sử dụng hợp pháp. Đây chính là những doanh nghiệp đã kết nối được với các nhà khoa học, có tốc độ tăng trưởng rất nhanh và giá trị gia tăng lớn. Đặc biệt là họ có đóng góp rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, bởi sự phát triển rất ổn định và bền vững, nhất là ở thời điểm có khủng hoảng kinh tế hoặc những khó khăn khác.

Viettel là một DN điển hình trong việc đầu tư và thu lợi nhuận từ KHCN.

Cho đến nay có khoảng 2.000 doanh nghiệp Việt Nam thuộc nhóm đối tượng này, đáp ứng được các tiêu chí về doanh nghiệp KH&CN. Tuy nhiên, do nhiều khó khăn, vướng mắc khác nhau, chỉ mới có chưa đến 200 doanh nghiệp chính thức được công nhận, cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN. Lý do là còn nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận được những chính sách ưu đãi của Chính phủ, cũng như chưa có đủ thông tin về mô hình hoạt động này. Bên cạnh đó, thủ tục hành chính còn rất nhiều vướng mắc, nhất là ở địa phương, nên việc cấp giấy chứng nhận còn hạn chế.

Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi dành cho các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển khoa học công nghệ như đặt hàng cho doanh nghiệp nghiên cứu các đề tài khoa học để tạo ra những sản phẩm thiết thực cho đời sống xã hội, hỗ trợ nhập khẩu công nghệ nguồn, công nghệ cao... Bên cạnh đó cũng có không ít quy định cứng trong các văn bản pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư cho KHCN.

Song, số doanh nghiệp chú trọng đầu tư cho KH&CN hiện tại không nhiều. Mặc dù đã xác định năng suất, chất lượng là chìa khóa của hội nhập nhưng thực tế việc đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp còn diễn ra chậm.

Được biết, Bộ KH&CN đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ các tổ chức KH&CN chuyển sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, hình thành các doanh nghiệp KH&CN. Chương trình sẽ được khởi động từ năm 2014 này. Theo đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ cho các tổ chức tổ chức KH&CN, tức là các viện, trung tâm nghiên cứu, các trường đại học khi có kết quả nghiên cứu thì chuyển ngay sang thành lập các doanh nghiệp trực thuộc mình, hoặc chuyển đổi chính các tổ chức ấy thành doanh nghiệp KH&CN, nhằm thương mại hóa, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào đời sống kinh tế - xã hội.

Bộ KH&CN cũng đã xây dựng các chương trình, dự án hợp tác quốc tế nhằm tìm các nguồn lực hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi này. Chính phủ đặt yêu cầu đến năm 2020, Việt Nam phải có 5.000 doanh nghiệp KH&CN.

Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp đã quy định doanh nghiệp có thể trích tối đa 10% lợi nhuận trước thuế để đầu tư cho KH&CN thông qua quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp. Nhưng do chưa có chế tài, cũng như quy định về mức sàn nên rất nhiều năm qua hầu như các doanh nghiệp đều không thực hiện. Nay Luật KH&CN 2013 và nghị định hướng dẫn thực hiện luật đang được trình Chính phủ đã có quy định rõ, doanh nghiệp phải trích tối thiểu từ 1% và mức trần là 10% lợi nhuận trước thuế. Sẽ có sự phân loại theo loại hình doanh nghiệp, quy mô thu nhập tính thuế để thực hiện và đây là điều bắt buộc. Thời gian qua, khi nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến nghiên cứu, ứng dụng KH&CN, một số doanh nghiệp lớn đã làm và thành công.

Điển hình như Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) năm 2010 đã thành lập viện nghiên cứu riêng, trích 10% lợi nhuận trước thuế cho Quỹ Phát triển KHCN, tương đương với 2.500 tỷ đồng. Với mức đầu tư như vậy, chỉ sau một thời gian ngắn, các sản phẩm quan trọng bậc nhất phục vụ cho ngành công nghệ thông tin và viễn thông mà viện nghiên cứu của Viettel làm ra đã đáp ứng được nhu cầu phát triển doanh nghiệp và giá chỉ bằng 1/3 so với giá thị trường.

Với những chính sách mới, quyết liệt và cởi mở hơn, số lượng doanh nghiệp KH&CN ở Việt Nam sẽ tăng lên nhanh chóng.

Văn Ngũ

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang