Doanh nghiệp khởi nghiệp cần chủ động đổi mới, chuyển đổi mô hình tăng trưởng

author 15:54 27/11/2020

(VietQ.vn) - Bộ trưởng Bộ KH&CN nhấn mạnh, để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, bản thân các doanh nghiệp khởi nghiệp cần có sự chủ động trong việc đổi mới, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tạo ra nhiều giá trị hơn nữa.

Năm 2020, mặc dù đối mặt với khủng hoảng Covid-19, tổng giá trị đầu tư cho khởi nghiệp ước đạt hơn 310 triệu đô la, Việt Nam cũng ghi nhận kỳ lân thứ hai là Vnpay. Nhiều chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đã được Chính phủ cụ thể hoá bằng các Chương trình hỗ trợ chuyên sâu, như: Chỉ thị về hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển doanh nghiệp công nghệ số, chương trình quốc gia phát triển thương mại điện tử, chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030...

Nhiều địa phương đã đưa đổi mới sáng tạo thành một mục tiêu phát triển, đặc biệt tại Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh. Trước ngày hội chính thức của TECHFEST quốc gia, các sự kiện TECHFEST Vùng Đồng bằng Sông Hồng tại Hải Phòng từ 25-27/9, vùng Duyên hải Nam Trung Bộ tại Phú Yên vào ngày 1/10 và Đà Nẵng vào 9/10, vùng Đồng bằng Sông Cửu Long diễn ra tại Bến Tre ngày 21-22/11 và TECHFEST vùng Đông Nam Bộ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh từ ngày 24/11. Các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp gia tăng về mặt số lượng và dần hình thành mô hình kết nối giữa Nhà nước - Nhà trường và doanh nghiệp để tận dụng các cơ sở hạ tầng sẵn có hình thành không gian đổi mới sáng tạo, khu dịch vụ tập trung cho khởi nghiệp.

Để tổng kết và kiến nghị các giải pháp cho hệ sinh thái trong thời gian tới, chiều ngày 27/11, Lễ khai mạc Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia TECHFEST Vietnam và Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp “Cùng đất nước vượt qua thách thức” được tổ chức tại Hà Nội. Sự kiện do Bộ KH&CN và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức.

Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt một lần nữa nhấn mạnh, 2020 là một năm có nhiều biến động và thách thức trên cả thế giới, đòi hỏi sự vận động, thích ứng và chuyển đổi để bứt phá. Để làm được điều đó, cốt lõi phụ thuộc vào việc doanh nghiệp khởi nghiệp có thể khai thác, tận dụng nguồn lực tối đa, phát triển lợi thế của mình để vượt qua thách thức. Lấy trí tuệ làm cốt lõi, tư duy đổi mới sáng tạo làm kim chỉ nam, khoa học và công nghệ là công cụ vững chắc, hình thành và phát triển nền kinh tế tri thức dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Bên cạnh đó, trong năm 2020 vừa qua, thị trường tại Việt Nam được đánh giá là điểm đến an toàn được các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư lựa chọn hướng đến trong thời gian tới. Kinh tế vĩ mô và tài khóa ổn định với mức tăng trưởng GDP ước tính đạt 1,8% trong nửa năm đầu 2020, dự kiến đạt 2,8% trong cả năm.

Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới không dự báo suy thoái kinh tế. Đặc biệt, Việt Nam vừa tham gia ký kết sau 8 năm đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), FTA có quy mô lớn nhất thế giới giữa ASEAN và 5 nước đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Đây sẽ là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam khi muốn bước ra thị trường quốc tế.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu khai mạc sự kiện 

Năm 2020 cũng là năm Việt Nam trở thành Chủ tịch ASEAN 2020, với thông điệp “Vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”. Lựa chọn chủ đề cho năm ASEAN 2020 là “Gắn kết và chủ động thích ứng", Việt Nam mong muốn khẳng định đoàn kết có ý nghĩa quyết định với sự vững bền của ASEAN.

Việc trở thành Chủ tịch ASEAN năm nay là lợi thế có việc phát triển thị trường khởi nghiệp trong khu vực ASEAN. Với vị trí chủ nhà, Việt Nam có những hành động tích cực như thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực, nâng cao khả năng thích ứng và tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0, lấy trí tuệ con người làm giá trị cốt lõi để phát triển. Tất cả các nỗ lực trên của Việt Nam trong năm 2020 vừa qua đều hướng tới mong muốn gắn kết và phát triển giữa các quốc gia.

"Trong giai đoạn vừa qua, từng bước, chúng ta đã hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia. Hành lang pháp lý đã dần được hoàn thiện, gần đây nhất là sự thay đổi về triết lý tiếp cận của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp 2020, hướng tới tạo điều kiện hơn nữa, khuyến khích hơn nữa các nguồn đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo. Sự lan tỏa, tác động từ Đề án 844 ngày càng rõ nét và cộng hưởng, với 53 tỉnh, thành phố cùng triển khai các hoạt động, cùng với sự tham gia đồng hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trung ương Đoàn TNCS HCM, Hội Phụ nữ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam... Đây là nền tảng rất vững chắc để phát triển mạng lưới kết nối quốc gia", Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nói.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ KH&CN, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo hiện nay đã bước vào giai đoạn mới, giai đoạn trọng yếu để phát triển. Do đó, để phát triển hệ sinh thái một cách bứt phá, cần có sự nỗ lực và phối hợp từ các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp khởi nghiệp đến các chủ thể trong hệ sinh thái khác.

Để thích ứng và chuyển đổi bứt phá, cần có sự chung tay hợp tác, đổi mới sáng tạo từ cách làm đến tư duy, phát triển nguồn nhân lực và tạo ra môi trường cạnh tranh phù hợp; lấy các doanh nghiệp khởi nghiệp làm trung tâm của sự phát triển. Chính bản thân các doanh nghiệp khởi nghiệp cần có sự chủ động trong việc đổi mới, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tạo ra nhiều giá trị hơn nữa. Việt Nam hiện có hai doanh nghiệp khởi nghiệp kỳ lân (định giá trên 1 tỷ đô la Mỹ) là Công ty Cổ phần VNG (Vinagame), VNP và khoảng 10 doanh nghiệp khởi nghiệp có định giá trên 100 triệu đô la Mỹ. Tôi kỳ vọng đến năm 2025, hệ sinh thái khởi nghiệp của chúng ta có nhiều kỳ lân hơn nữa.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết thêm, qua 5 mùa Techfest, điểm lại những kết quả chúng ta đã đạt được có thể thấy, các chủ thể trong hệ sinh thái đã làm tương đối tốt vai trò của mình. Nhưng để phát triển hơn nữa trong giai đoạn mới này, cần tập trung vào các hoạt động chính như sau:

Thứ nhất, tập trung phát triển, liên kết các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo, đặc biệt là tại các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu, từ đó khuyến khích và đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu, hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp mạnh từ khu vực này.

Thứ hai, khai thác cơ sở hạ tầng kỹ thuật, phòng thí nghiệm, khu thử nghiệm, sẵn có của các cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, để hình thành các khu hỗ trợ kỹ thuật cho khởi nghiệp sáng tạo.

Thứ ba, lấy trí tuệ, con người làm giá trị cốt lõi để đổi mới sáng tạo. Thúc đẩy và phát triển nguồn lực con người thông qua hệ thống cơ sở giáo dục, cơ sở đào tạo, nghề nghiệp... Kết nối và khuyến khích nguồn trí tuệ Việt Nam trên khắp thế giới cùng chung tay phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia.

Thứ tư, tập trung hình thành những nền tảng liên kết mới, không gian kết nối mới, những cơ hội mới để có được những thành tựu mới; nhanh chóng hình thành và liên kết chặt chẽ Mạng lưới kết nối khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, liên kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế.

"Với sự có mặt tham dự và trực tiếp tham gia các hoạt động của Techfest 2020 ngày hôm nay của các chuyên gia, nhà đầu tư, tổ chức, cơ quan trong và ngoài nước, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tôi tin tưởng rằng, các nguồn lực không chỉ được hội tụ tại đây, mà còn được lan tỏa và nhân rộng hơn sau đó. Tôi mong muốn rằng, thông qua TECHFEST 2020, và thông qua việc cùng chung tay xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, triết lý về chuyển đổi để bứt phá sẽ được cộng hưởng và đồng hành trong những bước đi tiếp theo", Bộ trưởng Bộ KH&CN nhấn mạnh.

CÁC ĐIỂM MỚI CỦA TECHFEST 2020

Về hoạt động: Hơn 40 chương trình hội nghị, hội thảo, tọa đàm, triển lãm, trưng bày được tổ chức trong chuỗi sự kiện TECHFEST 2020 từ ngày 26 - 29/11/2020 bao gồm: Lễ Khai mạc và Bế mạc, Diễn đàn đối thoại với Thủ tướng, Diễn đàn “Kết nối nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, chuỗi diễn đàn/hội thảo chuyên đề về xu hướng phát triển công nghệ, mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ trong nhiều lĩnh vực (công nghệ thông tin, giải trí & truyền thông, thương mại điện tử, logistic, sở hữu trí tuệ…), chuỗi sự kiện kết nối đầu tư, Cuộc thi khởi nghiệp ĐMST quốc gia...

Về các làng công nghệ: TECHFEST 2020 mở rộng về quy mô và tập trung thể hiện có chiều sâu hệ sinh thái trong 12 làng công nghệ: Y tế, Giáo dục, Nông nghiệp, Du lịch & Ẩm thực, Tài chính, Tiên phong, Đô thị thông minh, Tác động xã hội, Cộng đồng dịch vụ hỗ trợ, Sinh viên, Địa phương, Quốc tế với hơn 250 gian hàng của các dự án khởi nghiệp sáng tạo tiêu biểu.

Về người tham dự: Dự kiến sẽ đón hơn 6000 lượt người tham dự, hơn 300 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, 200 nhà đầu tư và diễn giả trong nước, quốc tế, 150 doanh nghiệp lớn, tập đoàn kinh tế và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, hơn 350 lượt kết nối đầu tư, có gần 100 nhà báo và các cơ quan truyền thông trong nước, quốc tế.

Về địa điểm: Lễ khai mạc TECHFEST 2020 và Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp được tổ chức tại Khách sạn Grand Plaza, 117 Trần Duy Hưng, Hà Nội, các hoạt động còn lại sẽ được tổ chức tại Đại học Kinh tế Quốc dân, 207 đường Giải phóng, Hà Nội.

Về hình thức tổ chức: kết hợp cả trực tiếp và trực tuyến với công cụ và nền do các công ty công nghệ thông tin hỗ trợ nhằm thích ứng với bối cảnh Covid, với sự tham gia đồng hành tích cực của Đề án Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong lĩnh vực phần mềm, công nghệ thông tin, thương mại điện tử, logistics...

Về chủ đề: Hoạt động xuyên suốt của TECHFEST 2020 là các hoạt động kết nối để khai thác nguồn lực trong nước và quốc tế hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam với chủ đề “THÍCH ỨNG – CHUYỂN ĐỔI – BỨT PHÁ”: Thích ứng với bối cảnh mới, trạng thái mới; Chuyển đổi tư duy, phương thức tổ chức, quản lý; Bứt phá trong giải pháp triển khai và mô hình phát triển.

Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia TECHFEST Việt Nam 2020 với chủ đề “THÍCH ỨNG - CHUYỂN ĐỔI - BỨT PHÁ" diễn ra từ ngày 26 – 29/11/2020 tại Hà Nội. Đây là sự kiện thường niên lớn nhất hội tụ các cá nhân, tổ chức, mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước, quốc tế dành cho cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo do Bộ KH&CN phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức.

Đồng thời, đây là dịp quảng bá hình ảnh hệ sinh thái khởi nghiệp Việt năng động, sẵn sàng chào đón sự hợp tác cùng phát triển khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo từ các đối tác trong nước, quốc tế.

Sẽ có gần 300 gian hàng của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tiêu biểu, 40 hoạt động hội nghị, hội thảo diễn ra tại TECHFEST năm nay. Bên cạnh các hoạt động trọng tâm là kết nối đầu tư và cuộc thi "Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia" để chọn ra đại diện xuất sắc nhất của Việt Nam tham dự cuộc thi toàn cầu Startup Worldcup.

Thích ứng với đại dịch, TECHFEST năm nay được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, hệ thống trực tuyến do liên minh các công ty công nghệ thông tin hỗ trợ (DQN, GTO, Netnam, Beowulf) cũng thể hiện sự thích ứng và sáng tạo của doanh nghiệp Việt đồng hành cùng doanh nghiệp khởi nghiệp đảm bảo tỷ lệ chuyên gia, nhà đầu tư quốc tế tham gia đạt hơn 40%.

Đóng góp vào thành công chung của sự kiện có sự tham gia đồng hành của Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải cùng với những sáng tạo của Đạo diễn Dương Quang Minh tại Lễ Khai mạc. Với chủ đề “THÍCH ỨNG – CHUYỂN ĐỔI – BỨT PHÁ” sẽ tiếp nối chủ đề của TECHFEST các năm trước về kết nối và hội tụ nguồn lực trong nước, quốc tế hỗ trợ khởi nghiệp Việt Nam. Từ đó, một lần nữa thể hiện quyết tâm của Chính phủ để tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo có uy tín trong khu vực ASEAN.

Sự kiện thường niên TECHFEST Việt Nam đã khẳng định uy tín của Việt Nam trong khu vực ASEAN và trên thế giới. Techfest Việt Nam đã trở thành thương hiệu riêng trong chuỗi các sự kiện quốc tế về kết nối cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo.

Phong Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang