Doanh nghiệp nên chủ động trong phòng vệ thương mại

author 06:01 02/06/2021

(VietQ.vn) - Để tránh những rủi ro do kiện phòng vệ thương mại, doanh nghiệp nên chủ động tham gia trả lời các câu hỏi của bên điều tra, chuẩn bị đầy đủ hồ sơ tài liệu theo đúng yêu cầu… Chính sự chủ động hợp tác, tham gia của doanh nghiệp quyết định 90% kết quả của vụ điều tra.

Theo thống kê, tính đến hết quý I/2021 đã có 203 vụ việc phòng vệ thương mại do 21 quốc gia/vùng lãnh thổ khởi xướng điều tra đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam; trong đó, số lượng vụ việc năm 2020 là 39 vụ, cao gấp hơn 2,5 lần tổng số vụ việc trong cả năm 2019. Đặc biệt, số lượng các vụ việc chống lẩn tránh nhằm vào hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đang có dấu hiệu tăng lên do một vài nước cho rằng hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sử dụng nguyên liệu chính được nhập khẩu từ những khu vực đang bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

Doanh nghiệp nên chủ động trong phòng vệ thương mại. Ảnh minh họa. 

Lý giải về vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân là do xuất khẩu tăng nhanh nhờ tác động tích cực của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và tham gia các FTA. Nhiều mặt hàng của Việt Nam đã tạo ra sức ép cạnh tranh lớn tại thị trường nước nhập khẩu, khiến ngành sản xuất tại các nước này đề nghị Chính phủ điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.

Bên cạnh đó, còn một nguyên nhân khác xuất phát từ tác động của dịch Covid-19 đến nhiều nền kinh tế, khiến nhiều ngành phải thu hẹp sản xuất, sa thải công nhân. Tuy nhiên, nhờ sự quyết liệt trong phòng chống dịch, Việt Nam vẫn đạt được tăng trưởng kinh tế ấn tượng trên nhiều lĩnh vực; trong đó có xuất khẩu. Bởi thế, không ít quốc gia đã gia tăng điều tra phòng vệ thương mại để bảo hộ sản xuất, nhất là với các nước vẫn duy trì xuất khẩu tốt như Việt Nam.

Bà Phan Mai Quỳnh, Phó Trưởng phòng Điều tra thiệt hại và Tự vệ (Cục Phòng vệ thương mại) khẳng định, để tránh những rủi ro do kiện phòng vệ thương mại, doanh nghiệp nên chủ động tham gia trả lời các câu hỏi của bên điều tra, chuẩn bị đầy đủ hồ sơ tài liệu theo đúng yêu cầu, chuẩn bị thời gian, luật sư phiên dịch. Chính sự chủ động hợp tác, tham gia của doanh nghiệp quyết định đến 90% kết quả của vụ điều tra.

Không chỉ vậy, bà Quỳnh cũng khuyến cáo doanh nghiệp nên xây dựng hệ thống quản trị tiên tiến, hiện đại, lưu trữ hồ sơ, chứng từ đầy đủ, nghiên cứu các quy định về thương mại, phòng vệ thương mại quốc tế hoặc cân nhắc tư vấn từ luật sư am hiểu pháp luật quốc tế khi cần thiết.

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết thêm, nhằm bảo vệ nền sản xuất trong nước cũng như tạo đà cho xuất khẩu bền vững, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2074/QĐ-BCT về Chương trình hành động thực hiện Quyết định số 316/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại” để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc chủ động sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại cũng như ứng phó kịp thời với các biện pháp phòng vệ thương mại do nước ngoài áp dụng.

Hiện tại, việc thực hiện về cảnh báo sớm đối với nhiều ngành hàng, sản phẩm có nguy cơ bị kiện phòng vệ thương mại tại nhiều thị trường khác nhau đang được các đơn vị của Bộ Công Thương; trong đó có Cục Phòng vệ thương mại cập nhật danh sách ngành hàng, sản phẩm và có các điều chỉnh xuất khẩu phù hợp để hạn chế bị kiện phòng vệ thương mại trên trang web www.trav.gov.vn.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đang tích cực xây dựng cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý, hiệp hội ngành nghề, thương nhân khi xử lý các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu nhằm giảm thiểu tác động đến các doanh nghiệp, hàng hóa của Việt Nam.

Áp thuế phòng vệ thương mại- Hỗ trợ ngành mía đường Việt Nam cạnh tranh sòng phẳng(VietQ.vn) - Việc áp thuế phòng vệ thương mại- thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời đã mang lại cơ hội cạnh tranh công bằng cho đường Việt Nam ở thị trường nội địa, góp phần hỗ trợ ngành mía đường Việt Nam cạnh tranh sòng phẳng với đường ngoại nhập.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang