Doanh nghiệp nắm 'chìa khóa' giải bài toán hàng giả, hàng nhái

author 11:59 01/04/2014

(VietQ.vn) - Nhà nước chỉ tạo cơ chế, người tiêu dùng cùng hỗ trợ và “chìa khóa” giải quyết vấn nạn hàng giả, hàng nhái sẽ là các doanh nghiệp.

Đó là nhận định của ông Trần Minh Dũng – Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ bên lề Hội thảo “Áp dụng biện pháp công nghệ trong thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam” vừa được tổ chức tại Hà Nội.

Theo ông Trần Minh Dũng, hiện nay có nhiều khó khăn trong vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) bởi lực lượng còn mỏng, trình độ còn hạn chế, cơ chế tuy có rất nhiều biện pháp nhưng biện pháp về hành chính vẫn đang là chủ đạo… vì thế việc phòng chống xâm phạn quyền, đặc biệt là hàng giả còn nhiều khó khăn.

Ông Trần Minh Dũng - Chánh Thanh tra bộ Khoa học và Công nghệ

“Khi khoa học và công nghệ ngày càng phát triển, càng hiện đại, càng làm ra nhiều sản phẩm, có những sản phẩm tối ưu, sản phẩm công nghệ cao, tính năng tốt, đáp ứng mọi yêu cầu của cuộc sống, đi theo nó là công nghệ làm hàng giả cũng phát triển theo”, ông Trần Minh Dũng nói.

Trên thực tế, khi các đối tượng làm hàng giả, hàng nhái, các mẫu mã, nhãn hiệu có thể bị xê dịch đôi chút. Các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp có thể thay thế một số chi tiết…Điều đó đang diễn ra rất phổ biến hiện nay. Do vậy việc nhận biết hàng giả cũng gặp không ít khó khăn. Có những hàng giả làm rất tinh vi, có khi đặt hàng thật và hàng giả bên cạnh nhau, khó có thể phân biệt được đâu là hàng thật, đâu là hàng giả.

Trong Nghị định 99/2013/NĐ-CP của Chính phủ, Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp đã có đề cập tới sự tham gia của các chủ thể quyền. Kết luận của chủ thể quyền là bằng chứng quan trọng để cơ quan thực thi quyền SHTT căn cứ thực thi. Đồng thời, hơn ai hết, các chủ thể quyền sẽ biết phạm vi bảo vệ của mình đến đâu. Họ có các biện pháp phòng chống và chỉ có chuyên gia của họ mới xác định được, các bệnh pháp thông thường khác khó có thể xác định được. Các cơ quan thực thi, nếu có, chỉ đưa hàng hóa vào giám định và phải biết các dấu hiệu nào là thật và không phải thật mới có thể đánh giá được. Còn các giải của chủ thể quyền và giải pháp kỹ thuật, khoa học và công nghệ của các chủ thể quyền là điều rất quan trọng để phòng chống hàng giả.

Ngoài các nguyên nhân từ chủ quan của cơ quan thực thi, từ khách quan của quy định pháp luật, mong muốn có sự tham gia, hợp tác của các chủ thể quyền. Việc cung cấp thông tin, giám sát của các chủ thể quyền ngay từ thời điểm hàng giả, hàng nhái mới hình thành là rất quan trọng. Khi hàng giả mới manh nha xuất hiện là phải rập tắt ngay, lúc đó dễ dàng, ít tốn kém hơn. Khi để hàng giả, hàng nhái tràn lan, được nhân rộng, việc chống hàng giả sẽ khó khăn, phức tạp, chi phí tốn kém, thiệt hại lớn hơn.

Đã có những bài học rất thành công trong việc áp dụng công nghệ vào bảo vệ quyền SHTT, ông đánh giá thế nào về vai trò của công nghệ trong thực thi quyền SHTT ở Việt Nam?

Quá trình hội nhập, có những doanh nghiệp nỗ lực rất lớn trong việc thực thi quyền SHTT.  Điển hình như Công ty CP Hương Vang – doanh nghiệp sở hữu thương hiệu rượu Men’ Vodka đã áp dụng hình thức xác thực hàng hóa qua tin nhắn SMS. Hoặc như Công ty Unilever áp dụng nhiều ứng dụng trên sản phẩm với máy móc công nghệ ở trình độ công nghệ cao và các đối tượng muốn làm giả, làm nhái phải đầu tư được công nghệ, máy móc đó với số tiền rất lớn mới có thể làm được. Khi bỏ ra rất nhiều tiền để mua máy móc, thiết bị mới đáp phục vụ cho quá trình làm giả sản phẩm, chắc chắn các đối tượng sẽ gặp nhiều khó khăn.

Thông qua việc chủ động bảo vệ sản phẩm, bảo vệ quyền SHTT, các chủ thể quyền đưa ra các dấu hiệu nhận biết bằng công nghệ của doanh nghiệp mình, lúc đó, người tiêu dùng và cơ quan thực thi sẽ dễ dàng nhận biết hơn đâu là hàng chính hãng, đâu là hàng nhái để nhận biết dễ dàng hơn.

Một bài học cũng từ Unilever, doanh nghiệp này đã từng tổ chức cả đội giám sát thị trường, khi phát hiện hàng giả, hàng nhái mới manh nha ở đâu đó, họ có thể khu trú lại để tìm hiểu và dập tắt ngay lập tức.

Hiện tại, chúng ta đang trong quá trình hội nhập, các doanh nghiệp đa phần là vừa và nhỏ, việc đưa công nghệ cao, công nghệ tối ưu vào phòng chống hàng giả lại là điều khó khăn. Khi chi phí đầu tư lớn, ảnh hưởng tới giá thành sản phẩm lên và như vậy cạnh tranh phải gay gắt và khó khăn hơn. Việc đầu tư đó cần có quá trình và tùy vào chiến lược phát triển của doanh nghiệp để phù hợp từng giai đoạn, mỗi giai đoạn cần đầu tư gì cần được nghiên cứu kỹ Các doanh nghiệp cần phải lựa chọn công nghệ tích hợp trong quá trình phòng chống hàng giả để đạt hiệu quả cao hơn. Ngoài ra cần theo dõi trên thị trường, có các cơ chế động viên người tiêu dùng tham gia giám sát, bảo vệ từ xa bằng phương tiện online, hỗ trợ cho thực thi… là những biện pháp đồng bộ cần làm.

Có sự hỗ trợ thế nào từ cơ quan thực thi để doanh nghiệp giảm tải gánh nặng chi phí trong quá trình thực thi bảo vệ quyền SHTT không thưa ông?

Khi doanh nghiệp thực sự quan tâm đến tài sản trí tuệ vô hình, khi tài sản bị ăn cắp, điều đó có nghĩa là tài sản đang bị mất đi, lúc đó doanh nghiệp phải quan tâm đầu tư, nhà nước chỉ hỗ trợ bằng chính sách. Nhà nước không thể bỏ tiền ra để đầu tư cho doanh nghiệp bảo vệ hàng hóa của mình mà đó là việc của các doanh nghiệp phải tự làm. Doanh nghiệp cần có chiến lược đầu tư hợp lý, phát triển tài sản của mình, có chất lượng, có uy tín, có chính sách khuyến mại, xúc tiến thương mại hợp lý, có biện pháp phòng chống… Khi chính sách phát triển doanh nghiệp đến đâu, uy tín của sản phẩm như thế nào thì cần phải có các biện pháp phòng chống hàng giả hợp lý.

Doanh nghiệp phải bỏ ra các chi phí điều tra, chi phí thực tiễn, chi phí cho việc bảo vệ thương hiệu, nhãn hiệu, tránh làm giảm uy tín, thương hiệu của mình, bán hàng không được do hàng giả lấn lướt… lúc đó các doanh nghiệp sẽ thấu hiểu hành trình chống hàng giả thế nào.

Bước vào kinh tế thị trường, nhà nước không áp đặt cơ chế bao cấp. Nhà nước chỉ tạo cơ chế, khuyến khích, thực thi, doanh nghiệp phải có chiến lược phù hợp để có giải pháp phòng chống hàng giả cùng với sự lớn mạnh của doanh nghiệp mình.

Trong quá trình phòng chống hàng giả, hàng nhái, cơ quan chức năng và doanh nghiệp đã ban hành nhiều loại tem để chống hàng giả, tuy nhiên các loại tem đó đã nhiều lần bị làm giả, vậy người tiêu dùng có thể đặt niềm tin vào ai thưa ông?

Với công nghệ ngày càng phát triển sẽ tạo ra nhiều sản phẩm mới và kế tiếp nó là sẽ có các sản phẩm mới hơn được ra đời. Với lợi nhuận hàng giả lớn, các đối tượng sẽ không từ một thủ đoạn nào. Khi đầu tư giải pháp công nghệ ở giai đoạn thấp, trong tương lai lại phải đầu tư công nghệ ở tầm cao hơn.

Khi uy tín sản phẩm của càng cao, sự lớn mạnh của các công ty ngày càng lớn, các công ty càng phải đầu tư từ lợi nhuận của mình cho phòng chống hàng giả. Việc phòng chống sau phải hiện đại hơn những phòng chống đã có từ trước đó mới mang lại nhiều hiệu quả. Trong quá trình đó, các doanh nghiệp cần tích hợp nhiều công nghệ để đối tượng làm hàng giả, khi có muốn làm cũng rất khó khăn.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng cần phải quan tâm khi nhà nước giao cho chức năng phòng chống hàng giả, phải có đầu tư, không nên coi tem chống hàng giả là trường tồn, vĩnh cửu. Vì thực tế cho thấy, ngày hôm nay tem chống giả có thể là hiện đại, tính bảo mật cao nhưng ngày mai nó đã có thể là lỗi thời, công nghệ thấp.

Hiện trên thị trường cũng đã hình thành nhiều doanh nghiệp chuyên làm dịch vụ về an ninh, an toàn cho hàng hóa. Sự kết hợp giữa các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa và các doanh nghiệp dịch vụ an ninh, an toàn hàng hóa sẽ đáp ứng được việc phòng chống hàng giả, hàng nhái hiệu quả hơn.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Nam (thực hiện)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang